Ý kiến trên của ông Đinh Văn Hải – Phó Tổng thư kí Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA)- đã nhận được sự tán đồng của các khách mời tham gia tọa đàm “Chính sách nào để ứng phó vấn nạn tin giả, tin không chính xác” do VDCA vừa tổ chức chiều nay (23/12), tại Hà Nội
Khách mời của của buổi tọa đàm là ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; ông Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Danh dự VDCA, nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT; ông Nguyễn Sĩ Dũng – Chuyên gia quản trị và chính sách công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; TS. Thái Thị Tuyết Dung – Đại học Luật TP. HCM; ông Lê Văn Nghiêm – nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TT&TT) và các chuyên gia đến từ các bộ ngành và đại diện các cơ quan báo chí.
Giành lại niềm tin của công chúng đối với báo chí
Cùng chung suy nghĩ với ông Đinh Văn Hải, nhà báo Lê Thọ Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí VDCA – cho rằng kể từ khi loài người biết truyền thông tin cho nhau, bên cạnh nội dung thông tin xác thực đã kèm theo cả tin giả với mục tiêu khác nhau, mục đích khác nhau. Có thể nói, tin giả (Fake News) là vấn nạn ở bất cứ thời đại nào, quốc gia nào, thể chế nào. Tuy nhiên, cho đến nay việc xác định thế nào là tin giả vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi.
Cho rằng vấn nạn tin giả đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, nhà báo Lê Thọ Bình lí giải: Các câu chuyện giả thường lan nhanh hơn tin thật, bởi chúng thường đánh vào cảm xúc của người đọc và không bị giới hạn bởi tình hình thực tế.
ông Lê Thọ Bình - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Truyền thông Số Việt Nam
|
“Ngày nay, khi các mạng xã hội như Facebook, Twitter xuất hiện thì vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng hơn. Trí tuệ nhân tạo cũng đóng vai trò đáng kể. Sự phát triển trong công nghệ ráp khớp hình và tiếng, khiến các nhân vật nổi tiếng, người của công chúng có thể bị làm giả video, như thể họ đã nói, đã làm điều mà thực ra họ không hề làm.
Việc công nghệ mới làm méo mó truyền thông này mang tới một nguy cơ không thể xem thường. Chúng không chỉ là công cụ để tạo ra những câu chuyện sai, mà còn bào mòn niềm tin đối với những nội dung đúng, những nội dung mà trước kia không ai nghi ngờ”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí VDCA nhận định.
Vì thế, theo ông, vấn đề đầu tiên cần giải quyết là định nghĩa rõ ràng thế nào là tin giả và làm thế nào để khắc phục tin giả, tin sai sự thật, để mang lại niềm tin của công chúng đối với báo chí”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí VDCA đặt vấn đề.
Càng đọc tin giả thì Facebook càng gợi ý tin giả
Nhận định về tin giả, ông Lê Quốc Minh – Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam - cho biết, manh nha xuất hiện từ năm 2015, nhưng đến nay, thuật ngữ “tin giả” đang trở nên phổ biến khi thông tin trên mạng Internet ngày càng nhiều. Người dùng dường như đang ngụp lận giữa tin thật và tin giả.
Lan đậm từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, tin giả thời điểm đó tin thật chỉ có 3 triệu lượt xem còn con số này ở tin giả lên tới 9 triệu.
ông Lê Quốc Minh - Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam
|
Cách đây vài ngày, Facebook đã gỡ 1 số tài khoản liên quan nhóm sản xuất nội dung cho một tờ thông tin tổng hợp được nhiều người Việt theo dõi. Đây là kênh sản xuất tin giả có sự tham gia của 1 số người Việt với sự tham gia tích cực của trí tuệ nhân tạo để tạo ra những nhân vật không có thật.
Trên thế giới, ngay cả các hãng báo chí lớn đều có cách kiểm tra và phân biệt tin thật – tin giả, nhưng thực tế điều này vô cùng khó khăn và hiện nay, số lượng người mắc tin giả ngày càng nhiều.
Dẫn ra một thống kê cho rằng những người trên 65 tuổi thường bị mắc tin giả và chia sẻ tin giả, ông Minh chia sẻ thực tế về thói quen đọc của một số người cao tuổi mà ông có dịp quan sát.
Ông cho biết, lập luận của những người hay bị mắc tin giả là “phải đọc tin giả thì mới biết được đó là tin giả, nhưng theo thuật toán của Facebook, càng đọc tin giả nhiều thì hệ thống càng gợi ý tin giả nhiều”. Từ đó, người đọc rất khó thoát khỏi “cạm bẫy tin giả”.
Từ đó, ông Minh chia sẻ phương pháp thẩm định thông tin bằng công thức I'M VAIN do các chuyên gia Mỹ đề xuất:
- Independent (nguồn tin có khách quan, độc lập với nội dung thông tin)
- Multiple (nguồn tin có đa chiều không)
- Verify (thông tin có được xác nhận, có bằng chứng, có thẩm định chưa)
- Authoritative (nguồn cung cấp tin có thẩm quyền không)
- Informed (thông tin ấy có được bằng cách nào)
- Named (nguồn tin có tên tuổi cụ thể hay nguồn ẩn danh).
