Công việc tại nhà máy Maryborough, cơ sở sản xuất đạn dược đầu tiên được xây dựng tại Australia kể từ Thế chiến II, hầu như không ngừng nghỉ kể từ khi khánh thành 2 năm trước. Mặc dù mất một khoảng thời gian để tuyển dụng nhân lực, nhưng “giờ đây chúng tôi đang phát triển rất nhanh”, ông Robert Nioa, Giám đốc điều hành của NIOA, cho biết.
Công ty này xuất khẩu các quả đạn sang Đức, tại đây chúng được Rheinmetall nạp đầy chất nổ. Hiện công ty đang có kế hoạch tăng sản lượng hàng năm của cơ sở này thêm 25%, lên khoảng 55.000 quả đạn, vào năm tới. Ông Nioa cho biết, với nguồn vốn đầu tư thêm, nhà máy có thể sản xuất hơn 100.000 quả đạn mỗi năm.
Giống như NIOA, nhiều công ty quốc phòng khác trên thế giới cũng tăng sản lượng, từ đạn dược cho đến động cơ tên lửa và tên lửa, nhằm bổ sung kho vũ khí quốc gia đã bị cạn kiệt khi chính phủ các nước gửi vũ khí đến Ukraine.
Một số nhà sản xuất vũ khí châu Âu đã đạt được tiến bộ trong 2 năm rưỡi qua, và thường đầu tư trước khi nhận được các hợp đồng từ chính phủ. Ông Tom Waldwyn, cộng sự nghiên cứu về mua sắm quốc phòng tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, cho biết trong một số trường hợp, các công ty châu Âu đã mở rộng sản lượng đạn pháo “lên gấp 10 lần so với trước chiến tranh”.
Rheinmetall có kế hoạch tăng sản lượng đạn pháo 155mm tiêu chuẩn NATO từ khoảng 100.000 quả trước tháng 2/2022 lên 1,1 triệu quả mỗi năm, bắt đầu từ năm 2027. Tập đoàn Saab của Thụy Điển cho biết năng lực của mảng kinh doanh chiến đấu mặt đất, bao gồm cả đạn dược, đã tăng gấp đôi lên 200.000 đơn vị mỗi năm trong những năm gần đây và đang trên đà tăng gấp đôi con số đó, lên 400.000, trong tương lai gần.
Thales UK, chi nhánh Anh của tập đoàn quốc phòng và công nghệ Pháp, đã tăng cường sản xuất tại các cơ sở ở Belfast, Bắc Ireland, nơi sản xuất hệ thống phòng không tầm ngắn Starstreak và lắp ráp hệ thống chống tăng NLAW của Saab. Công ty này có kế hoạch tăng gấp đôi năng lực trong 2 năm tới và sau đó tăng gấp đôi thêm lần nữa vào năm 2028.
Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn đang gặp khó khăn do các hạn chế trong chuỗi cung ứng, và các bên liên quan trong ngành cho rằng cần phải có những khoản đầu tư lớn hơn nữa.
Ngoài ra, một số nút thắt quan trọng vẫn còn, đặc biệt là đối với các nguyên liệu thô như cotton linter, nguyên liệu cần thiết để sản xuất nitrocellulose dùng trong đạn pháo và các loại chất nổ khác.
Ông Nioa cho biết, “chuỗi cung ứng đạn dược cho Australia và nỗ lực của các nước đồng minh đang gặp phải nhiều vấn đề nghiêm trọng”, bao gồm “nitrocellulose...thành phần chính của thuốc phóng”.
Rheinmetall cho biết họ đã tăng cường “dự trữ an toàn” một số nguyên liệu thô như và thép bọc giáp để đảm bảo đủ cho 3 năm sản xuất” nhằm giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.
Chính phủ Na Uy cho biết vào tuần trước rằng họ sẽ đầu tư gần 1 tỷ NKr để tăng cường sản xuất các loại chất nổ và động cơ tên lửa quan trọng trong kế hoạch phát triển ngành công nghiệp quốc phòng.
Na Uy sẽ đồng tài trợ cho một nghiên cứu khả thi với Chemring Nobel, công ty con của tập đoàn Chemring (Anh), để đánh giá việc phát triển một cơ sở sản xuất chất nổ. Khoản tài trợ này cũng bao gồm kế hoạch chế tạo một dây chuyền sản xuất động cơ tên lửa mới cho Nammo, công ty do chính phủ Na Uy và Phần Lan đồng sở hữu. Công ty này sản xuất động cơ tên lửa cho các tên lửa phòng không, cùng với nhiều sản phẩm khác.
Ông Vegard Sande, giám đốc hệ thống cỡ lớn tại Nammo, cho biết: “Động cơ tên lửa không phải là nút thắt duy nhất trong việc gia tăng số lượng tên lửa phòng không, nhưng đó là một trong những thành phần quan trọng mà chúng ta cần tăng cường năng lực sản xuất”.
Mặc dù các công ty hiện đã đảm bảo được các hợp đồng từ chính phủ để tăng cường năng lực sản xuất, nhưng việc tăng tốc sản xuất vẫn cần thời gian. “Phải mất từ 2 đến 3 năm mới có thể gia tăng sản lượng sau khi đưa ra quyết định đầu tư”, ông Vegard Sande cho biết.
Và khi Ukraine đang đối mặt với mùa đông thứ ba của cuộc chiến, ngành công nghiệp này cho rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để lấp đầy khoảng cách giữa cung và cầu. Ông Jan Pie, tổng thư ký của ASD, tổ chức thương mại của ngành, cho biết rằng mức độ sản xuất hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt sau nhiều thập kỷ thiếu đầu tư vào cơ sở công nghiệp của châu Âu.
Trong khi đó, Nga hiện có thể sử dụng khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày mà không lo cạn kiệt kho dự trữ, theo một báo cáo gần đây của Viện Kinh tế Thế giới Kiel. Ở mức độ sử dụng tương tự, Đức sẽ sử dụng hết lượng đạn mà họ sản xuất trong 1 năm chỉ trong vòng 70 ngày, báo cáo cho biết.
Ông Guntram Wolff, nghiên cứu viên cao cấp tại viện nghiên cứu Bruegel và là đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Người Nga có những dây chuyền sản xuất lớn...các dây chuyền lắp ráp khổng lồ, nơi mà số lượng sản phẩm sản xuất ra rất đáng sợ”.
Phương Tây cần phải hành động quyết liệt hơn, ông Wolff nói thêm. “Đây là vấn đề xây dựng năng lực công nghiệp ở quy mô lớn và có khả năng sản xuất trong nhiều năm liền”.
EU sẽ gia hạn nhiệm vụ huấn luyện quân đội Ukraine
NATO khởi động cuộc tập trận hạt nhân ở Tây Âu
Bild: Đức không còn cam kết cung cấp thêm khí tài quân sự cho Ukraine
Theo Financial Times