Tình hình căng thẳng ở biên giới: Quan hệ Triều Tiên – Hàn Quốc bên bờ vực

Ngày 15/10, Triều Tiên nổ mìn phá tuyến đường bộ và tuyến đường sắt nối liền hai miền xuyên qua giới tuyến quân sự tạm thời, quân đội Hàn Quốc đã nổ súng răn đe. Sự kiện đã làm leo thang căng thẳng, đưa quan hệ hai nước đến bờ vực.
Báo Hàn Quốc phân tích, cho rằng máy bay không người lái xâm phạm Bình Nhưỡng giống như loại của quân đội Hàn, nhưng kích cỡ nhỏ hơn và có dấu vết cho thấy được sản xuất bằng công nghệ in 3D (Ảnh: Chosun)

Bối cảnh sự kiện

Vào lúc 9h45 ngày 9/10, chính phủ Triều Tiên thông báo cho quân đội Mỹ tại Hàn Quốc họ sẽ “cắt đứt hoàn toàn” các tuyến đường bộ và đường sắt nối biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Trong thời gian phía Triều Tiên xúc tiến cắt đứt giao thông trên hai đoạn đường; ngày 15/10 họ cáo buộc chính phủ Hàn Quốc xâm phạm chủ quyền nước này bằng việc cho máy bay không người lái bay qua Bình Nhưỡng, lấy lý do đó cho nổ tung hai tuyến đường trên nằm ở phía bắc của Đường phân giới quân sự.

Chính phủ Triều Tiên và Hàn Quốc đã cùng nhau tổ chức lễ kết nối tuyến đường sắt Donghae và tuyến đường bộ Gyonggui từ Hàn Quốc tới Triều Tiên vào ngày 14/6/2003, sau đó hai tuyến được lần lượt khai trương vào ngày 1/12/2004 và ngày 11/12/2007.

Vào tháng 6/2024, chính phủ Hàn Quốc thông báo họ đã nhận được thông tin rằng chính phủ Triều Tiên có ý định phá bỏ tuyến Gyonggui và các đoạn đường sắt của tuyến Donghae. Lúc 9 giờ 45 ngày 9/10/2024 Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Triều Tiên đã thông báo cho Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc rằng Triều Tiên sẽ “cắt đứt hoàn toàn” các tuyến đường bộ và đường sắt nối biên giới giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Triều Tiên nổ mìn phá các tuyến đường nối với Hàn Quốc (Ảnh: Chosun)

Triều Tiên bất bình với hành vi của Hàn Quốc

Ngày 11/10/2024, Bộ Ngoại giao CHDCND Triều Tiên đã công bố văn bản quan trọng, cáo buộc chính phủ Hàn Quốc cho máy bay không người lái bay vào khu vực trung tâm Bình Nhưỡng vào đêm khuya các ngày 3, 9 và 10/10, thả một số lượng lớn “tờ rơi tuyên truyền đen chính trị” chống CHDCND Triều Tiên để thực hiện hành vi khiêu khích quân sự.

Bà Kim Yo-jong, em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un, Phó Trưởng ban thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, cho biết trong một tuyên bố rằng chính phủ Hàn Quốc muốn trốn tránh trách nhiệm bằng cách nói họ vẫn chưa làm rõ tình hình liên quan. Nước này tuyên bố nếu máy bay không người lái của Hàn Quốc xuất hiện lần nữa ở Bình Nhưỡng, Triều Tiên sẽ tiến hành trả đũa.

Sau đó, bà Kim Yo-jong đưa ra một tuyên bố khác về việc Hàn Quốc cho máy bay không người lái tới Triều Tiên, nói rằng "chính phủ Hàn Quốc là thủ phạm và chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm liên đới". Tiếp đó, bà tiếp tục tuyên bố đáp trả phát biểu về "sự kết thúc chế độ ở Triều Tiên" của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc là "hành động tội ác nghiêm trọng" cố ý châm ngòi cho chiến tranh bùng nổ.

Ảnh máy bay không người lái do Triều Tiên công bố (Ảnh: KCNA).

Hàn Quốc đưa ra phản ứng

Sau khi biết được sự bất bình của Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Yong-hyun đã tham dự cuộc họp thanh tra các vấn đề quốc gia do Quốc hội tổ chức tại tòa án quân sự và trả lời các vấn đề liên quan, khẳng định quân đội Hàn Quốc không cho máy bay không người lái xâm nhập vào Triều Tiên.

Bộ Tham mưu liên quân cũng tuyên bố sẽ xác nhận xem có phải là hành động của các tổ chức dân sự hay không. Giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Shin Won-sik hôm 13/10 đã xuất hiện trên chương trình thời sự của Đài truyền hình KBS, nói rằng cáo buộc của Triều Tiên là cố ý gây ra mâu thuẫn nội bộ ở Hàn Quốc. Ông nói, cách tốt nhất để giải quyết vấn đề này là "bỏ qua vụ việc".

Sau đó, cùng ngày Bộ Quốc phòng Hàn Quốc gửi một tin nhắn có tiêu đề "Quan điểm về tuyên bố của Kim Yo-jong" tới các phóng viên, nói rằng Hàn Quốc đã đưa ra cảnh báo nghiêm khắc đối với Triều Tiên, “nếu Triều Tiên xâm hại sự an toàn của công dân Hàn Quốc, ngày đó sẽ là ngày chế độ Triều Tiên bị hủy diệt”.

