Chiều 7-6 ông Huỳnh Văn Sum - phó bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng - cho biết như trên. Ông Sum thừa nhận “bên này” (Tỉnh ủy) có sử dụng một trong những xe Lexus của bên công an giao cho, nhưng chủ yếu khi có bộ, ngành trung ương xuống thì dùng đi đón ở sân bay chứ ít sử dụng.
“Tôi thấy tự ái vì lùm xùm quá nên đã yêu cầu văn phòng Tỉnh ủy đem đi trả cho công an rồi” - ông Sum nói.
Về phía UBND tỉnh, chiều 7-6 trả lời Tuổi Trẻ, ông Ngô Thái Chân - chánh văn phòng, người phát ngôn UBND tỉnh Sóc Trăng - khẳng định: “Lúc đầu công an có gợi ý giao xe cho UBND tỉnh, nhưng chúng tôi không có nhu cầu nên từ chối. Hiện UBND tỉnh không sử dụng xe nào trong những chiếc Lexus đó”.
Nộp 100% tiền phạt giao thông về ngân sách nhà nước
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 7-6, một lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Bộ Công an cho biết theo quy định trước đây, số tiền xử phạt vi phạm giao thông thu được sẽ phân bổ 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông (ATGT) quản lý và sử dụng vào mục đích đảm bảo ATGT.
30% còn lại giao cho các lực lượng khác như thanh tra giao thông, cảng vụ đường thủy nội địa, ban ATGT các tỉnh, thành phố...
Tuy nhiên từ năm 2014, thực hiện theo quy định mới, toàn bộ số tiền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực giao thông phải nộp 100% về cho ngân sách. Việc quản lý và sử dụng tiền xử phạt được thực hiện theo Luật xử lý vi phạm hành chính và các thông tư hướng dẫn.
Theo đó, số tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT nộp về ngân sách trung ương, 70% chi cho lực lượng công an, 30% chi cho hoạt động của các lực lượng bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Về quy định này, đơn cử như tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu: trung bình mỗi năm tiền thu được từ xử phạt vi phạm giao thông khoảng 50 tỉ đồng, phân bổ như sau: 70% nộp về ngân sách trung ương, 30% để lại ngân sách địa phương.
Và 30% này chi cho hoạt động của các ban ATGT tỉnh, huyện, thanh tra giao thông, tuyên truyền...
Không thể kiểm soát xe chuyên dùng
Về việc quản lý việc mua sắm xe công, ông Trần Đức Thắng, cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính, cho biết từ khi quyết định 61 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý sử dụng xe công thì không có chuyện mua ôtô “quá tay”.
Bởi ngoài định mức, tiêu chuẩn ôtô công, trong thông tư hướng dẫn Bộ Tài chính cũng quy định rất rõ ràng trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước là không được thanh toán vượt mức.
Tuy nhiên, ông Thắng cũng cho biết đối với xe chuyên dùng thì hiện nay không thể kiểm soát được. Đơn cử như xe phòng cứu hỏa, cứu thương... có những xe lên đến hàng chục tỉ đồng. Có ôtô chuyên dùng mua 2 tỉ đồng cũng đúng, có xe mua đến 10 tỉ cũng không sai.
Do đó tới đây, những tài sản chuyên dùng mang tính chuyên ngành thì bộ ngành chủ quản sẽ có nhiệm vụ xây dựng định mức và đơn giá mua sắm cho tài sản chuyên dùng, trong đó có ôtô chuyên dùng.
Còn mua sắm tài sản sẽ vẫn phải theo quy định Luật đấu thầu để đảm bảo giá cạnh tranh nhất.
Theo Tuổi trẻ