|
Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. |
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo “Chính sách nào để ứng phó với tin giả, thông tin không chính xác?” do Hội Truyền thông Số Việt Nam tổ chức.
Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tin giả có thể được phân loại theo động cơ và cách xử lý. Tin giả xuất hiện có thể do thông tin muộn dẫn đến nhiễu thông tin hoặc tin giả do ngộ nhận, suy diễn, không được kiểm chứng. Tin giả với dụng ý xấu, bôi nhọ cần phải xử lý nghiêm khắc. Mỗi loại tin giả cần có các giải pháp khác nhau như: gỡ bỏ, đính chính thông tin; xử lý trách nhiệm của những người có liên quan.
|
Ông Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
|
Để kiểm soát tin giả có hiệu quả, các cơ quan chuyên môn phải ngồi lại với nhau để xác định như thế nào là tin giả, mức độ, cấp độ của tin giả. Từ đó, mới có thể đưa ra giải pháp để khắc phục. Hiện, tin giả vẫn đang là chủ đề được đưa ra bàn luận, gây nhiều tranh cãi.
Trước thực trạng nhiều báo chính thống đưa tin giả, tin chưa được kiểm chứng, ông Lê Doãn Hợp nhấn mạnh tổng biên tập phải là người chịu trách nhiệm chính khi đăng tải những thông tin không chính xác, chưa được kiểm duyệt.
“Thực tế, tin giả có tốc độ lan truyền nhanh hơn rất nhiều so với tin thật. Tình trạng này diễn ra là do tâm lý của đại đa số người dân thích đọc những tin sốc, tin giật gân. Hiện nay vẫn chưa định nghĩa được thế nào là tin giả. Bởi ở Việt Nam cũng như ở các nước trên thế giới, có những quan niệm rất khác nhau về vấn đề này. Tin giả 100%, bịa ra thì đó là tin sai sự thật. Tuy nhiên, tin thật khi được nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau cũng có thể mang lại những tác động tiêu cực.” - Nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Cafe Số - nói.
|
Nhà báo Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam, Chủ nhiệm CLB Cafe Số
|
Tin giả có thể gây ra tác hại nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng trong phạm vi của cá nhân, tổ chức mà còn lan rộng ra cả một quốc gia. Trên thế giới đã có nhiều nước đưa ra những bộ luật để xử lý nghiêm khắc tin giả như Singapore. Tại Việt Nam đã có đầy đủ chế tài, quy định khá nghiêm khắc về vấn đề này như: An ninh mạng, Luật dân sự, Luật hình sự.
“Muốn ngăn chặn tin giả, mỗi người cần phải có trách nhiệm với chính mình, nhất là đối với nhà báo - những người tiếp nhận và chuyển tải thông tin tới công chúng. Hơn nữa, nếu chỉ xử lý vi phạm của các cá nhân, tổ chức đưa tin giả về mặt hành chính thì chưa đủ sức răn đe.” – Nhà báo lê Thọ Bình nói.
|
TS. Thái Thị Tuyết Dung – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
|
Theo TS. Thái Thị Tuyết Dung – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, tin giả rất cần được định nghĩa nhưng vấn đề là được định nghĩa như thế nào. Tin giả là tin sai sự thật đã là một định nghĩa. Theo quy định của Singapore, tin giả được xác định là tin không chính xác và gây ảnh hưởng đến cộng đồng.