Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh nhỏ, gọn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nga đang tập trung phát triển những mẫu tên lửa siêu thanh chống hạm có kích thước nhỏ, gọn để thay thế cho phiên bản Kh-31 chế tạo từ những năm 1980 đã lỗi thời.
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh nhỏ, gọn (Ảnh: Defenseforce)
Tiêm kích tàng hình Su-57 của Nga sẽ được trang bị tên lửa siêu thanh nhỏ, gọn (Ảnh: Defenseforce)

Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga đang phát triển tên lửa siêu thanh nhỏ, gọn cho máy bay tiêm kích Su-57. Việc hoàn thiện cấu tạo của tên lửa đang được tiến hành. Vũ khí mới được phát triển trong khuôn khổ dự án “Lichinka-MD” – có thể dịch nghĩa tiếng việt như sau: Lichinka tức là ấu trùng, MD tức là tầm ngắn.

Đây là chương trình phát triển tên lửa nhỏ, gọn, “không đối không” tầm ngắn của Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, vũ khí mới được phát triển dựa trên nền tảng của tên lửa chống hạm siêu thanh Kh-31. Tên lửa Kh-31 được chế tạo từ những năm 80 của thế kỷ trước, nó có thể bay với tốc độ tối đa 3.600 km/h, tầm bắn đạt 160 km, đây cũng là sản phẩm của Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật của Nga. Hiện nay, có rất ít nguồn tin tiết lộ về tên lửa siêu thanh đời mới của Su-57, chỉ biết rất chung chung rằng nó sẽ trang bị cho không quân chiến dịch – chiến thuật, tầm bắn đạt khoảng vài trăm km.

Thứ trưởng bộ quốc phòng Nga Alexei Krivoruchko cho biết: “Tên lửa chống hạm của Su-57 được phát triển từ năm 2019, phòng thiết kế Ural “Detal” – thuộc tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật Nga đã hoàn tất việc chế tạo hệ thống dẫn đường chủ động của tên lửa mới”.

Theo nhận định của các chuyên gia, mục tiêu của vũ khí mới là tàu chiến loại vừa và nhỏ của đối phương. Dự tính tốc độ của tên lửa mới có thể đạt tới 6200 km/h, nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh – đây thực sự là thách thức rất lớn đối với tất cả các hệ thống phòng không và hệ thống phòng thủ tên lửa.

Việc trang bị tên lửa siêu thanh cho tiêm kích Su-57 đã được Nga bàn tính từ lâu. Bộ quốc phòng của Nga đưa ra điều kiện quan trọng là: tên lửa đó phải đặt được vào bên trong khoang máy bay. Các máy bay tiêm kích thế hệ 5 của Nga có điểm đặc biệt là: ngoài những vũ khí bố trí bên ngoài như những máy bay khác (Mig-29, Su-30 SM, Su-34), chúng còn được trang bị những loại vũ khí mới ở bên trong khoang máy bay. Điều này đã khẳng định những “tố chất” mới, mà chỉ những tiêm kích thế hệ 5 có được, đó là: tốc độ, tàng hình và cơ động.

Tên lửa mới của Su-57 sử dụng động cơ phản lực “Sản phẩm 70” do phòng thiết kế Soyuz chế tạo, hầu như tất cả các vũ khí siêu thanh của Nga đều sử dụng động cơ này, trong đó có tên lửa siêu thanh Gremlin.

Hiện nay, Lực lượng Không quân Vũ trụ Nga có duy nhất một loại tên lửa siêu thanh đó là Kinzhal. Kinzhal có tốc độ bay nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, có thể mang đầu đạn thông thường và đầu đạn hạt nhân, tầm bắn có thể đạt 2.000 km. Hồi trung tuần tháng 9, phó thủ tướng Nga Yuri Borisov tuyên bố: “Lần đầu tiên sau rất nhiều nỗ lực, Nga đang chiếm ưu thế vượt trội so với các nước phương Tây trong lĩnh vực chế tạo vũ khí siêu thanh, Nga sẽ nỗ lực hết sức để duy trì ưu thế này”.

Không dừng lại ở những gì đã đạt được, Nga đang đồng thời phát triển nhiều dự án tên lửa siêu thanh trang bị cho không quân hạng nặng tầm xa, cũng như cho các máy bay hạng nhẹ. Tên lửa siêu thanh Gremlin là một ví dụ, đây là tên lửa siêu thanh động cơ phản lực thẳng, được nghiên cứu chế tạo từ năm 2012, trang bị cho không quân chiến dịch - chiến thuật, trong đó có máy bay ném bom Su-34. Với kích thước gọn, khối lượng nhỏ, vậy nên mỗi máy bay có thể mang theo vài tên lửa như vậy.

Năm 2013, cựu tổng tư lệnh Lực lượng không quân Nga, đại tướng Alexander Zelin tiết lộ: Nga đã chế tạo tên lửa siêu thanh hạng nhẹ có khối lượng khoảng 1.600 kg, bay với tốc độ Mach 6.

Năm 2016, Nga bắt đầu thực hiện chương trình phát triển tên lửa siêu thanh có điều khiển cho không quân tầm xa, dự án mang tên “Ostrota” – nghĩa tiếng việt là sắc bén, dòng tên lửa này được trang bị động cơ mạnh hơn, với tên gọi là “sản phẩm 71”. Ngoài lực lượng Không quân ra, Hải quân và Lực lượng tên lửa chiến lược của Nga cũng sở hữu những vũ khí siêu thanh.