Toàn Hệ Mặt Trời sẽ có Internet

Cơ quan này sẽ kết nối internet giữa các hành tinh, cho phép việc truyền tải thông tin trên vũ trụ diễn ra nhanh hơn và không bị gián đoạn như trước đây.
Sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc giữa các hành tinh (Nguồn: NASA)
Sơ đồ hệ thống thông tin liên lạc giữa các hành tinh (Nguồn: NASA)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đang cài đặt phần mềm trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) giúp việc trao đổi thông tin nhanh hơn và dễ dàng hơn. Điều này cũng tạo tiền đề để thiết lập hệ thống internet bao phủ toàn bộ Hệ Mặt Trời trong tương lai.

Mạng lưới với tên gọi Chống Gián Đoạn (Delay/Disruption Tolerant Networking - DTN) sẽ giúp tự động hóa, biên tập dữ liệu cho trạm không gian và giúp mở rộng băng thông nhằm truyền tải dữ liệu nhanh hơn, dễ dàng hơn.

Trong tháng này, NASA đã tiến một bước quan trọng trong việc tạo ra một hệ thống internet cho Hệ Mặt Trời bằng cách thiết lập hoạt động mạng lưới mới trên trạm ISS. Nó sẽ được bổ sung vào hệ thống TReK (Telescience Resource Kit) của trạm này.

TreK là hệ thống phần mềm ứng dụng cho phép người dùng gửi và nhận thông tin từ một cơ sở dưới mặt đất đến điểm chuyển giao tín hiệu ISS ở khoảng cách 400km so với Trái Đất.

Ở Trái Đất, thông tin trên internet được lan truyền từ điểm này đến điểm khác thông qua một loạt giao điểm, hay còn gọi là các nút truyền tải thông tin. Chúng cần được kết nối liên tục và bền vững trong quá trình truyền dữ liệu.

Trong vũ trụ, quá trình truyền dữ liệu có thể bị gián đoạn bởi sự chuyển động liên tục của các hành tinh và vệ tinh. Đối với hệ thống DTN, dữ liệu di chuyển theo những bước nhảy ngắn giữa các nút có thể là vệ tinh hoặc trạm chuyển tiếp. DTN lưu lại dữ liệu và chỉ gửi đi khi một nút có thể thiết lập liên kết an toàn với nút kế tiếp. Chính vì thế các gói dữ liệu không bị mất đi, lỗi phát sinh cũng được giảm thiểu.

Phương pháp truyền thông tin này hứa hẹn có thể áp dụng trên Trái Đất, ở những nơi liên kết truyền tin có thể không ổn định, chẳng hạn tại hiện trường một thảm họa.

Theo TGVN