|
TS Vũ Văn Tích - Trưởng ban KHCN ĐHQG Hà Nội giới thiệu về mô hình khởi nghiệp spin off trong trường đại học |
Mở đầu buổi hội thảo, TS Vũ Văn Tích đã giới thiệu về mô hình khởi nghiệp spin off và cho biết, mô hình này đã tồn tại với hệ thống đại học ở các nước phát triển rất nhiều năm nay. Với Việt Nam, đây là việc hoàn toàn mới và hiện mới chỉ có một số rất ít trường thực hiện. Khó khăn là dù đã có quy định cho phép trường đại học thành lập doanh nghiệp nhưng Luật Công chức Viên chức chưa có điều khoản mở để cán bộ, giảng viên tham gia doanh nghiệp. Không chỉ có vậy, cơ chế về sử dụng nhà đất của các trường công lập cho ươm tạo doanh nghiệp cũng chưa có cơ chế rõ ràng.
Tuy nhiên, việc triển khai mô hình khởi nghiệp spin off trong các trường đại học không vì thế mà không thể thực hiện và thương hiệu của các trường phải được đánh giá bằng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp thành công bên cạnh các tiêu chí khác. Nhà trường phải tạo điều kiện cho thầy và trò trong việc biến các ý tưởng, công nghệ trở thành sản phẩm thương mại hóa được với thị trường.
Còn theo TS Trần Văn Bình - nguyên Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Một thành viên BK Holding của Đại học Bách khoa Hà Nội, cách đây hơn 10 năm sau khi thành lập BK Holding, vườn ươm khởi nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội đã ươm tạo được rất nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp.
|
TS Trần Văn Bình - nguyên Chủ tịch HĐTV Công ty BK Holding giới thiệu về mô hình Vườn ươm Khởi nghiệp ở Đại học Bách khoa Hà Nội
|
Để làm được việc đó, ngoài việc tập trung phát triển các sản phẩm công nghệ có khả năng thương mại hóa, nhà trường còn phải gọi được vốn cho các spin off và rất may là không ít người trong cộng đồng cựu sinh viên rất quan tâm đến hoạt động này và sẵn sàng đầu tư. Chính vì vậy, bên cạnh nhiều hoạt động khác của các đại học, theo TS Trần Văn Bình thì công tác cựu sinh viên là rất quan trọng vì vừa tạo được mối gắn kết cộng đồng vừa chính là nguồn đầu tư cho các nghiên cứu và hoạt động khởi nghiệp của các thế hệ sau.
Tuy nhiên, sự thành công hay không của các mô hình khởi nghiệp trong trường đại học không chỉ là công nghệ mà khâu thương mại hóa là rất quyết định. Vì thế, chủ nhân các ý tưởng công nghệ chỉ nên là giám đốc kỹ thuật, còn giám đốc kinh doanh, giám đốc điều hành nên là những người có trình độ và được đào tạo về kinh tế, quản trị kinh doanh song vẫn là lý tưởng nếu giám đốc điều hành có cả chuyên môn về kỹ thuật lẫn quản trị kinh doanh.
Đóng góp thêm ý kiến, ThS Đỗ Nguyên Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác Doanh nghiệp, Đại học Công nghiệp Hà Nội cho biết, còn rất nhiều thực tế không thuần túy kỹ thuật như thẩm mỹ công nghiệp là những kiến thức mà các nhà khởi nghiệp cần phải biết đến cho dù khâu này là đi thuê bên ngoài. Một sản phẩm, công nghệ dù tốt đến đâu nhưng không có hình thức, kiểu dáng hấp dẫn về thị hiếu khách hàng cũng khó lòng chiếm lĩnh thị trường. Chính vì thế, ngoài các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên như đã thực hiện, các nhà trường còn phải tổ chức cung cấp rất nhiều kiến thức khác cho các đối tượng tham gia.