Tỉ phú công nghệ Jeff Bezos, chủ báo Washington Post, nói về chuyển đổi số cứu báo chí hiện đại

VietTimes – Tỉ phú công nghệ, giàu nhất thế giới, Jeff Bezos quan tâm đặc biệt đối với lĩnh vực báo chí. Nhà sáng lập Amazon này đã mua lại tờ The Washington Post và chuyển đổi số thành công giúp tờ báo này phát triển vượt bậc.
Ảnh: Entrepreneur

Tỷ phủ Jeff Bezos được cho là đang đàm phán để mua lại CNN, trước đó, ông cũng đã mua tờ Washington Post vào năm 2013. Các động thái này cho thấy nhà sáng lập Amazon đang tham vọng mở rộng đế chế truyền thông của mình. Vậy, với câu chuyện của tỷ phú Bezos, báo chí có thể rút ra được bài học gì để thích ứng với thời đại kỹ thuật số?

Báo chí cần ưu tiên kỹ thuật số và một nhà lãnh đạo am hiểu công nghệ


Lần đầu tiên được gợi ý mua lại tờ The Washington Post, Jeff Bezos trả lời truyền thông rằng ông không biết gì về báo chí. Tuy nhiên, Donald Graham - con trai của “huyền thoại truyền thông” Katharine Graham, cũng là chủ cũ của tờ The Washington Post đã giải thích rằng ông Bezos còn có một thứ quan trọng hơn, đó là kiến thức tinh tường về internet.

Khi gia đình Graham nhìn về tương lai của The Washington Post, họ đã nhận thấy rằng việc thiếu hiểu biết về công nghệ sẽ là một bất lợi lớn. Họ cũng đã thử tham khảo ý kiến của các nhà lãnh đạo công nghệ lớn như Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg về việc làm thế nào để một tờ báo có thể thích ứng với kỷ nguyên kỹ thuật số. Và cuối cùng, chính cuộc nói chuyện với tỉ phú Jeff Bezos đã hoàn toàn thuyết phục gia đình Graham - chủ sở hữu lâu năm của tờ The Washington Post bán nó.

“Theo chúng tôi, việc chủ sở hữu là một người có kiến thức sâu rộng về tương lai, về công nghệ, về cách thức truyền tải thông tin đến độc giả đã là một điểm cộng lớn cho tờ báo” - Donald Graham, cựu chủ sở hữu của tờ The Washington Post cho biết.

Việc bán lại The Washington Post cho tỉ phú Bezos thực sự là một quyết định đúng đắn. Chỉ sau 3 năm sở hữu, Jeff Bezos đã giúp tờ báo này tăng gấp đôi lưu lượng truy cập trang web và bắt đầu thu về lợi nhuận. Ông đã tuyển dụng hàng loạt tài năng công nghệ và đảm bảo rằng tờ báo hoạt động tích cực trên các nền tảng công nghệ mới nổi như Reddit and Tiktok. Jarrod Dicker, người trước đây từng làm Giám đốc Đổi mới tại tờ The Washington Post đã gọi tổ chức này giờ đây là “một công ty công nghệ 100%”.

Là một doanh nhân công nghệ, Jeff Bezos đã có nhiều năm kinh nghiệm và tích lũy được lượng kiến thức khổng lồ trong lĩnh vực công nghệ . Điều này có thể giúp ích cho sự phát triển của The Washington Post. Tại Amazon, mọi thứ đều được tính toán và tối ưu hóa, tập trung vào công nghệ để tạo ra hiệu suất cao.

Những năm gần đây nhiều tờ báo lâu đời, tuy chưa phải là tất cả, cũng cải tổ theo hướng này. Năm 2018 tại cuộc họp cấp cao Mạng lưới biên tập viên toàn cầu (GEN Summit), giám đốc tin tức của Washington Post Greg Barber có hỏi trong cử tọa có ai hài lòng với công nghệ tin tức của tờ báo của họ không thì gần như không có một cánh tay nào giơ lên. Những chủ báo chí thành công từ năm 2020 trở đi sẽ là những người hoá thân được kỹ thuật số vào mọi thứ họ làm. Để giúp gây dựng văn hoá coi kỹ thuật số là ưu tiên số 1, ta có thể tham khảo ví dụ ở tờ báo vùng Quest-France, vốn dùng một xuất bản phẩm chỉ ở dạng số hoá L'édition du Soir làm phòng thí nghiệm cách tân cho toàn công ty.

Mãi mãi tinh thần ngày đầu khởi nghiệp

Tỷ phú Jeff Bezos

Trong thời kỳ trứng nước ban đầu của mọi công ty khởi nghiệp, những người sáng lập luôn điều hành mọi thứ. Nhưng khi tổ chức mở rộng phát triển, mọi việc sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều và nếu nhà lãnh đạo không đủ sáng suốt thì doanh nghiệp của họ có nguy cơ phải đối mặt với sự chậm chạp và cứng nhắc. Để tránh tình trạng này, Jeff Bezos đã đặt ra mô hình “Ngày 1 so với ngày 2”. Để Amazon thành công, nó luôn duy trì tinh thần ngày đầu tiên.

