Với hai trong số các lực lượng uỷ nhiệm mạnh mẽ nhất của Iran – Hezbollah và Hamas – đang phải chiến đấu để tồn tại, Tehran đã mất đi một trụ cột quan trọng trong chiến lược răn đe của mình, tạo cơ hội cho Israel tấn công kẻ thù mà họ coi là nguy hiểm nhất.
Vào ngày 1/10, Iran đã phóng một trong những loạt tên lửa đạn đạo lớn nhất trong lịch sử chiến tranh, nhắm vào các mục tiêu trên khắp Israel. Iran tuyên bố hành động này là để trả đũa việc Israel sát hại 2 nhà lãnh đạo của các nhóm vũ trang, ông Hassan Nasrallah của Hezbollah và ông Ismail Haniyeh của Hamas.
Israel hứa sẽ đáp trả mạnh mẽ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết Tehran đã "phạm phải một sai lầm lớn và sẽ phải trả giá cho điều đó". Tuy nhiên, thời điểm và cách thức Israel sẽ phản công vẫn chưa rõ ràng, cũng như liệu họ có chọn nhắm vào chương trình hạt nhân của Tehran hay không.
Trớ trêu thay, mối đe dọa từ sự trả đũa của Hezbollah và, ở mức độ thấp hơn là Hamas, từng được cho là yếu tố ngăn cản Israel tấn công trực tiếp vào Iran. Tuy nhiên, thành công của Israel trong việc làm suy yếu 2 tổ chức vũ trang này, cả hai đều bị Mỹ coi là tổ chức khủng bố, đã tạo ra tiền đề cho một cú đánh lớn hơn.
"Hezbollah và Hamas đang tạm thời bị tê liệt, và Iran đang bị phơi bày", cựu Thủ tướng Israel, ông Naftali Bennett, nhận định. "Hiện tại, họ đang trần trụi, không có khả năng tự bảo vệ. Israel có cơ hội lớn nhất trong 50 năm qua để thay đổi bộ mặt Trung Đông".
Hamas đã bị suy yếu nghiêm trọng bởi chiến dịch kéo dài gần một năm của Israel ở Gaza, sau khi nhóm vũ trang này tấn công miền Nam Israel vào ngày 7/10/2023, khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, theo các cơ quan chức năng. Kể từ đó, hàng chục nghìn người Palestine đã thiệt mạng bởi quân đội Israel ở Gaza, theo các quan chức y tế Palestine.
Hezbollah, tổ chức đã tấn công miền Bắc Israel trong phần lớn năm qua bằng các loại tên lửa và đạn dược từ kho vũ khí khổng lồ do Iran cung cấp, hiện đang rơi vào hỗn loạn sau khi một loạt các cuộc tấn công của Israel đã tiêu diệt phần lớn thủ lĩnh của nhóm và phá hủy một phần đáng kể kho vũ khí của họ.
Đòn trả đũa của Israel đối với cuộc tấn công của Iran hôm 1/10 được dự đoán sẽ khác biệt rõ rệt so với phản ứng của họ sau đòn tấn công tương tự của Iran vào tháng 4 – thời điểm mà gần như tất cả các tên lửa và máy bay không người lái của Iran đều bị bắn hạ, với sự hỗ trợ của Mỹ, các đồng minh phương Tây và các đối tác Arab.
Vào thời điểm đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu miễn cưỡng đồng ý với lời kêu gọi của Tổng thống Joe Biden, người yêu cầu ông "chấp nhận chiến thắng" và không thực hiện hành động quân sự lớn. Hôm 2/10, ông Biden kêu gọi một phản ứng "tương xứng" từ phía Israel, nói rằng ông sẽ không ủng hộ bất kỳ cuộc tấn công nào vào các cơ sở hạt nhân của Iran, nơi đang tích trữ uranium được làm giàu đến mức gần cấp độ vũ khí.
Ông Naftali Bennett, người không còn trong chính phủ Israel hiện tại, là một trong những người kêu gọi các lãnh đạo Israel nắm bắt thời cơ và tung ra một cú đòn chí mạng vào Iran bằng cách nhắm vào các cơ sở hạt nhân, ngành công nghiệp dầu mỏ và ban lãnh đạo của nước này.