Trong cuộc họp báo ngày 14/10, người phát ngôn Bộ tham mưu liên quân Hàn Quốc Ri Sung-jun tuyên bố rằng đã quan sát thấy quân đội Triều Tiên dựng vật cản trên tuyến đường liên quan và cũng đang chú ý đến động thái các ụ pháo của Triều Tiên trên bờ biển gần phía bắc ranh giới Hoàng Hải; nói “nếu Triều Tiên khiêu khích sẽ có thể phản kích mãnh liệt kiểu ra tay trước”.

Ảnh chụp một đoạn đường bộ bị Triều Tiên nổ mìn phá (Ảnh: Chosun)

Diễn biến sự kiện

Bộ Quốc phòng Triều Tiên tối 13/10 cho biết Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên đã ra chỉ thị cho các đơn vị ở tiền tuyến chuẩn bị khai hỏa. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết họ vẫn chưa nhận được cảnh báo từ đảo Jindo hoặc ra chỉ thị tăng cường cảnh giới. Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc sau đó cho biết họ đã nhận được thông tin tình báo rằng Triều Tiên có thể cho nổ tuyến đường bộ Gyonggui và tuyến đường sắt Donghae.

Ngày 14/10, ông Kim Jong-un, Tổng Bí thư, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Triều Tiên, đã triệu tập cuộc họp về quốc phòng và an ninh, chỉ ra phương hướng hoạt động quân sự của Triều Tiên, đề xuất bảo vệ chủ quyền quốc gia và lợi ích an ninh bằng cách khởi động lực lượng quốc phòng và thực hiện các quyền tự vệ.

Bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc ngày 15/10 đã gửi thông điệp tới giới truyền thông xác nhận vào trưa cùng ngày Triều Tiên đã cho nổ tung các phần của tuyến đường bộ Gyonggui và đường sắt Donghae ở phía bắc Đường phân giới quân sự; Quân đội Hàn Quốc đã "bắn súng cảnh cáo".

Sau các vụ nổ, chỉ còn lại hai lối đi kết nối đất liền giữa Hàn Quốc và Triều Tiên là khu vực cảnh bị chung và Cao điểm Mũi Tên (Arrowhead Heights). Tuy nhiên, Arrowhead Heights không có ý nghĩa thực tiễn vì xe cộ không thể đi qua. Sau khi cho nổ mìn, quân đội Triều Tiên cũng điều động các phương tiện khác tới hiện trường để dỡ bỏ các tuyến đường gần đó. Phạm vi vụ nổ là các đoạn đường cao tốc và đường sắt.

Vật cản được đặt trên đoạn đường bộ phía Hàn Quốc dẫn ra biên giới hai nước
 (Ảnh: Đông Phương).

Những ảnh hưởng phía sau vụ việc

Sau vụ nổ, Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ sự lên án mạnh mẽ đối với động thái của Triều Tiên, nói rằng mặc dù các cơ sở liên quan là công trình mang tính đại diện cho hội nghị thượng đỉnh Triều Tiên - Hàn Quốc năm 2000, nhưng nghĩa vụ trả nợ của Triều Tiên vẫn tồn tại và hành động của Triều Tiên đã vi phạm các thỏa thuận liên quan giữa Hàn Quốc và Triều Tiên.

Để bảo vệ sự an toàn cho người dân ở khu vực biên giới, chính quyền tỉnh Kyunggi của Hàn Quốc quyết định phân loại 11 khu vực ở 3 thành phố và quận gồm thành phố Paju, thành phố Gimpo và quận Yeoncheon là khu vực nguy hiểm, cấm các nhóm công dân đến các khu vực được chỉ định thả truyền đơn và các vật phẩm khác xuống Triều Tiên.

Thái độ của Nga và Trung Quốc

Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố lặp lại chủ trương của chính phủ Triều Tiên, cho rằng "cử máy bay không người lái đến Bình Nhưỡng để phát tán truyền đơn chống Triều Tiên" là hành động xâm phạm chủ quyền của Triều Tiên và can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

Bà Mao Ninh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết sau vụ nổ rằng "căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không phù hợp lợi ích chung của tất cả các bên và ưu tiên hàng đầu hiện nay là tránh mâu thuẫn leo thang hơn nữa".

Liên quan đến máy bay không người lái bay vào Bình Nhưỡng, ông Yu Yong-yuan, nghị sĩ Quốc hội Hàn Quốc, thành viên Đảng Lực lượng Công dân, đã yêu cầu Triều Tiên công bố những bức ảnh về máy bay không người lái được xác định bằng thiết bị giám sát ảnh nhiệt.

Ông phân tích cho rằng mặc dù hình dạng cánh của nó có hình dạng tương tự máy bay không người lái của Bộ Tư lệnh tác chiến máy bay không người lái Hàn Quốc, nhưng thân máy bay phía sau cánh ngắn hơn và có dấu vết cho thấy nó được chế tạo bằng phương thức in 3D.

Đồng thời, cũng có nhận xét rằng chiếc máy bay không người lái nhỏ này có thể được phóng từ bệ phóng chưa đầy hai mét, nghĩa là nó có thể được phóng từ một chiếc thuyền nhỏ trên biển chứ không phải từ đất liền.

Theo Chosun, Chungyang