TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nói như vậy tại Hội thảo thị trường năng lượng cạnh tranh ở Việt Nam, ngày 1/7.
Theo ông Cung, cản trở lớn nhất để phát triển thị trường điện cạnh tranh hiện nay chính là nút thắt về cơ chế, thể chế và mâu thuẫn lợi ích khó giải quyết.
“Ngành điện đang đóng hai vai, nhà sản xuất, kinh doanh và trực tiếp phân phối. Sự độc quyền đã được thuyên giảm do lộ trình đặt ra nhưng vấn đề gốc rễ vẫn còn rất nặng nề.
Nếu như không thay đổi thể chế, thay đổi thị trường, đặc biệt là chức năng của EVN thì các vẫn đề liên quan đến thay đổi kỹ thuật (giá, ba giai đoạn thị trường điện cạnh tranh) thì không thể giải quyết được tận gốc vấn đề”, ông Cung khẳng định.
Ông Cung dẫn chứng, Trung Quốc rất thành công khi phát triển thị trường điện cạnh tranh, họ xây dựng cơ chế ba ủy ban điều phối, điều tiết và giám sát độc lập để quản lý điện từ nhà sản xuất, thu mua, phân phối.
“Dù sau này họ không thu hút được nữa do mức độ ưu đãi ngày càng giảm, nhưng giai đoạn phát triển và tăng trưởng nóng của Trung Quốc, điện năng đã đóng góp rất lớn duy trì sự vươn lên của nền kinh tế Trung Quốc và ngày nay họ vẫn duy trì được điều đó”, ông Cung cho biết.
Ông Cung kết luận, chừng nào chúng ta chưa giải quyết được mâu thuẫn lợi ích trong điều hành quản lý điện của EVN thì chừng ấy chúng ta chưa thể có được thị trường điện cạnh tranh đúng nghĩa, chưa thể thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư và cung ứng điện.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, nguyên Phó viện trưởng CIEM cho rằng cần nhanh “tách” các cơ quan điều tiết điện lực ra khỏi cơ quan quản lý Nhà nước như Bộ Công Thương, xây dựng cơ quan điều tiết điện lực độc lập thì ngành điện mới thực hiên giám sát nghiêm túc và cải cách dễ dàng được.
Cũng tại hội thảo, ông Julian Scarff, chuyên gia thuộc tổ chức Australia Aid khẳng định, việc cải cách thị trường điện lực sẽ giúp xác lập tính ưu việt của cơ chế giá bằng cách thúc đẩy cạnh tranh, cải thiện hiệu quả...
Theo ông Julian, kinh nghiệm từ Braxin cho thấy, thị trường phân phối điện được tư nhân hóa trong giai đoạn 1995 – 2000 với tỷ lệ tư nhân hóa khoảng 60% đã tạo ra mức thu nhập tương đương 2,5% GDP cả nước trong giai đoạn này. Ở các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, việc xóa bỏ trợ cấp giá điện ước tính làm GDP tăng 0,5% trong năm 2010…
Theo: BizLive