Tuy nhiên, theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, khoản này tập trung vào ngân sách.
Giá dầu xuống, ngân sách trung ương căng thẳng, địa phương "tươi cười"
Chia sẻ tại phiên họp báo chuyên đề của Tổng cục Thuế sáng nay (25/3), ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, mặc dù tỉ lệ đóng góp dầu thô vào ngân sách nhà nước hiện không nhiều, tuy nhiên liên quan đến dầu thô là một loạt ngành nghề ăn theo như hóa dầu, các dịch vụ cho giàn khoan, các dịch vụ cung cấp lao động, tư vấn thiết kế... Do đó, việc lên xuống của giá dầu ảnh hưởng đến ngân sách cả trực tiếp lẫn gián tiếp.
"Nhìn chung, không khí khi giá dầu xuống là buồn" - ông Phụng nói. Tuy nhiên, theo ông Phụng, dầu thô liên quan đến nguyên liệu đầu vào của nền kinh tế do đó, giá dầu giảm không hẳn chỉ mang tác động tiêu cực.
Ông Phụng đặt vấn đề: Tại sao năm ngoái, giá dầu thô xuống làm giảm ngân sách trung ương nhưng ngân sách địa phương vẫn tăng? Theo đó, khi giá dầu thô giảm thì giá dầu nguyên liệu cũng giảm, các doanh nghiệp và nền kinh tế được hưởng lợi do chi phí đầu vào xuống thấp. Từ đó, giúp thu nhập doanh nghiệp tăng, tích lũy nội bộ của nền kinh tế tăng.
Do các đơn vị của nền kinh tế có tích lũy, nên số thu từ các doanh nghiệp cũng tăng lên và được chia cho cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tuy nhiên, Việt Nam có 63 tỉnh thành nhưng chỉ có 13 tỉnh thành là nộp về trung ương còn lại 50 tỉnh thành là nộp lại cho ngân sách địa phương. Khi doanh nghiệp làm ăn có lãi, phần lớn thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp đều "chạy" về ngân sách địa phương.
Ông Phụng dí dỏm: "Thế mới có câu chuyện là khi giá dầu xuống, trung ương căng thẳng về nguồn thu nhưng địa phương lại tươi cười".
Đại diện Tổng cục Thuế ví von, ngân sách nhà nước cũng giống như ngân sách gia đình, gồm túi ngân sách trung ương và túi ngân sách địa phương. Trong thu thuế, có khoản chạy về trung ương, có khoản chạy về địa phương, có khoản được chia cho cả trung ương và địa phương.
"Tiền túi bố, tiền túi con đều là tiền gia đình nhưng thường chỉ chạy từ túi bố sang túi con chứ không chảy ngược từ túi con sang túi bố. Thế nên khi ngân sách địa phương có tăng thu thì trung ương không lấy về được" - ông Phụng phân tích.
Không bao giờ bù lỗ cho các nhà thầu khai thác dầu thô
Ngoài ra, chia sẻ thêm về vấn đề dầu khí, ông Phụng cũng giải thích vì sao tiền bán dầu thô không giữ lại cho con cháu sau này mà lại đưa vào ngân sách nhà nước.
"Tôi được biết, một số nước trên thế giới có ngân sách dồi dào, Hiến pháp các nước này quy định tiền thu được từ khai thác, bán tài nguyên thì phải giữ lại tại một quỹ dành cho thế hệ sau. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tất cả những gì thuộc về Nhà nước, tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thì sẽ tập trung vào cho ngân sách" - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn nói.
Liên quan đến cơ chế đóng mỏ dầu khi giá dầu thô xuống quá thấp, với tư cách là người quản lý doanh nghiệp và gần doanh nghiệp, ông Phụng cho hay, với công nghệ hiện tại, một mỏ dầu khi đóng lại thì sau này sẽ phải khôi phục lại. Vì vậy, với những tính toán, cân đong đo đếm cụ thể, nhiều khi giá bán dầu đã dưới giá thành nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tiếp tục hoạt động do khoản lỗ từ kinh doanh vẫn ít hơn so với số chi phí phải bỏ ra để khôi phục mỏ.
Ông Phụng cũng nhấn mạnh: "Nguyên tắc đối với các nhà đầu tư là lời ăn lỗ chịu, bán dưới giá thành bị lỗ thì phải tự bỏ tiền ra bù chứ không ai bù lỗ cho doanh nghiệp vì giá dầu xuống. Tôi khẳng định là không bao giờ bù lỗ cho các nhà thầu có giá thành khai thác thấp hơn giá bán".
Báo cáo của cơ quan thuế cho thấy, trong hai tháng đầu năm, tổng thu ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý đạt 145.750 tỉ đồng, đạt 17,4% dự toán và tăng 6,1% so cùng kỳ.
Trong số này, thu dầu thô đạt 5.770 tỉ đồng, bằng 10,6% dự toán và chỉ bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015 do cơ sở giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đạt khoảng 36 USD/thùng, giảm tới 24 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Tuy nhiên, bù lại thu nội địa đạt xấp xỉ 140.000 tỉ đồng, bằng 17,8% dự toán tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2015. Hầu hết, các khoản thu quan trọng tiến độ thu đạt khá và cao hơn cùng kỳ năm trước (thu từ khu vực doanh nghiệp FDI tăng 13,8%; thuế thu nhập cá nhân tăng 12,6%...) Có 34/63 địa phương thu nội địa đạt dự toán (trên 17% và có 52/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ.
Theo Dân trí