"Đây là lúc để tấn công vào đầu con bạch tuộc, nếu không họ có thể phục hồi", ông Bennett nói trong một cuộc phỏng vấn.
"Iran chưa học được một bài học đơn giản – những kẻ tấn công Nhà nước Israel sẽ phải trả giá đắt", ông Yoav Gallant, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, cảnh báo.
Israel có thể tung đòn trả đũa có giới hạn
Iran đã phóng các tên lửa đạn đạo của mình – loại khó đánh chặn hơn so với các tên lửa hành trình và máy bay không người lái trong cuộc tấn công vào tháng 4 – sau khi Israel tiêu diệt phần lớn các lãnh đạo cấp cao của Hezbollah trong 2 tuần qua và khi lực lượng mặt đất của Israel bắt đầu vượt biên giới tiến vào miền Nam Lebanon.
Không có báo cáo ban đầu về thiệt hại lớn đối với các cơ sở quan trọng và không có dân thường Israel thiệt mạng trong cuộc tấn công của Iran vào ngày 1/10, mặc dù có vẻ như một số cơ sở quân sự đã bị đánh trúng. Israel cho biết không có máy bay nào bị hư hại tại các căn cứ không quân của họ.
Kết quả này cho thấy phía Israel có thể chỉ tung đòn trả đũa có giới hạn và được điều chỉnh, có khả năng tập trung vào hệ thống phòng không và tên lửa của Iran, theo ông Michael Knights, một nghiên cứu viên cấp cao tại Viện Chính sách Cận Đông Washington.
“Dù tình hình đang leo thang, cả hai bên dường như vẫn đang duy trì một số giới hạn nhất định”, ông Knights nói. “Các cuộc trả đũa của Israel thường có xu hướng tương xứng với mức thiệt hại dân sự, như một sự đảm bảo rằng ưu thế của Israel vẫn còn và rằng Israel có thể đáp trả kẻ thù mạnh hơn so với những gì họ đã bị tấn công. Trong trường hợp này, những cuộc tấn công của Iran dường như không gây thiệt hại nặng nề”.
Cố thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah, tổ chức chia sẻ hệ tư tưởng Hồi giáo Shiite với chính quyền Iran, có mối liên hệ mật thiết với Tehran hơn so với Hamas. Thực tế, cuộc không kích đã giết chết ông Nasrallah ở miền Nam Beirut cũng đã giết chết phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), ông Abbas Nilforoushan. Đại sứ Iran tại Beirut cũng đã bị thương vài ngày trước đó khi Israel kích hoạt các vụ nổ trong các thiết bị nhắn tin được Hezbollah sử dụng.
Vụ ám sát vào ngày 27/9 đã khiến ông Hassan Nasrallah thiệt mạng. Đây là một nhân vật quan trọng đã lãnh đạo Hezbollah hơn 3 thập kỷ, và vụ việc này đã đặt Iran trước 2 lựa chọn. Một là đứng ngoài và để “viên ngọc quý” của "trục kháng chiến" bị phá hủy, điều này sẽ khiến họ mất uy tín trước các lực lượng ủy nhiệm ở những nơi khác, từ Yemen đến Syria và Iraq.
Quyết định mà Iran cuối cùng đã chọn là thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa vào Tel Aviv và các căn cứ không quân Israel hôm 1/10, đồng nghĩa với việc Iran giờ đây có thể phải đối mặt với những đòn tấn công tàn khốc vào cơ sở hạ tầng quân sự hoặc dân sự của chính mình, dẫn đến một cuộc leo thang đối đầu với một đối thủ mạnh hơn.
“Người Iran phải đối mặt với 2 lựa chọn tồi tệ, và họ đã chọn 1 trong số đó”, ông Yaakov Amidror, một Thiếu tướng đã nghỉ hưu và từng là cố vấn an ninh quốc gia của Thủ tướng Netanyahu, cho biết. “Nếu Israel chứng tỏ rằng họ có thể xuyên thủng hệ thống của Iran và phá hủy các mục tiêu quan trọng tại Iran, thì người Iran sẽ gặp phải một vấn đề lớn hơn nữa và sẽ phải đối mặt với một thất bại khác”.