Mỗi cơ quan là một pháo đài phòng chống tin giả
Đề cập thẳng vào vấn đề mà nhà báo Lê Thọ Bình vừa đặt ra, cũng là vấn đề nhiều khách tham dự quan tâm, nhà báo Lê Nghiêm – Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT – cũng cho rằng việc đầu tiên cần có một định nghĩa đúng về tin giả.
“Tin giả là tin không đúng sự thật, gây tác hại đáng kể với xã hội, được tạo ra một cách có chủ ý, cố tình mạo danh, bịa đặt, xuyên tạc với động cơ không tốt nhằm gây tổn hại uy tín, hình ảnh của cơ quan nhà nước, lãnh đạo”, nhà báo Lê Nghiêm nói.
Ông Lê Nghiêm - Phó Viện trưởng Viện Ứng dụng Công nghệ thông tin và truyền thông, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT
|
Cùng với đó, ông Nghiêm cũng đưa ra nhận định chung về tác hại của thông tin giả, rằng tin giả gây ảnh hưởng xấu tới dư luận, gây tâm lý hoang mang, bức xúc, ảnh hưởng tới trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia làm tổn hại hình ảnh, uy tín của cơ quan nhà nước, lãnh đạo và gây thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh.
Nói về những thiệt hại kinh tế từ tin giả, ông cho rằng, tin giả tồn tại hàng tháng trời và nếu kiện ra tòa thì có thể chứng minh thiệt hại lên đến hàng trăm tỉ đồng.
“Môi trường ở Việt Nam có thể nói là môi trường thuận lợi nhất cho tin giả, bởi thiếu sự công khai, minh bạch trong nền công vụ. Việc cung cấp thông tin còn chậm và chưa đầy đủ. Hiện nay chưa có một cơ quan nhà nước nào thực hiện đầy đủ việc cung cấp thông tin theo đúng luật Tiếp cận thông tin, mặc dù Luật đã có hiệu lực 18 tháng rồi”, ông Nghiêm chỉ ra thực trạng.
Cùng với đó, theo ông Nghiêm nhận định, người dân đang thiếu thông tin và cả tin nên tin cả những thông tin không có căn cứ. Vì thế, tác hại của tin đồn cũng lớn hơn.
Khẳng định mỗi cơ quan nhà nước là một pháo đài phòng ngừa và ứng phó với tin giả, nhà báo Lê Nghiêm cho rằng, việc phòng ngừa và xử lí tin giả trước tiên thuộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.
Trong đó, việc đầu tiên là cần thường xuyên theo dõi dư luận trên báo chí, trong nước và nước ngoài. Tổng hợp, nắm bắt dư luận, từ đó mới phát hiện sớm tin giả. Tin giả động đến cơ quan nào thì cơ quan ấy, lãnh đạo cơ quan ấy cần phát hiện sớm. Và khi phát hiện được tin giả, cần có cơ quan tác chiến để tổ chức kiểm tra xác minh, kết luận và công bố tin giả.
Muốn xử lí nhanh, phải qua công an
Dẫn ra kinh nghiệm xử lí tin giả ở các quốc gia khác, Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung – Trường ĐH Luật TP.HCM, tất cả các quốc gia đều có quy phạm pháp luật để xử lí, nhưng trong bối cảnh CMCN 4.0 hiện nay, việc xử lí các tin giả dường như đang vượt quá sự điều chỉnh của luật.
“Ngày trước, nếu gặp phải tin giả, nạn nhân chỉ cần rời quê, ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM là ổn nhưng hiện nay, với việc thông tin bị phát tán trên mạng, người ta không thể trốn tránh như vậy được nữa. Thực sự tin giả để lại hậu quả quá lớn, dai dẳng đối với nạn nhân”, TS. Thái Thị Tuyết Dung nói.
Tiến sĩ Thái Thị Tuyết Dung – Trường ĐH Luật TP.HCM
|
Đưa ra kinh nghiệm xử lí vấn nạn tin giả, TS. Dung dẫn ra việc thực thi của hàng loạt quốc gia từ châu Âu đến châu Á.
Dẫn ra cách xử lí tại Đức, bà Dung cho biết, chính quyền Đức yêu cầu các mạng xã hội phải gỡ bỏ “nội dung trái luật”. Nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán, phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với mức phạt đến 50 triệu euro.
Quốc gia này cũng buộc Facebook, YouTube, Twitter,... đầu tư các công cụ mạnh để lọc những nội dung vi phạm, cũng như cho phép người dùng khiếu nại, đồng thời tiến hành xử lí các phản hồi trong vòng 24 giờ. Đồng thời, họ tạo ra một cơ chế tự quản nhất định. Cơ chế tự quản này dù có khiếm khuyết nhưng vẫn có một mức độ “tự chủ” nhất định.
Còn tại Malaysia, quốc gia này cũng có những điều khoản nhằm “xử lí hình sự người làm ra và chia sẻ tin tức, thông tin, dữ liệu hay báo cáo hoàn toàn sai sự thật/sai sự thật một phần qua bất cứ phương tiện thông tin truyền thông đại chúng nào, từ ấn phẩm cho tới MXH. Tổ chức cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 6 năm tù và phạt tiền lên tới 500.000 ringgit (120.000 USD)”, bà Dung nói.
