|
Quyết định mới nhất của liên bộ cũng cho phép các doanh nghiệp đầu mối được trích quỹ bình ổn giá xăng dầu ở mức E5 RON 92 là 958 đồng/lít, xăng RON 95 là 451 đồng/lít, dầu diesel là 200 đồng/lít và dầu hỏa là 200 đồng/lít.
Với lần tăng này, giá trần của xăng E5 RON 92 đã đạt 19.440 đồng/lít, xăng RON 95-III là 20.911 đồng/lít, dầu diesel 0,05S là 17.107 đồng/lít, dầu hỏa là 15.917 đồng/lít, dầu mazút 3,5S có mức trần là 13.759 đồng/kg.
Giá xăng dầu đã liên tục được điều chỉnh tăng trong đa số các kỳ điều chỉnh giá gần đây, một số kỳ không tăng là do liên bộ Công thương – Tài chính đã cho phép tăng mức xả quỹ bình ổn xăng dầu.
Với lần tăng này, giá nhiều loại xăng dầu phổ biến đã ở mức khá cao, tăng bình quân trên 10% so với giai đoạn ổn định nửa đầu năm 2017.
Trong khi tăng giá các loại xăng tác động tới đối tượng người sử dụng xa máy, ô tô cỡ nhỏ, thì việc tăng giá các loại dầu đã tạo áp lực khá lớn lên chi phí của các doanh nghiệp vận tải đường bộ, đường biển.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải đường bộ có trên 200 xe đầu kéo tại Hải Phòng cho biết, doanh nghiệp này đang xem xét tăng cước vận tải cơ bản tại hợp đồng ký với khách hàng khoảng 5%.
“Tuy nhiên, khách hàng có hợp đồng dài hạn vẫn phải hỗ trợ thêm một phần phí tăng giá xăng dầu trong mức cước thực trả. Hợp đồng ký với khách thường 6 tháng đến 1 năm, trong khi giá xăng dầu điều chỉnh 15 ngày mỗi lần nên chúng tôi thống nhất phải thu thêm phí tăng giá xăng dầu trong tổng cước mỗi chặng đường” – Giám đốc này cho biết.
Một số chủ xe khách cũng đồng thời cho biết đang xem xét tới việc phải tăng giá vé do tiêu hao xăng dầu không giảm được, trong khi các loại phí bến bãi chỉ có tăng, cạnh tranh đang cao do số lượng xe tăng thêm khá nhiều, tuổi xe trẻ hơn đồng nghĩa với chi phí đầu tư xe phân bổ trong giá vé vẫn lớn.