Trong sự kiện đó, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump cam kết sẽ mang lại mức thuế thấp, giảm bớt các quy định, chi phí năng lượng thấp, lãi suất thấp và lạm phát thấp, để mọi người có thể mua sắm thực phẩm, xe cộ và nhà đẹp.
Kể từ khi khởi động chiến dịch tái tranh cử, ông Trump đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Joe Biden và bà Harris vì để xảy ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Phát biểu tại một sự kiện vận động ở Arizona, ông đề xuất các biện pháp cắt giảm thuế cho nhiều loại thu nhập, từ làm thêm giờ, tiền tip đến lương hưu, cùng việc cắt giảm đáng kể thuế cho cá nhân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, lần này, ông Trump mang đến một chính sách kinh tế mang tính dân túy hơn, nhằm khẳng định mình là người bảo vệ lợi ích của người lao động và ngành sản xuất trong nước.
Các điểm chính trong kế hoạch "Maganomics" của ông Trump bao gồm việc áp đặt thuế nhập khẩu cao hơn cho hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc, và thực hiện chính sách nhập cư nghiêm ngặt hơn. Chiến dịch cũng kêu gọi tăng cường ảnh hưởng chính trị lên chính sách tiền tệ và đồng USD.
Với những tuyên bố của ông Trump trong vai trò ứng cử viên, không dễ để phân biệt đâu là kế hoạch, đâu là lời nói khoa trương và đâu là chiến lược đàm phán. Tuy nhiên, các nhà kinh tế nhất trí rằng chương trình của ông thể hiện sự mở rộng hơn nữa của các chính sách từng được ông áp dụng trong nhiệm kỳ Tổng thống 2017-2021.
Nếu ông thắng cử và thực hiện các kế hoạch này, chúng sẽ khiến nền kinh tế Mỹ cũng như mối quan hệ giữa nước này với phần còn lại của thế giới thay đổi đáng kể.
Trong đảng Cộng hòa, một trong những người ủng hộ nổi bật cho chương trình dân túy này là ông J.D. Vance, ứng viên Phó Tổng thống. “Chúng tôi tin rằng 1 triệu chiếc máy nướng bánh mì giá rẻ không đáng giá bằng một việc làm trong ngành sản xuất của Mỹ”, ông nói tại một buổi vận động vào tháng 7.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cảnh báo rằng chính sách này sẽ gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế và không giúp Mỹ cạnh tranh được với Trung Quốc.
"Nếu ông Donald Trump thực hiện một nửa những gì ông hứa hẹn, nền kinh tế Mỹ sẽ gặp hỗn loạn và tiêu cực", Jason Furman, một cựu nhà kinh tế Nhà Trắng trong chính quyền Obama và hiện là giáo sư tại Harvard, cho biết. "Thứ quan trọng nhất mà chúng ta có để đối phó với Trung Quốc là chúng ta là một phần của khối các quốc gia tương đối hòa thuận. Việc áp đặt thuế nhập khẩu lên tất cả các quốc gia đó sẽ phá vỡ điều mọi thứ".
Bị chỉ trích trong việc kiểm soát lạm phát, đảng Dân chủ đã nhanh chóng tuyên bố rằng các chính sách mà ông Trump đề xuất sẽ dẫn đến sự gia tăng giá cả và làm tổn hại đến nền kinh tế.
"16 nhà kinh tế học đoạt giải Nobel đã mô tả kế hoạch kinh tế của ông ấy là thứ sẽ làm tăng lạm phát và, đến giữa năm sau, sẽ dẫn đến một cuộc suy thoái", bà Harris nói trong cuộc tranh luận mới đây.
Giới chuyên gia nói gì?
Ngay cả một số người ủng hộ ông Trump cũng lo ngại về những tác động quốc tế nếu Mỹ áp dụng cách tiếp cận bảo hộ mạnh mẽ như vậy.
"Bạn cần phải giao thương, đặc biệt là với cả những kẻ thù của bạn. Bạn cần có giao thương để mọi người có thể trò chuyện với nhau, họ quý mến nhau, bạn mua hàng từ họ, họ mua hàng từ bạn", Arthur Laffer, một nhà kinh tế có quan hệ với ông Trump, nói. "Tất cả những vấn đề về trừng phạt và đe dọa thuế quan không phải là cách đúng đắn. Nó sẽ chỉ dẫn đến Thế chiến III".
Trung tâm của "Maganomics" là những ý tưởng sẽ đảo ngược nhiều khía cạnh của mô hình kinh tế mà các nền kinh tế công nghiệp hóa đã áp dụng trong thế kỷ qua. Nếu được thực hiện, các chính sách này sẽ đánh dấu sự trở lại thời kỳ mà phần lớn doanh thu của chính phủ đến từ thuế xuất nhập khẩu, thay vì từ thuế thu nhập và lợi nhuận doanh nghiệp.
"Ông ấy rõ ràng đang nghĩ đến việc thay đổi cơ bản cách thức thu ngân sách của hệ thống thuế Mỹ. Điều này cũng ảnh hưởng đến cách chúng ta nhìn nhận thương mại và mối quan hệ với các đối tác thương mại", ông Ernie Tedeschi, giám đốc kinh tế tại Yale Budget Lab và cựu quan chức trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế của ông Biden, nói. "Đó là cách mà chúng ta đã làm trong thế kỷ 19, không phải thế kỷ 20, chứ đừng nói đến thế kỷ 21".