Toàn cảnh hội thảo
|
Trở lại thực trạng xử lí vấn nạn tin giả hiện nay ở Việt Nam, bà cho rằng Việt Nam không thiếu quy phạm pháp luật, tỉnh nào cũng bắt đầu xử phạt, và việc xử phạt đã bắt đầu trở nên phổ biến. Tuy nhiên, cái khó hiện nay vẫn là cơ chế phối hợp.
Lấy ví dụ về các vụ việc của Vinamilk, cơm tấm Kiều Giang, xúc xích Vietfood hay Cocacola,…, bà Dung nhận định việc xử lí tin giả mất nhiều thời gian, gây không ít tổn hại cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân.
“Chỉ có xử phạt vi phạm hành chính là dễ nhất, nhưng với điều kiện tài khoản chính danh và ở Việt Nam. Thực tế, nhiều người ở nước ngoài đưa thông tin giả về Việt Nam nhưng chúng ta cũng không xử lí được. Việc xử phạt qua Thanh tra của Sở TT&TT nhìn chung rất chậm, một số vụ được xử lí nhanh hơn phải qua cơ quan công an”, bà Dung nói.
Đủ quy phạm pháp luật, thiếu cơ chế xử lí
Ngay đầu nội dung tham luận, ông Nguyễn Sĩ Dũng – chuyên gia quản trị và chính sách công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội - dẫn sự việc tin đồn trên mạng đã dẫn đến việc sát hại của 5 người đàn ông ở Ấn Độ.
“5 người đàn ông bị đánh chết vì cho 1 cô bé chiếc bánh bích quy và họ đã bị hiểu nhầm là nhóm dụ dỗ bắt cóc trẻ em. Một đoàn người cuồng nộ vậy kín đánh người đàn ông này. Nguyên nhân xuất phát từ tin giả có 1 nhóm bắt cóc trẻ em”, ông kể.
Ngoài ra, còn tin giả khác đã khiến nhiều người Mỹ tin rằng vợ ông Obama là đàn ông, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín gia đình nguyên Tổng thống.
ông Nguyễn Sĩ Dũng
|
Chuyên gia chính sách công cho rằng, rõ ràng tin giả là vấn đề rất lớn. Tin giả hiện nay không chỉ dưới dạng tin, ảnh thông thường, hiện đã có công nghệ bắt chước giọng nói, làm thành file âm thanh, video không chỉ nhái giống hệt giọng nói mà cả phong cách, khiến cho rất nhiều người tin tưởng.
Một số nước không ban hành luật chuyên ngành mà áp dụng các quy phạm pháp luật đã tồn tại trong luật dân sự, hình sự, các luật điều chính truyền thông đại chúng, luật bầu cử.
Đồng tình với ý kiến của TS. Thái Thị Tuyết Dung, ông Nguyễn Sĩ Dũng cho rằng cái thiếu hiện nay là cơ chế xử lý, còn về hành lang pháp lí, hiện Việt Nam cũng đã có đủ.
Theo ông Dũng, để xử lý vấn nạn tin giả, cần thúc đẩy chính sách truyền thông tích cực, cung cấp thông itn từ những góc nhìn đa dạng, khách quan hơn.
“Việc nên làm nhất hiện nay là nâng cao trình độ của người sử dụng thông tin đầu cuối, sự hiểu biết về truyền thông, đồng thời, xây dựng hệ thống trợ giúp cho họ nếu họ muốn kiểm tra, xác định lại và trao đổi. Cùng với đó, cần thúc đẩy tinh thần trách nhiệm trong việc cung cấp thông tin cho người sử dụng đầu cuối”, ông Dũng nói.
Nói “nhạy cảm” là để trốn tránh trách nhiệm Trao đổi riêng với VietTimes về việc các cơ quan chức năng lấy lí do “thông tin nhạy cảm” để từ chối cung cấp cho báo chí, TS. Lê Doãn Hợp – Chủ tịch Danh dự VDCA nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dung dưỡng tin giả. Ông thẳng thắn: “Chúng ta phải học hỏi thế giới trong việc cung cấp thông tin, chúng ta đang lợi dụng từ “nhạy cảm”. Nói “nhạy cảm” là để trốn tránh trách nhiệm. Tôi có một nguyên tắc: Cái gì nhạy cảm thì phải làm rõ để hết nhạy cảm và càng ít nhạy cảm bao nhiêu thì việc điều hành, chỉ đạo báo chí càng tốt bấy nhiêu. Cụm từ “nhạy cảm” trong tương lai cũng sẽ mất dần, vì thực ra không có cái gì là nhạy cảm cả, cái gì cũng phải minh bạch và phải được đưa ra ánh sáng. Khi làm được điều đó chính là lúc chúng ta đã tiếp thu được ý kiến của dân, thực hiện được mong đợi của dân, làm rõ những vấn đề mà cuộc sống quan tâm”. |