Thông tin được TS. Nguyễn Huy Quang chia sẻ tại hội thảo về đánh giá kết quả vận động, chống tác hại của rượu bia do Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) tổ chức tại Hà Nội sáng 18/7.
“Trong những lúc đấu tranh mệt mỏi, tưởng chừng như đã nhụt chí rồi, không thể phản bác lại luận điệu của ngành công nghiệp rượu bia, dự thảo Luật rơi vào tình trạng “suy dinh dưỡng”, Bộ Y tế tổ chức truyền thông tập huấn báo chí, để truyền thông vào cuộc. Từ đó, chúng tôi chiếm được sóng trong khung giờ vàng ở một số thời điểm, tạo ra tác động lớn đến người dân” – TS. Nguyễn Huy Quang nói.
Điều này đã trở thành một bài học quý giá đối với ông về sức mạnh của truyền thông trong công tác vận động, xây dựng hệ thống luật pháp.
TS. Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế
|
TS. Nguyễn Huy Quang thừa nhận nếu không có truyền thông vào cuộc, không có các nhà báo đấu tranh bảo vệ cho Luật, sẽ không có bài viết khách quan, thuyết phục. Đã có những bài viết khiến cho chính người trong cuộc cũng bị lay động vì đưa ra những bằng chứng sinh động, chắc chắn.
Bên cạnh đó, sức kết hợp giữa sức mạnh của mạng xã hội và truyền thông trên báo chí cũng góp phần tác động giúp cho dự thảo luật giữ nguyên nhiều chế tài mạnh mẽ, được thông qua trong kỳ họp Quốc hội vừa qua.
Nhắc riêng tới VietTimes, TS. Nguyễn Huy Quang ghi nhận tuyến bài về dự thảo Luật đã đưa ra tiếng nói có trọng lượng, dồn dập, tung ra đúng và trúng thời điểm, giúp độc giả hình dụng được tổng thể quá trình xây dựng luật, tạo dấu ấn nhận thức đối với người dân và các đại biểu quốc hội.
Từ đây, TS. Nguyễn Huy Quang đúc kết: “Muốn truyền thông đúng hướng, trước hết chúng tôi cần cung cấp đầy đủ thông tin cho các nhà báo để họ nắm được thông tin chính thống liên quan đến quá trình xây dựng các luật; các số liệu, minh chứng, hình ảnh, câu chuyện cụ thể. Khi họ hiểu rồi thì truyền thông sẽ xây dựng các bài viết tốt hơn”.
TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng, tổ chức điều phối Liên minh phòng chống bệnh không lây nhiễm (NCDs-VN) trả lời phỏng vấn.
|
Bên cạnh đó, khi có các ý kiến khác nhau cần tranh luận, các đơn vị cần tạo ra truyền thông đa chiều thay vì truyền thông một chiều, trên cơ sở nền tảng sức khỏe người dân, chính sách an sinh xã hội. Sau đó phối hợp với các cơ quan truyền thông để tạo hiệu ứng xã hội tốt nhất, cung cấp thông tin giúp những bài viết tiếp cận nguồn chính thống mạnh mẽ hơn.
Cuối cùng, ông nhận thấy sự cần thiết về sự phối hợp giữa Bộ Y tế và Bộ Thông tin – Truyền thông, Ban Tuyên giáo TW, các cơ quan khác để truyền thông hiệu quả, hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
Đồng tình với ý kiến của TS. Nguyễn Huy Quang, TS. Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - ghi nhận vai trò của truyền thông trong lần vận động thông qua dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia tháng 6 vừa qua.
Chính sự ủng hộ của đội ngũ nhà báo có tâm, sự hưởng ứng của mạng xã hội đã giúp các nhà làm luật, chuyên gia trong lĩnh vực có sức mạnh, niềm tin, sự kiên trì thuyết phục Quốc hội thông qua dự thảo Luật.