Trong thời gian ở Nhà Trắng, ông Trump đã áp đặt thuế mạnh mẽ lên Trung Quốc, và nhiều thuế này vẫn được duy trì dưới thời ông Biden. Tuy nhiên, nếu ông Trump tái đắc cử, các mức thuế nhập khẩu có thể sẽ được tăng cường đến mức chưa từng thấy kể từ những năm 1930.
Ban đầu, ông Trump nói muốn áp thuế 10% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu, nhưng gần đây ông đã đề cập rằng mức thuế có thể lên tới 20%. Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ông nói về mức thuế lên tới 60%. Tháng này, ông cho biết các nước có kế hoạch giảm phụ thuộc vào đồng USD cũng sẽ bị áp thuế 100% như một hình phạt.
Ông Trump hy vọng rằng những rào cản thương mại này không chỉ tăng doanh thu mà còn giúp phục hồi ngành sản xuất của Mỹ. Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Tài chính, ước tính trong năm nay rằng 2 triệu việc làm trong ngành sản xuất đã biến mất kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
"Khi họ vào và lấy cắp việc làm của chúng ta, lấy cắp của cải của chúng ta, họ đang lấy cắp cả đất nước của chúng ta", ông Trump nói với tạp chí Time vào tháng 4. "Tôi gọi đó là một vành đai quanh đất nước".
Tuy nhiên, chính sách này sẽ có cái giá của nó. Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế ở Washington ước tính rằng việc áp thuế 20% đồng loạt, kết hợp với thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, có thể làm tăng chi phí trung bình hàng năm của mỗi hộ gia đình lên tới 2.600 USD. Họ cho rằng các mức thuế này sẽ ảnh hưởng nhiều hơn đến các hộ gia đình có thu nhập thấp mà ông Trump tuyên bố rằng được bảo vệ nhờ các chính sách kinh tế của ông.
Theo một số nhà kinh tế, thuế nhập khẩu cũng có thể cản trở tăng trưởng. "Lần cuối cùng chúng ta có chiến tranh thương mại dưới thời ông Trump, chu kỳ sản xuất toàn cầu đã rơi vào suy thoái", Julia Coronado, cựu nhà kinh tế của Fed, cho biết.
Ông Laffer tin rằng ông Trump đang sử dụng chính sách thuế quan để đưa các nước vào bàn đàm phán và đồng ý dỡ bỏ rào cản thương mại của họ.
Được lòng cử tri Mỹ
Tuy nhiên, bất chấp những hậu quả tiềm tàng, nhiều cử tri Mỹ vẫn ủng hộ các mức thuế mà ông Trump, đặc biệt là ở những bang có ngành sản xuất phát triển như Michigan.
"Tôi không hiểu tại sao chúng ta không áp thuế lên tất cả hàng hóa từ Trung Quốc", ông Nelson Westrick, một công nhân tại Ford sống ở hạt Macomb gần Detroit, nói. "Và cả mọi hàng hóa từ Mexico nữa".
Các cố vấn của ông Trump cho rằng đánh thuế nhập khẩu sẽ tạo ra quỹ để chi trả cho một chính sách kinh tế quan trọng của đảng Cộng hòa – cắt giảm thuế. Cụ thể, nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump dự định sẽ làm cho các mức thuế thấp được áp dụng trong thời gian ông làm tổng thống trở thành vĩnh viễn.
Đảng Cộng hòa cho rằng các biện pháp cắt giảm thuế vào năm 2017 về thu nhập và đầu tư, sẽ hết hạn vào năm 2025, sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng. Điều này, theo họ, sẽ giúp giảm bớt gánh nặng nợ công ngày càng tăng của chính phủ Mỹ.
“Điều quan trọng nhất để giải quyết nợ là phải tăng trưởng kinh tế nhanh hơn”, ông Stephen Moore, một nhà kinh tế ủng hộ ông Trump, nói. “Có nhiều chi tiết trong kế hoạch của ông Trump sẽ thực hiện được điều đó. Giảm thuế sẽ giúp tăng trưởng kinh tế, sản xuất năng lượng từ Mỹ sẽ hỗ trợ nền kinh tế, và các thỏa thuận thương mại tốt hơn sẽ cải thiện nền kinh tế. Ông Trump cũng đã đề cập đến việc hủy bỏ hàng trăm tỷ đô la cho các chương trình năng lượng xanh. Điều đó sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều tiền”.
Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng những con số trong chiến dịch của ông Trump đưa ra không hợp lý. Theo một số nhà kinh tế, cắt giảm thuế có thể làm trầm trọng thêm tình hình tài chính căng thẳng của Mỹ.
“Cắt giảm thuế sẽ làm tăng thâm hụt, và trong một nền kinh tế đầy đủ việc làm như hiện nay... điều này sẽ dẫn đến lạm phát”, Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, cho biết. “Chúng ta sẽ không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tình hình tài chính kém của quốc gia, điều này là một mối lo ngại sâu sắc”.
Chỉ trích lớn nhất đối với kế hoạch của ông Trump là khó có thể bù đắp chi phí cắt giảm thuế bằng cách tăng thuế nhập khẩu.
Nhóm nghiên cứu Penn Wharton Budget Model ước tính rằng các kế hoạch của ông Trump sẽ làm tăng thâm hụt của Mỹ thêm 5,8 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu bảo thủ Tax Foundation ước tính rằng kế hoạch mới của ông nhằm miễn thuế làm thêm giờ sẽ khiến Mỹ mất thêm 227 tỷ USD doanh thu trong 10 năm tới.