Trong quan niệm của Jeff Bezos, ngày thứ 2 đã là một sự đình trệ và thất bại. Đó là lý do tại sao nó luôn là ngày thứ nhất. Những tờ báo sớm có chuyển đổi số thành công là những tờ báo giữ được tinh thần của ngày đầu tiên - luôn cập nhật xu thế mới, luôn đổi mới và đi tiên phong.

Về mặt đổi mới, New York Times là một trong những tờ báo nổi bật. Tiềm lực tài chính hùng mạnh và thương hiệu lớn không giải thích được sự thành công của tờ báo này. Từ năm 2012, sau khi gia nhập New York Times với tư cách là CEO, Mark Thompson đã thực hiện một loạt những cải cách triệt để và cơ bản. Thay vì tạo ra một tờ báo in (loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc) rồi cập nhật những bài trên báo in lên trang web để ra báo trực tuyến, ông đã làm ngược lại. Thay vì định nghĩa một tờ báo thông qua phương thức phát hành của nó (in ấn), Mark Thompson đã nỗ lực để định nghĩa Newyork Times thông qua những giá trị và sứ mệnh mà nó chủ trương.

Điều này tương tự như cách thức hoạt động của The Telegraph: trong cốt lõi vẫn phải là tin bài (journalism), là thứ mà tờ báo này đã làm tốt trong suốt 160 năm qua. Không tờ báo nào nên coi cái làm nên chân giá trị của mình lại là phương thức phát hành, phân phối tin bài.

Khách hàng hài lòng sẽ sẵn sàng mở hầu bao

Tại Amazon, Jeff Bezos không đơn giản hài lòng với việc đáp ứng mong đợi của khách hàng, còn hơn thế ông yêu cầu phải hối thúc (wow) khách hàng bằng cách đáp ứng vượt cả mong đợi của họ. Tập trung vào độc giả không phải là một nguyên tắc mới đối với báo chí, nhưng tại Amazon, Bezos đã đưa điều này lên một tầm cao mới. Ông thậm chí còn chia sẻ địa chỉ email của mình, mời khách hàng viết gửi thư trực tiếp cho mình về những mối quan tâm hay phàn nàn của họ. Sau đó, ông sẽ chuyển tiếp nội dung email đến thành viên trong nhóm làm việc có liên quan cùng với một dấu “?”. Tại Amazon, mọi nhân viên đều hiểu rằng nếu bạn nhận được dấu “?” từ Jeff Bezos, bạn phải dừng tất cả mọi việc khác để tập trung đưa ra giải pháp khắc phục triệt để vấn đề.

Tỷ phú Jeff Bezos hiện là chủ sở hữu của tờ The Washington Post. (Ảnh: The Scrbblr)

Đây cũng là một bài học mà Bezos đã áp dụng cho The Washington Post. Nhiều độc giả đã quá quen thuộc với thế giới kỹ thuật số, do đó, họ cũng khó chấp nhận việc đọc báo của họ có độ trễ. Độc giả sẽ hài lòng nếu được truy cập tin tức một cách thuận tiện và không có bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào.

Việc xem phim trên Netflix, nghe nhạc trực tuyến trên Spotify và cập nhật thông tin bạn bè trên mạng xã hội đã trở những hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của giới trẻ và không có lý do gì để giờ đây họ lại phải đọc tin tức trên báo chí theo những cách kém tiện lợi hơn. Việc được trải nghiệm những sản phẩm kỹ thuật số chất lượng sẽ đem đến cho độc giả sự hài lòng, tỷ phú Bezos tin rằng nó sẽ giúp tăng lượng bạn đọc đăng ký trả phí. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trực tiếp đề nghị độc giả trả phí cho việc đăng ký đọc tin tức.

“Sau 20 năm hoạt động online, ngành công nghiệp tin tức đã khiến mọi người trên thế giới quen với chuyện tin tức luôn là “thức ăn miễn phí”. Tuy nhiên, độc giả cũng đủ thông minh để hiểu rằng sẽ phải tốn kém nhiều thời gian và tiền bạc mới có thể tạo ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao, họ sẵn sàng trả phí để đọc để xem, có điều bạn phải đề xuất họ. Chúng tôi luôn thắt chặt bức tường phí (paywall) của mình và mỗi khi chúng tôi thực hiện điều đó, số lượng đăng ký lại tăng lên” - ông Jeff Bezos cho biết.

Thay đổi hoặc là chết - đây vẫn luôn là nguyên tắc vàng giúp các thương hiệu huyền thoại luôn dẫn đầu và với báo chí cũng vậy, đặc biệt là trong kỷ nguyên kỹ thuật số sôi động hiện nay.

Theo What’s New Publishing