TS Vương Quốc Thắng: "Yếu về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp khiến sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng"

VietTimes - Khởi nghiệp đang là một xu thế "nóng" không chỉ với sinh viên đại học, cao đẳng hiện nay mà còn với những người có quyết tâm làm giàu. Nhân dịp đầu năm mới, tiến sỹ Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ khởi nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội đã có đôi điều chia sẻ với bạn đọc của VietTimes. 
TS Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQG Hà Nội.
TS Vương Quốc Thắng - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp, ĐHQG Hà Nội.

Xin ông cho biết đôi nét về Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và những việc đã làm được trong thời gian qua, đặc biệt là năm 2018?

Gắn liền với triết lý và định hướng phát triển Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) trở thành một tổ hợp đại học về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tháng 3/2017, ĐHQGHN đổi tên và bổ sung chức năng nhiệm vụ của Trung tâm Hợp tác và Chuyển giao Tri thức (được thành lập năm 2011) thành Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp với chức năng nhiệm vụ chính là hoạt động về Sở hữu trí tuệ, Giám định công nghệ, chuyển giao tri thức và thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp bên trong và ngoài ĐHQGHN.

Trong thời gian qua, bằng nỗ lực của cả tập thể cán bộ viên chức của Trung tâm, chúng tôi đã có nhiều hoạt động rất có hiệu quả và đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ĐHQGHN cũng như sự phát triển của đất nước đối với các lĩnh vực của chúng tôi hoạt động. Đặc biệt là trong năm 2018, chúng tôi đã nỗ lực hết mình để tạo nên những kết quả rất khích lệ trong đó phải nêu ra là đối với hoạt động Sở hữu trí tuệ, chúng tôi đã có nhiều giải pháp cụ thể và đồng bộ để tăng số lượng đơn đăng ký tại Cục Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) và Cục Bản quyền Tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch).

Chúng tôi cũng đã xây dựng được khung chương trình đào tạo về hoạt động Sở hữu trí tuệ để tiến tới tổ chức đào tạo cho toàn ĐHQGHN đối với học viên cao học và Nghiên cứu sinh, hoạt động Giám định công nghệ đã được chúng tôi triển khai đáp ứng yêu cầu đối với nhu cầu Giám định công nghệ phục vụ hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu và nhu cầu của xã hội về giám định công nghệ.

Đối với hoạt động chuyển giao tri thức chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu các sản phẩm là kết quả nghiên cứu cũng như tổ chức kết nối giữa các nhà khoa học với doanh nhân, giữa doanh nghiệp và địa phương với nhà trường nhằm thúc đẩy các hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu hay là đặt hàng nghiên cứu của doanh nghiệp với các nhà khoa học như Tập đoàn LG (Hàn Quốc) và nhiều doanh nghiệp đã có những yêu cầu cụ thể về nghiên cứu phát triển thông qua các giao kết với chúng tôi.

Trung tâm liên tục tổ chức các hoạt động hoạt động có sức lan tỏa, đem lại giá trị cho cộng đồng khởi nghiệp và nghiên cứu khoa học. Trong hoạt động khởi nghiệp, đầu tiên phải kể tới là Chuỗi chương trình Café Business Startup được tổ chức hàng tháng với nhiều chủ đề giúp gắn kết các nguồn lực trong hệ sinh thái, chung tay hỗ trợ cho khởi nghiệp. Chương trình “Ngày hội khởi nghiệp Thủ đô 2018” được tổ chức với 6 hoạt động lớn thu hút sự tham dự của đông đảo cộng đồng khởi nghiệp thủ đô và các tỉnh lân cận cùng đại diện của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.

Một buổi tọa đàm về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp tổ chức trong năm học 2017 - 2018.
Một buổi tọa đàm về khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch do Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp tổ chức trong năm học 2017 - 2018. 

Đối với các dự án khởi nghiệp sáng tạo, chúng tôi kết nối đội nhóm và cử chuyên gia cố vấn trực tiếp với các dự án, đồng thời đào tạo nâng cao kiến thức kỹ năng cho các nhà sáng lập. Năm 2018, một số dự án được hỗ trợ từ Trung tâm đã có sự trưởng thành vượt bậc, đạt được giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp uy tín của cả nước như Cuộc thi khởi nghiệp của Techfest 2018 - Cuộc thi khởi nghiệp quốc gia. Có một số dự án khởi nghiệp đang trong quá trình tăng tốc, chúng tôi tổ chức các buổi Pitching để cho các dự án thuyết phục các Quỹ, nhà đầu tư đầu tư vào các dự án.

