Đó là những con số được chia sẻ tại Hội thảo Ngày IPv6 Việt Nam 2017 với chủ đề “IPv6 và Internet of Things” do Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức, vừa diễn ra sáng nay (5/5). Đây là sự kiện thường niên nhằm thúc đẩy, triển khai IPv6 và IoT tại Việt Nam.
Tỷ lệ truy cập IPv6 sẽ nhảy vọt vào cuối năm 2017
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá, tuy có những tiến triển đáng kể trong kết quả triển khai IPv6 thực tế, nhưng tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam còn thấp so với tỉ lệ trung bình chung của khu vực và trên thế giới (khoảng 13% vào thời điểm hiện tại) và vẫn còn những điểm tồn tại cần nỗ lực giải quyết để đảm bảo có thể thực hiện được mục tiêu Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6.
"Đây là một xu hướng công nghệ tất yếu trong giai đoạn mới với nhu cầu sử dụng số lượng địa chỉ IP khổng lồ, hứa hẹn sẽ là giai đoạn phát triển bùng nổ của IPv6. Trong khi đó, chỉ có IPv6 mới có khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng số lượng lớn địa chỉ IP lớn như vậy với không gian địa chỉ lên đến 3,4 x 1038. Ngoài ra, khả năng kết nối các thiết bị tốt hơn và vấn đề hỗ trợ bảo mật tốt hơn khi sử dụng IPv6 cũng là một lý do khiến IPv6 trở nên thiết yếu trong quá trình sử dụng và phát triển IoT", đại diện VNNIC nhận định.
Theo các chuyên gia, hoạt động triển khai IPv6 tại Việt Nam có bước đi chậm hơn thế giới, nhưng chúng ta đang đẩy mạnh và có những kết quả rất khả quan. Theo kế hoạch, Tập đoàn VNPT sẽ chuyển đổi và cung cấp dịch vụ Internet, dịch vụ 4G LTE trên nền công nghệ IPv6 cho khách hàng. Còn tập đoàn Viettel mở rộng triển khai cung cấp dịch vụ IPv6 cho 28 tỉnh, thành, đặc biệt là các dịch vụ băng rộng cố định, 4G LTE, Hosting IDC, Cloud server,… Nếu thực hiện đúng kế hoạch đặt ra, tỷ lệ truy cập IPv6 dự kiến sẽ nhảy vọt vào cuối năm 2017.
Mặc dù Internet trong năm 2016 có sự kết nối một lượng khổng lồ thiết bị bao gồm khoảng 270 triệu máy tính cá nhân, 1,8 tỷ điện thoại thông minh và thêm 1,8 tỷ thiết bị kết nối. Trước những con số này, để đảm bảo sự phát triển ổn định của Internet toàn cầu, trước tình trạng cạn kiệt IPv4 và xu thế IoT, IPv6 được xem là giải pháp công nghệ cho sự phát triển của Internet. Không gian địa chỉ IPv6 phong phú sẽ đảm bảo cung cấp cho mỗi thiết bị kết nối Internet một địa chỉ IPv6 toàn cầu, cho dù chúng có thể được triển khai nhỏ tới mức nào đi nữa.
Nguy cơ "loạn" chuẩn IoT
Trên thực tế, Internet of Things (IoT) đã không còn là khái niệm mới trong thế giới công nghệ hiện đại với những lợi ích to lớn mà IoT mang lại cho sự phát triển kinh tế, phục vụ cuộc sống. Với IoT, đối tượng được kết nối với nhau bằng mạng internet, giúp kiểm soát và điều khiển chúng một cách dễ dàng ở bất kỳ đâu. Những đối tượng này là các thiết bị trong gia đình, văn phòng mà trước đây chưa từng được kết nối internet, như những chiếc tủ lạnh, máy điều hòa, bóng đèn …
“Mỗi thiết bị khi kết nối đến mạng IoT sẽ sử dụng ít nhất một địa chỉ mạng. Các phân tích dự đoán sẽ có khoảng 50 tỉ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020, trong khi đó không gian địa chỉ IPv4 chỉ cung cấp khoảng hơn 4 tỉ địa chỉ. Điều này cho thấy khả năng mở rộng vô cùng lớn của không gian địa chỉ IPv6 khi so sánh với IPv4. Bên cạnh đó, khả năng kết nối các thiết bị và hỗ trợ bảo mật tốt hơn khi sử dụng địa chỉ IPv6 cũng là một lý do khiến IPv6 thực sự cần thiết nếu muốn phát triển IoT”, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn – Trưởng nhóm Dự án nghiên cứu IoT của Tập đoàn FPT, các nhà cung cấp IoT hiện nay lại lựa chọn những chuẩn kết nối khác nhau để tích hợp vào các sản phẩm của mình, họ có lựa chọn riêng vì bị chi phối bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên điều này dẫn đến những hạn chế khi mở rộng IoT lên tầm rộng lớn hơn như trong cả một thành phố hay cả một đất nước.
Đối tượng chịu ảnh hưởng đầu tiên là người dùng thiết bị đầu cuối vì họ phải đứng trước lựa chọn rất khó khăn. Nếu chọn một chuẩn IoT không phổ biến sẽ dẫn tới nhiều vấn đề như lựa chọn thiết bị sau này rất khó khăn bởi nguồn cung không phong phú. Do đó mà việc có quá nhiều chuẩn IoT như hiện nay không chỉ khiến các nhà cung cấp đau đầu mà còn gây ra nhiều khó khăn cho người sử dụng.
Nhân dịp này, ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Ban quản lý phát triển sản phẩm của VNPT Technology cho rằng, để các doanh nghiệp trong nước triển khai hiệu quả các ứng dụng IoT, rất cần có định hướng từ Chính phủ, Bộ TT&TT về việc tập trung nguồn lực để phát triển tập trung ứng dụng, có chính sách và hỗ trợ nhất định để các doanh nghiệp đầu tư thực hiện.
Địa chỉ IPv6 (Internet protocol version 6) là thế hệ địa chỉ Internet phiên bản mới được thiết kế để thay thế cho phiên bản địa chỉ IPv4 trong hoạt động Internet. Địa chỉ IPv4 có chiều dài 32 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số thập phân phân cách bởi dấu chấm, ví dụ 203.119.9.0. IPv4 là phiên bản địa chỉ Internet đầu tiên, đồng hành với việc phát triển như vũ bão của hoạt động Internet trong hơn hai thập kỷ vừa qua. Với 32 bit chiều dài, không gian IPv4 gồm khoảng 4 tỉ địa chỉ cho hoạt động mạng toàn cầu.
Do sự phát triển như vũ bão của mạng và dịch vụ Internet, nguồn IPv4 dần cạn kiệt, đồng thời bộc lộ các hạn chế đối với việc phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại trên Internet. Phiên bản địa chỉ Internet mới IPv6 được thiết kế để thay thế cho phiên bản IPv4, với hai mục đích cơ bản:
- Thay thế cho nguồn IPv4 cạn kiệt để tiếp nối hoạt động Internet.
- Khắc phục các nhược điểm trong thiết kế của địa chỉ IPv4.
Địa chỉ IPv6 có chiều dài 128 bít, biểu diễn dưới dạng các cụm số hexa phân cách bởi dấu ::, ví dụ 2001:0DC8::1005:2F43:0BCD:FFFF. Với 128 bít chiều dài, không gian địa chỉ IPv6 gồm 2128 địa chỉ, cung cấp một lượng địa chỉ khổng lồ cho hoạt động Internet.
Nguồn: Trung tâm Internet Việt Nam