Đây là nhận định của Tổng giám đốc Liên minh bưu chính thế giới UPU Bisha A.Hussein trong buổi tiếp kiến Phó thủ tướng Vũ Đức Đam diễn ra vào chiều ngày 26/6/2018.
Lần thứ hai quay trở lại Việt Nam, Ông Bishar A. Hussei nhận thấy bưu chính Việt Nam đã thay đổi rất nhiều so với 5 năm trước đây. Các dịch vụ bưu chính ngày càng có sự đổi mới theo hướng gần gũi với nhu cầu thiết yếu của người dân, đặc biệt là các dịch vụ hậu cần thương mại điện tử, cải cách hành chính. So với nhiều quốc gia trong Liên minh bưu chính thế giới, bưu chính Việt Nam đang có tốc độ phát triển khá mạnh, từ cơ sở hạ tầng, bán kính phục vụ, nguồn nhân lực đến chất lượng dịch vụ.
Tuy nhiên Người đứng đầu Liên minh Bưu chính Thế giới cho rằng, bên cạnh dịch vụ thư truyền thống, thời gian tới bưu chính Việt Nam nên tập trung phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới; dịch vụ bưu chính điện tử; dịch vụ tài chính cho những người dân ở vùng nông thôn. Trong bối cảnh thông tin, truyền thông phát triển mạnh mẽ như hiện nay Tổng giám đốc UPU mong muốn mạng lưới bưu chính quốc gia sẽ tiếp tục được đầu tư để mọi người dân và doanh nghiệp tiếp tục được hưởng lợi từ một dịch vụ công cộng thiết yếu nhất và giá cả phù hợp nhất.
Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về các vấn đề nóng mà UPU sẽ xem xét giải quyết tại Đại hội Bất thường tổ chức tại Addis Ababa, Ethiopia vào tháng 9/2018 gồm đổi mới UPU, đổi mới hệ thống đóng góp niên liễm của các nước thành viên, Kế hoạch tích hợp sản phẩm (IPP), kế hoạch tích hơp hệ thống bồi hoàn (IRP) và ổn định Quỹ phúc lợi của UPU, Tổng giám đốc UPU mong muốn nhận được sự ủng hộ của Chính phủ Việt Nam với tư cách làm thành viên chính thức của Liên minh và là một thành viên tích cực trong Hội đồng Điều hành (CA-UPU) nhiệm kỳ 2017-2020 đối với các vấn đề quan trọng này.
Đánh giá cao sự nỗ lực của Liên minh Bưu chính Thế giới trong việc luôn luôn hoàn thiện và đổi mới cơ cấu, tổ chức để hoạt động linh hoạt và hiệu quả hơn trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng công cuộc cải cách, đổi mới cần phải tiến hành từng bước và đồng bộ.
Chính phủ Việt Nam ghi nhận ý kiến của UPU và sẽ xem xét tích cực tại Đại hội Bất thường sắp tới tổ chức tại Ethiopia, chúc cho Đại hội thành công và đạt được sự đồng thuận cao. Đồng thời, nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị UPU quan tâm tới các dự án trợ giúp kỹ thuật của UPU dành cho Việt Nam trong thời gian tới như dự án phổ cập dịch vụ tài chính bưu chính, dự án khu vực về chuẩn bị sẵn sàng cho thương mại điện tử (ORE)…