Bên cạnh đó, chúng tôi cùng với Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức phát sóng Chương trình “Ươm mầm Khởi nghiệp” vào ngày 02/9/2018. Đây là Chương trình phát thanh về khởi nghiệp đầu tiên tại Việt Nam, nơi các dự án khởi nghiệp được các chuyên gia khởi nghiệp tư vấn giải quyết các khó khăn gặp phải, được giới thiệu sản phẩm, dịch vụ và kết nối với đông đảo thính giả trong và ngoài nước.

Trong hoạt động chuyển giao tri thức, kết nối cung cầu KHCN, Trung tâm đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo chuyển giao những sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, đồng thời kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học thông qua sàn giao dịch công nghệ, tổ chức các khóa đào tạo về kỹ năng đàm phán chuyển giao, mua bán công nghệ.

Qua từng hoạt động được tổ chức, có thể nói hình ảnh và thương hiệu của Trung tâm đã dần được khẳng định.

Tham vọng trong thời gian tới của Trung tâm là gì thưa ông?

Tôi rất thích cái từ “tham vọng”, tuy nhiên với năng lực và khả năng hiện có thì tôi chỉ muốn đề cập đến mong muốn trong thời gian tới đó là:

Đối với hoạt động Sở hữu trí tuệ: chúng tôi mong muốn được phổ cập kiến thức và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ cho mọi sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh của ĐHQGHN, chúng tôi cố gắng góp phần thúc đẩy tăng nhanh về số đơn đăng ký bảo hộ sáng chế cũng như được cấp nhiều bằng bảo hộ sáng chế cho toàn ĐHQGHN.

Đối với hoạt động Giám định công nghệ: Trở thành đơn vị dẫn đầu trên cả nước về hoạt động này trong khối các Đại học và viện trường.

Đối với hoạt động chuyển giao tri thức: Nỗ lực trở thành đơn vị hàng đầu trong hệ thống các sàn kết nối khoa học và công nghệ trên cả nước về hoạt động chuyển giao các kết quả nghiên cứu. Đặc biệt, việc thúc đẩy các doanh nghiệp Khởi nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ trong những năm tiếp theo.

Đặc biệt ĐHQGHN là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ lớn hàng đầu đất nước. Thời gian qua, ĐHQGHN luôn chú trọng phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học ứng dụng gắn với doanh nghiệp, hướng tới khởi nghiệp, theo phương châm “KH&CN là động lực phát triển đại học nghiên cứu và hướng tới tự chủ và xếp hạng đại học từ các kết quả khoa học mới, sản phẩm khoa học mới, chương trình đào tạo mới có chất lượng và gắn với nhu cầu thực tiễn”. Do vậy hoạt động hỗ trợ Khởi nghiệp chúng tôi mong muốn trở thành là điểm sáng của Hà Nội cũng như trên cả nước, đóng góp quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam.

Chúng tôi mong muốn sẽ tạo ra được vườn ươm khởi nghiệp đúng với tầm tri thức của ĐHQGHN mà ở đó sẽ ươm tạo ra được nhiều startup có giá trị nhiều triệu USD và thậm chí là hàng tỷ USD trong tương lai, tạo ra sức lan tỏa lớn trong cộng đồng khởi nghiệp trong nước và thế giới. Cũng như chúng tôi cố gắng để trở thành là cái cổng về tri thức mới được kết nối với thế giới tri thức hay các ý tưởng sáng tạo khắp nơi trên thế giới và được thu hút về ươm tạo tại vườm ươm của chúng tôi.

Với những nền tảng đã xây dựng trong thời gian qua, chúng tôi tin tưởng sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh hơn nữa để đóng góp vào sự phát triển của khởi nghiệp và khoa học công nghệ nước nhà.

Ông có quan tâm tới mảng nhân sự cấp cao cho các doanh nghiệp không?

Đối với một quốc gia muốn phát triển thì chất lượng nguồn nhân lực sẽ là quyết định, vì có ba thành tố quan trọng tạo nên đòn bẩy cũng như xung lực thúc đẩy cho nền kinh tế đó là: Chính sách - Khoa học và Công nghệ - Nguồn nhân lực chất lượng cao thì trong đó Chính sách cũng do con người tạo ra, Khoa học và công nghệ cũng do con người tạo ra, do vậy phổ quát chung là chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò then chốt cho một nền kinh tế phát triển. Do vậy, nhân sự cấp cao cho các doanh nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển cũng như duy trì được sự tăng trưởng và vị thế của doanh nghiệp trong nền kinh tế mà ngày càng có tính cạnh tranh khốc liệt hiện nay.

