Thực hư việc người dân TP.HCM cần phải trả phí chống ngập

VietTimes – Hiện nay, đề xuất thu phí chống ngập 3.668 đồng/m2 đã khiến người dân hoang mang liệu rằng họ có phải khoản trả phí này. Trong khi đó, nhiều năm qua, dù TP.HCM đã triển khai nhiều dự án chống ngập, chi nhiều tiền vào các dự án này nhưng hiệu quả vẫn chưa đi đến đâu.
Một con đường ở TP.HCM bị ngập vào mùa mưa. Ảnh: PLO

Thông tin từ Báo Pháp luật TP.HCM, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM cho biết năm 2020, Sở Xây dựng triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập.

Thành phố khẳng định cần sự đồng hành của người dân nhưng sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này. Vì thế, người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập.

Ông Khiết thông tin thêm, hiện nay, cơ quan chức năng đang xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.

UBND TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng đơn giá chống ngập. TP.HCM có hàng loạt dự án chống ngập đang trong quá trình thực hiện nên việc kết nối chưa hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án chống ngập chủ yếu thực hiện trong trung tâm TP. còn các vùng ven thì chưa xử lý triệt để nên TP.HCM vẫn bị ngập trên nhiều tuyến đường.

Trước đó, việc TP.HCM đề xuất mức giá chống ngập tại thành phố này là 3.668/m2 đã khiến người dân hoang mang. Nhiều năm qua, dù thành phố đã triển khai nhiều dự án chống ngập, chi nhiều tiền vào các dự án này nhưng hiệu quả vẫn chưa đi đến đâu. Hàng năm, cứ đến mùa mưa, nhiều con đường ở TP.HCM vẫn rơi vào tình trạng ngập, gây cản trở giao thông và khó khăn cho cuộc sống của người dân.

Ngập ở các tuyến đường gây khó khăn cho người dân. Ảnh: Báo Pháp Luật

Thông tin từ tờ PLO, phương án giá dịch vụ chống ngập tính theo mét vuông được Phân viện Kinh tế xây dựng Miền Nam phối hợp với Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (thuộc Sở Xây dựng) xác định sau hơn 1 năm tính toán. Việc xây dựng mức giá dịch vụ này là theo đề xuất của Sở Xây dựng TP từ tháng 5/2019 và UBND TP.HCM cũng đã có văn bản chấp thuận.

Đại diện phân viện cho hay sau nhiều năm thực hiện chống ngập theo phương thức đầu tư công nhưng hiệu quả chưa cao, UBND TP đã có chủ trương xã hội hóa công tác chống ngập từ các doanh nghiệp. Khi phương án giá dịch vụ chống ngập theo mét vuông này được áp dụng sẽ tạo điều kiện thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp tham gia công tác chống ngập trên địa bàn TP trong thời gian tới.

Nhiều người dân ái ngại liệu giá dịch vụ này có phải do người dân đóng hay không? Anh T.Đ.S - một người dân ở quận Bình Thạnh, cho hay anh không hiểu giá dịch vụ chống ngập này. Theo anh, hiện tại người dân đã đóng đủ các loại thuế, phí như thuế đất, phí cầu đường…, nên mong không phải đóng thêm khoản thu nữa.

Theo ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm hạ tầng, việc xây dựng định mức đơn giá là để làm cơ sở thanh toán cho đơn vị cung cấp dịch vụ chứ không phải để thu tiền của người dân như một số ý kiến băn khoăn.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, cần phải định nghĩa rõ ràng việc xây dựng đơn giá dịch vụ này để làm gì. Phát triển đô thị đã gây tác động môi trường, ảnh hưởng đến người dân, gây kẹt xe, ngập nước và làm hạ tầng quá tải. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do bắt đầu từ các dự án mới xây dựng.

Ông Sơn cho rằng thành phố cần lưu tâm từ những dự án lớn gây tác động môi trường, làm kẹt xe, ngập nước… Nếu những nhà đầu tư, dự án gây ra những tác nhân trên, làm ảnh hưởng đến người dân thì có thể thu tiền để chi trả cho chi phí chống ngập.

Theo tiến sĩ Lê Thành Công - Giám đốc Công ty TNHH Thiết kế tư vấn xây dựng D&C, việc các đơn vị lên phương án tính giá dịch vụ chống ngập và lấy giá trạm bơm Nguyễn Hữu Cảnh để phân tích thì việc tính toán này là chưa có cơ sở. Lý do là mỗi nơi có một cách tính toán, chi phí và cách vận hành chống ngập khác nhau. Do đó, cần phải lập nghiên cứu nhiều dự án mới khả thi và đưa ra kết quả tốt nhất.