Tiền điện tăng vọt: Ngành điện quá vô cảm với lời kêu cứu của dân?

Nhu cầu dùng điện là nhu cầu tối thiểu, nhất là trong những ngày thời tiết quá nắng nóng dùng điện là bất khả kháng…ngành điện không nên vô cảm trước sự kêu cứu của người dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương bình luận như vậy trước những bức xúc của người dân quanh chuyện hóa đơn tiền điện tháng 6 vừa qua tăng cao bất thường.

“Thủ phạm” là cách tính giá điện bậc thang

Hóa đơn tiền điện tăng gấp đôi, ba lần, thậm chí lên tới 8 lần so với tháng trước đang là nỗi bức xúc lớn của người dân thời điểm hiện tại. “Thủ phạm” được các chuyên gia chỉ ra là do cách tính giá điện bậc thang, lũy tiến - dùng càng nhiều càng phải trả nhiều hiện nay của ngành điện…

Theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội năng lượng Việt Nam, có 2 nguyên nhân cơ bản dẫn đến hóa đơn tiền điện tháng 5 và tháng 6 tăng cao đột biến. Thứ nhất, do thời tiết nắng nóng, nhiều gia đình lắp điều hòa, các thiết bị điện trong gia đình tăng lên, trong khi người dân chưa biết tiết kiệm điện. Nếu cùng lúc sử dụng nhiều thiết bị điện, lại để điều hòa ở chế độ lạnh sâu sẽ tiêu tốn điện năng cao. Vì vậy, người dân nên để điều hòa ở chế độ ổn định, mức 26-27oC, lượng điện tiêu tốn chỉ bằng một nửa so với để ở mức từ 18-22oC.

Lý do thứ 2, theo ông Trần Viết Ngãi, hiện nay, ngay cả những người có thu nhập từ thấp đến mức trung bình, nhu cầu sử dụng các thiết bị điện của người dân cũng đã tăng cao hơn.

Tiền điện tăng vọt: Ngành điện quá vô cảm với lời kêu cứu của dân? ảnh 1
Người dân đang rất bức xúc trước hóa đơn tiền điện tăng vọt

“Nếu cứ như thế này nhiều nhà sẽ phải trả nhiều tiền điện nữa do biểu giá điện tính theo bậc thang, lũy tiến, càng dùng nhiều số tiền điện phải trả càng cao” – ông Ngãi nói.

Đề cập cụ thể về biểu giá điện lũy tiến hiện nay, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng mức giá điện tính theo bậc thang, lũy tiến như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Tuy nhiên, mức giá bậc thang bao nhiêu để người dân không quá “choáng” và chia sẻ lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân thì cũng phải xem xét, tính toán lại cho phù hợp với thực tế.

“Ở các nước giá điện bậc thang dao động ít hơn Việt Nam và các mức giá cũng ít hơn. Do vậy, từ kinh nghiệm các nước và đặc biệt là xuất phát từ thực tế nhu cầu của người dân, điều kiện Việt Nam, Bộ Công thương, ngành điện cũng nên nghiên cứu tính toán lại giá giá bậc thang cho “mềm” hơn, điều chỉnh cho phù hợp sẽ có lợi cả đôi đường”- ông Ngãi khuyến nghị.

Cụ thể, ông Ngãi cho rằng, mức giá tối đa ở khung cao nhất cũng chỉ nên dao động 1.800 – 2.000 đồng/kWh. Ở các bậc thang thấp hơn, khung giá ở mức trên dưới so với mức giá điện bình quân hiện nay…

Cũng cho rằng biểu tính giá lũy tiến của ngành điện hiện chưa hợp lý với người tiêu dùng, TS. Lê Đăng Doanh – nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), dường như ngành điện đang vô cảm với sự kêu cứu của người dân. Nhu cầu dùng điện là nhu cầu tối thiểu, nhất là trong những ngày thời tiết quá nắng nóng nhu cầu dùng điện là bất khả kháng.

“Cứ kêu dân tiết kiệm, nhưng tôi biết có những nơi, có những cơ quan công quyền dùng điện vẫn còn rất lãng phí, vì họ nghĩ là dùng… điện chùa. Chẳng nói đâu xa, ngay chính ngành điện cũng còn để xảy ra tình trạng thất thoát, lãng phí lớn cho đến nay dù đã hứa giảm, nhưng kết quả ra sao vẫn chưa được giám sát, công khai. Đây là nghịch lý”- ông Doanh bức xúc.

Trước bức xúc của người dân, bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho hay, nếu cách tính giá điện theo lũy tiến, bậc thang được các chuyên gia chứng minh là bất hợp lý thì Bộ Tài chính và Bộ Công thương sẽ “ngồi lại” để xem xét. 

“Nếu hóa điện của các hộ gia đình “nhảy” số do sai sót kỹ thuật thì ngành điện phải kiểm tra. Còn nếu nguyên nhân xuất phát từ cách tính giá điện thì liên Bộ sẽ nghiên cứu, xem xét lại…”- bà Thúy Nga nói tại cuộc họp thường kỳ 6 tháng Bộ Tài chính mới đây.

EVN còn “ở” Bộ Công Thương, còn bất cập

Theo TS. Lê Đăng Doanh, giá điện hiện nay chưa phù hợp với thu nhập của người dân. Sự bất hợp lý của giá điện được nguyên Viện trưởng CIEM phân tích, ngành điện luôn “kêu” giá điện thấp không thu hút được đầu tư để “đòi” tăng giá, nhưng trong khi đó thu nhập của người dân lại không được tính tới, nhất là với biểu giá tính lũy tiến hiện nay.

“Nói giá điện ở Việt Nam chưa hợp lý, nhưng thu nhập của người dân có được tính bằng USD không, có bằng các nước trong khu vực như Singapore hay không mà lấy nước mình so sánh với giá điện nước họ? Không ai muốn ngành điện sụp đổ nhưng phải xem giá điện có phù hợp với thu nhập người dân hay không, nhất là mức độ tính lũy tiến của giá điện hiện nay. Tại sao lại lấy mốc 50 kWh? Phải xem người tiêu dùng sử dụng bao nhiêu, 50 kWh thì dùng được vào việc gì để rồi dùng cơ chế trợ giá đối với điện?...”- ông Doanh thẳng thắn.

Thực tế hiện nay, ngành điện đang “đẩy” khó khăn cho doanh nghiệp, người dân. Với doanh nghiệp, nhất là các ngành thép, xi măng… đang phải “cắn răng” chịu giá điện cao, làm giảm sức cạnh tranh do so với các nước khi Việt Nam hội nhập.

Còn về phía người dân, với biểu giá lũy tiến thì rõ ràng là người dân đang chịu thiệt.

Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ngành điện đang đóng “hai vai”, vừa là nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối. Cản trở lớn nhất để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiện nay chính là nút thắt về cơ chế, thể chế và mâu thuẫn lợi ích khó giải quyết. Nếu như không thay đổi thể chế, thay đổi thị trường, đặc biệt là chức năng của EVN thì các vẫn đề liên quan đến thay đổi kỹ thuật (giá, ba giai đoạn thị trường điện cạnh tranh) thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề.

Vì thế, TS. Doanh khuyến nghị, cần tách ngành điện ra khỏi cơ quan quản lý là Bộ Công thương. Đây là mô hình của các nước theo thị trường vẫn áp dụng. Không ai lại tự đề ra mức giá bán, rồi tự bán … như ở nước ta.

Theo Infonet