Thời khắc nguy hiểm của Trung Đông
Mặc dù Iran là một quốc gia lớn hơn nhiều so với Israel và sẽ là một đối thủ đáng gờm trong chiến tranh trên bộ, nhưng cuộc xung đột hiện tại không phải là sự lặp lại của cuộc chiến tiêu hao Iraq-Iran vào những năm 1980.
Có tới hai quốc gia nằm xen kẽ giữa Israel và Iran. Bất kỳ cuộc đối đầu trực tiếp nào giữa hai bên chủ yếu sẽ là cuộc chiến bằng không quân và tên lửa, nơi mà Tehran, với lực lượng không quân thô sơ và hệ thống phòng không lạc hậu, sẽ bị yếu thế.
“Hệ thống phòng không và tên lửa của Iran sẽ cạn kiệt vào một thời điểm nào đó. Iran không có khả năng công nghiệp quốc phòng để sản xuất tên lửa với tốc độ cần thiết để duy trì cuộc chiến, và họ cũng sẽ không thể mua những tên lửa này từ nơi khác vì quốc gia duy nhất có thể chuyển giao chúng, Nga, đang sử dụng những tên lửa đó cho cuộc chiến của chính họ ở Ukraine”, ông Esfandyar Batmanghelidj, Giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Bourse and Bazaar, cho biết.
Do sự mất cân bằng đó, ông Esfandyar Batmanghelidj cho rằng, ngay cả khi Israel có một đòn đáp trả mạnh mẽ trong những ngày tới, thì Iran có thể sẽ chịu đựng đòn này thay vì leo thang thêm.
“Tình hình từ phía Tehran không tốt: Họ thực sự đang bị mắc kẹt giữa một bên là vách đá và một bên là vực thẳm”, bà Dina Esfandiary, cố vấn cấp cao về khu vực Trung Đông và Bắc Phi tại Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, cho biết. “Họ không muốn vô tình lao vào một cuộc chiến mà họ biết mình không thể chiến thắng”.
Những tổn thất gần đây đối với Iran và các đồng minh của họ đã khơi dậy sự phấn khích trong số một số quan chức và nhà hoạch định chính sách của Israel. Họ coi đây là cơ hội không chỉ để tái cấu trúc chính trị Lebanon – nơi Hezbollah đang thống trị – mà thậm chí còn có thể thúc đẩy sự thay đổi chế độ tại Iran, quốc gia từng có mối quan hệ tốt đẹp với Israel trước cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
“Khi Iran cuối cùng được tự do, và khoảnh khắc đó sẽ đến sớm hơn mọi người nghĩ, mọi thứ sẽ khác”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu trong bài diễn văn tuần này.
Ông Nadim Houry, giám đốc điều hành của tổ chức tư vấn Sáng kiến Cải cách Arab, cảnh báo về những rủi ro của việc vượt quá giới hạn. Ông nêu ví dụ về cuộc tiến quân thảm khốc của Israel vào Lebanon năm 1982, dẫn đến sự ra đời của Hezbollah, và cuộc chiến của Mỹ ở Iraq vào năm 2003.
“Mối nguy hiểm hiện nay chính là suy nghĩ cho rằng ‘Đây là một khoảnh khắc lịch sử, hãy tái định hình lại Trung Đông’”, ông Houry nói. “Suy nghĩ này đã từng gây ra những kết quả cực kỳ bi thảm trong quá khứ, và nó sẽ trở nên phức tạp hơn và bi thảm hơn với mỗi vòng lặp”.
Quân đội Israel tuyên bố tiêu diệt "Giám đốc truyền thông" của Hezbollah
Lãnh tụ Iran tuyên bố Tehran và các đồng minh sẽ không lùi bước trước Israel
12 sự kiện chấn động đẩy Trung Đông vào cơn chiến loạn
Theo Wall Street Journal