Phát biểu khai mạc, ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc VNU-CSK cho biết, du lịch là một thị trường có đầy tiềm năng ở Việt Nam và khởi nghiệp sáng tạo vào thị trường này là hoàn toàn khả thi. Cùng với sự hỗ trợ của công nghệ, nhiều bạn trẻ đã lựa chọn khởi nghiệp về du lịch với những mô hình mới như du lịch cộng đồng, kinh doanh du lịch trực tuyến, dịch vụ đặt phòng, dịch vụ đặt vé máy bay... Một số startup đã thành công khi tận dụng được xu hướng công nghệ và giải quyết được các vấn đề lớn của khách hàng như Triip.me, VNTrips, Tripi... Tuy nhiên theo ông thì các hoạt động kinh doanh du lịch vẫn còn những tồn tại như chưa có sự kết nối đồng bộ giữa các doanh nghiệp và địa phương du lịch. Nguồn lực hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp vừa thiếu, vừa yếu cùng trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...
ông Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp ĐHQG Hà Nội
|
Là đối tác của VNU-CSK, ông Lý Đình Quân - giám đốc Songhan Incubator cho biết, tổ chức của ông mới thành lập từ đầu năm 2017 với tư cách là một cơ quan hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân 100% tại Đà Nẵng song đã có nhiều hoạt động ở cả 3 miền của đất nước. Đối tượng chính mà Songhan Incubator nhắm đến là sinh viên với 3 mức độ đào tạo là tạo cảm hứng (2 ngày miễn phí), ươm tạo (4 tháng) và tăng tốc (sau thời gian đó). Theo ông, điều quan trọng cần làm hiện nay không chỉ riêng với các đại học là phải giáo dục khởi nghiệp và tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ riêng trong một khoa, ngành nào đó. Ông cũng cho biết, với những người đi làm khởi nghiệp như mình thì quá trình thực hiện là cho trước, nhận sau (give again) để các đối tượng tham gia nhận được rất nhiều sự hỗ trợ và thậm chí cả về vốn và đến khi thành công mới có trách nhiệm đóng góp trở lại.
Ông Lý Đình Quân - Giám đốc Songhan Incubator
|
Ông Nguyễn Tiến Trung - Giám đốc Công ty Cổ phần Khởi nghiệp Quốc gia thì cho biết, bản thân mình sau khi tốt nghiệp đại học từng làm việc cho một nhà đầu tư có tên tuổi của nước ngoài. Tuy nhiên, sau 10 năm làm việc, ông nhận thấy cần phải khẳng định chính mình nên đã từ chối những ưu ái của nhà đầu tư này để tự khẳng định mình trên thương trường và với kinh nghiệm của mình thì lĩnh vực cần làm chính là hỗ trợ và tư vấn khởi nghiệp cho các bạn trẻ. Ông đề nghị trong thời gian tới, VNU-CSK cần có những buổi gặp mặt với sinh viên để đưa ra yêu cầu và trong thời gian chỉ 5 phút, các sinh viên phải đưa được ra ý tưởng khởi nghiệp của mình.
Bà Nguyễn Huyền Phương - người sáng lập Dự án Tình nguyện Giáo dục (VEO) cho biết, trong các hoạt động của mình, việc tổ chức cho các bạn trẻ và cả các đối tượng người nước ngoài đến với nông thôn và miền núi cũng là một hoạt động du lịch. Với việc làm này, người dân các địa phương vừa thu được tiền từ du khách vừa được các du khách đóng góp bằng các hoạt động có ý nghĩa như làm đường, trồng cây...
Theo ông, Lý Đình Quân, điều quan trọng nhất của khởi nghiệp là ngoài ý tưởng, tiền vốn và công nghệ thì các bạn trẻ phải biết quản trị doanh nghiệp để hoạt động của mình đem lại giá trị và sinh lời. Nếu làm tốt được điều đó, vốn đầu tư sẽ đến với họ từ xã hội bởi các nhà đầu tư tài chính và doanh nghiệp của họ nếu hấp thụ được sẽ có sự phát triển rất tốt.
Các diễn giả tại phần giao lưu của buổi tọa đàm
|
Kết luận buổi tọa đàm, ông Vương Quốc Thắng cho biết, trong thời gian tới VNU-CSK và Songhan Incubator sẽ hợp tác với Khoa Du lịch của ĐHQG Hà Nội cùng các khoa khác để thúc đẩy các dự án khởi nghiệp của trong lĩnh vực du lịch. Không chỉ dừng lại ở đó, ban tổ chức cũng sẽ kết nối với sinh viên của các ngành mỹ thuật và kiến trúc - nơi mà sinh viên rất chủ động đi thực tế ở những nơi còn hoang sơ nhưng rất có tiềm năng du lịch.