Tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam có thời điểm đạt tới 25%

VietTimes -- Tính đến tháng 7/2017, tỉ lệ truy cập qua IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 7%, thời điểm cao nhất lên tới 25% (nguồn APNIC) với hơn 3.500.000 người dùng IPv6 (nguồn phòng Lab Cisco), đứng thứ 2 khu vực ASEAN, thứ 6 khu vực Châu Á.
Thời của giao thức IPv6 được đánh giá là tương lai gần khi sẽ trở nên phổ biến trong một vài năm tới.
Thời của giao thức IPv6 được đánh giá là tương lai gần khi sẽ trở nên phổ biến trong một vài năm tới.

Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại chương trình đào tạo kỹ thuật chuyên sâu về triển khai IPv6 và Tọa đàm về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) – Thường trực Ban Công tác thúc đẩy phát triển IPv6 Quốc gia tổ chức từ ngày 12-14/7/2017 tại TP Đà Nẵng. 

Mặc dù tỉ lệ triển khai IPv6 chung của quốc gia có nhiều khởi sắc, tuy nhiên, đối với mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tỉ lệ ứng dụng IPv6 còn rất thấp. Trong bối cảnh IPv6 trở thành giao thức Internet chính trên toàn cầu, việc chậm trễ trong triển khai ứng dụng IPv6 sẽ là điểm hạn chế trong việc cung cấp dịch vụ công và triển khai ứng dụng Chính phủ điện tử.

Với mục tiêu hỗ trợ việc triển khai ứng dụng IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của các cơ quan Đảng, Nhà nước, chương trình tập huấn gồm các nội dung thực tiễn về tình hình công nghệ, kỹ thuật triển khai IPv6, chính sách quy định của Nhà nước trong lĩnh vực triển khai IPv6, các hướng dẫn chi tiết về triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ. Học viên cũng được tạo điều kiện để trao đổi, thảo luận, đưa ra phương án tối ưu để triển khai IPv6 trong mạng lưới, dịch vụ của khối các cơ quan Đảng, Nhà nước; đặc biệt gắn với việc triển khai Chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến.

Chương trình tập huấn có sự tham gia của hơn 30 học viên đến từ các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các Bộ, Ngành. Về nội dung tập huấn, bên cạnh các nội dung đào tạo do Trung tâm Internet Việt Nam – Thường trực Ban Công tác thực hiện, Cục Bưu điện Trung ương với vai trò phụ trách mạng Truyền số liệu chuyên dùng cho các cơ quan Đảng, Nhà nước có hướng dẫn triển khai IPv6 trên nền mạng chuyên dùng.

Chương trình tập huấn là sự kết nối, hỗ trợ của Ban Công tác với các đơn vị chuyên trách CNTT của các Bộ, Ngành, từ đó, tạo đà triển khai ứng dụng công nghệ IPv6 trong khối cơ quan Đảng, Nhà nước theo đúng mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.

Toàn cảnh Hội nghịToàn cảnh buổi toạ đàm đang diễn ra tại Đà Nẵng.

Bên cạnh việc phổ biến triển khai ứng dụng IPv6, nhân dịp này VNNIC cũng phổ biến nội dung về ý nghĩa, lợi ích của việc triển khai DNSSEC trong khối các cơ quan Đảng, Nhà nước qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của DNSSEC trong việc triển khai chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.  

Đề án triển khai tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống máy chủ tên miền (DNS) “.VN”, trong đó xác định rõ mục tiêu, phạm vi, nội dung, lộ trình triển khai DNSSEC tại Việt Nam với 03 giai đoạn chính. Theo đó, VNNIC đã hoàn thành hai giai đoạn chuẩn bị và khởi động trong các năm 2015, 2016; đánh dấu bằng việc chính thức triển khai áp dụng tiêu chuẩn DNSSEC cho hệ thống DNS quốc gia .VN, kết nối liên thông với hệ thống DNS ROOT của quốc tế để tạo ra chuỗi xác thực tin cậy, là cơ sở để tiếp tục triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia cấp thấp hơn.

Trong năm 2017, VNNIC tiếp tục chủ trì, phối hợp và hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức tại Việt Nam hoàn thành triển khai DNSSEC theo lộ trình kế hoạch đã được phê duyệt. Đặc biệt là việc triển khai DNSSEC tại các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet, các nhà đăng ký tên miền “.VN”, các cơ quan Đảng, Nhà nước.  

Với việc quy định bắt buộc triển khai DNSSEC cho các tên miền quốc gia “gov.vn”, các cơ quan Đảng, Nhà nước nên bắt tay ngay vào việc nghiên cứu và lên kế hoạch triển khai chi tiết cho hệ thống tên miền cũng như cho các tên miền quốc gia .VN do mình quản lý. Qua đó, chính thức triển khai hệ thống DNS theo tiêu chuẩn DNSSEC và cung cấp dịch vụ sử dụng, truy vấn tên miền “.VN” theo tiêu chuẩn DNSSEC cho người sử dụng Internet tại Việt Nam.

Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.

Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản:

  • Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet.   
  • Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.