Vì thế, bản thân tôi cũng rất quan tâm đến việc đào tạo nền tảng về kỹ năng và tầm nhìn cho những sinh viên xuất sắc, có tinh thần và tư duy khởi nghiệp tốt để qua đó giúp các em có thể trở thành những nhân sự cấp cao trong tương lai. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ xúc tiến hợp tác với các doanh nghiệp nhằm giới thiệu cũng như phối hợp đào tạo để nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực cấp cao cho các doanh nghiệp có nhu cầu. Một trong những việc chúng tôi phải bắt tay làm ngay trong năm 2019 đó là tìm cơ hội trải nghiệm thực tế và đúng chuyên môn cho sinh viên ngay trong quá trình đi học ở các doanh nghiệp.

Hiện nay sinh viên ra trường vẫn không dễ xin việc, trong khi các doanh nghiệp lại vẫn không tuyển được lao động. Xin ông đánh giá nguyên nhân và theo ông cần phải làm gì để cải thiện tình hình?

Việc làm vẫn là một trong những vấn đề nóng bỏng của xã hội nói chung và sinh viên khi ra trường nói riêng. Mặc dù tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp cao, nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động. Điều đặc biệt là sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học có tỷ lệ thất nghiệp gấp 5 lần sinh viên tốt nghiệp từ các trường nghề.

Theo tôi, có 2 nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng trên:

Thứ nhất, sinh viên định hướng nghề nghiệp không rõ ràng. Tôi thấy rằng rất nhiều sinh viên ra trường chưa nghĩ nhiều về công việc, chưa thật sự tâm huyết vì công việc. Trong môi trường làm việc mà xu thế cạnh tranh đang ngày càng cao, nếu không có định hướng nghề nghiệp rõ ràng, làm sao có thể bảo đảm yếu tố gắn bó ở người lao động. Các doanh nghiệp sẽ khó có thể tuyển dụng nếu không nhìn thấy ở các bạn trẻ niềm say mê và tâm huyết nghề nghiệp.

Thứ hai, các bạn sinh viên nhìn chung còn yếu kỹ năng cũng như thiếu sự tự tin trong giao tiếp. Trong quá trình học tập, dường như các bạn bị chi phối bởi một tâm lý chung e ngại và thái độ đề phòng lẫn nhau đã cản trở các bạn tự tin trong giao tiếp, học tập cũng như trong quá trình khẳng định bản thân. Yếu về kỹ năng mềm, kỹ năng giao tiếp khiến sinh viên thất nghiệp ngày càng tăng, trong khi doanh nghiệp rất cần những yếu tố đó vì kiến thức họ có thể sẽ giúp sinh viên bù đắp nhưng kỹ năng thì không.

Nền giáo dục Việt Nam tuy chưa phát triển như các nước nhưng không phải vì thế mà đỗ lỗi cho việc thất nghiệp là từ phía các nhà trường. Tuy nhiên, theo tôi các nhà trường hoàn toàn có thể hỗ trợ cho sinh viên bổ sung những kiến thức, kỹ năng thiết yếu cần thiết cho công việc. Nhà trường có thể tổ chức chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và tư duy khởi nghiệp để sinh viên có những nền tảng cơ bản cũng như định hình rõ ràng con đường khởi nghiệp, việc làm. Đối với các bạn sinh viên, các bạn cần tích cực tham gia các lớp kỹ năng tìm việc, các hoạt động xã hội, buổi nói chuyện chuyên đề để có thể giao tiếp tự tin và làm hồ sơ chuyên nghiệp hơn.

Để có được việc làm như ý, các bạn sinh viên cũng cần phải chủ động học hỏi và bổ sung thật nhiều những kiến thức, kỹ năng và các tố chất cần thiết khác như học thêm vi tính, tiếp cận với công nghệ thông tin trong thời đại công nghệ phát triển, học thêm ngoại ngữ hướng tới mục đích có thể thực hành giao tiếp tốt, phát âm chuẩn, dùng ngoại ngữ để thuyết trình được các vấn đề chuyên môn. Chỉ có như vậy mới mong kiếm được một công việc ổn định và phù hợp với chuyên ngành mình được đào tạo trong nhà trường.

Bước sang năm mới, ông có điều gì muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ và cộng đồng?

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, tôi chúc các bạn trẻ hãy có thật nhiều khát vọng. Các bạn hãy đặt cho mình những mục tiêu, những kế hoạch, những dự định trong tương lai và đừng quên trang bị cho mình những hành trang kiến thức, kinh nghiệm để vững bước trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Hãy luôn vững tin vượt qua thử thách tiến về phía trước.

Năm 2019 sẽ là năm bứt phá để tăng tốc phát triển của nền kinh tế - xã hội. Tôi xin chúc cho cộng đồng khởi nghiệp, khoa học công nghệ một năm mới với nhiều thành công mới.

Xin cám ơn ông và tin tưởng cho những thành công trong năm mới!