Thuận khát khao đối thoại giữa những đứt gãy văn hóa

VietTimes – Miệt mài sáng tạo với đủ các thể nghiệm và cung bậc khác nhau, nhà văn Thuận để lại dấu ấn đặc biệt trong đời sống văn chương đương đại,  những liên văn bản về bức tranh khủng hoảng kinh tế, chính trị và di dân.
Nhà văn Thuận định cư tại Paris, tác giả của 8 tiểu thuyết và là dịch giả của một số cuốn sách dịch từ tiếng Pháp
Nhà văn Thuận định cư tại Paris, tác giả của 8 tiểu thuyết và là dịch giả của một số cuốn sách dịch từ tiếng Pháp

Các sáng tác của Thuận luôn chứa đựng những mảnh đời sống phồn tạp với vô vàn cung bậc và sự biến hóa linh hoạt, thể hiện những trạng thái nhân sinh rã rời của quan hệ con người với con người trong một thế giới luôn bị chia cắt, xáo trộn, hiểm họa, mâu thuẫn và đối kháng văn hóa. Nhân dịp ra mắt cuốn tiểu thuyết thứ 8 “Thư gửi Mina” (không kể một số cuốn sách khác mà Thuận là dịch giả), nhà văn đã dành cho VietTimes một cuộc phỏng vấn thú vị.

Phóng viên: Ở tiểu thuyết “Thư gửi Mina”, vấn đề thời sự nóng bỏng liên quan đến dân nhập cư được tái hiện dưới hình thức những bức thư viết liên tục trong vòng 2 tuần gửi cô bạn học cũ Mina, cựu du học sinh gốc Afghanistan. Có phải tiểu thuyết này thể hiện khao khát được đối thoại với một người biết thế nào là tha hương, thế nào là kỳ thị, là những đứt gãy với cố quốc, thưa chị?

Nhà văn Thuận: - Thể hiện câu chuyện qua những bức thư có lẽ trước tiên là vấn đề của hình thức. Tôi luôn cố gắng tìm cho các tiểu thuyết của mình những cấu trúc khác nhau. Thư là một cách khá lý tưởng để có thể chuyển từ chủ đề này sang chủ đề kia, từ thời gian này sang thời gian kia, nơi chốn này sang nơi chốn kia… Nhưng cũng chính vì sự “lộn xộn” ấy mà tôi lại phải tìm thêm cách để xâu kết mọi thứ thành một tổng thể. Nói cho cùng thì nhân vật chính viết thư, nhưng tôi thì viết văn.

"Thư gửi Mina" không hẳn là đối thoại: nhân vật chính viết thư cho Mina với ý thức rằng sẽ không bao giờ nhận được hồi âm. "Thư gửi Mina" cũng không hoàn toàn là “độc thoại”: người viết luôn xưng “tao” và gọi Mina là “mày”. Đương nhiên, không phải vô tình mà Mina đã được chọn để gửi gắm tâm tư. Nếu thay Mina bằng một người khác, ví dụ: không phải Mina bạn học cũ và gốc Afganistan, mà Mineá đồng nghiệp hiện tại và gốc Nhật Bản, thì những lá thư đó hẳn là sẽ thay đổi đôi chút, nhưng tôi đoán là chỉ thay đổi về mặt cảm xúc, chứ Mina hay Mineá chỉ là những cái cớ để nhân vật chính thổ lộ nỗi niềm và tôi ngồi vào bàn thực hiện một dự định đã tương đối chín muồi cần phải được viết ra.

- Chị có đồng ý với nhận định cái tên nhà văn Thuận từ lúc xuất hiện đã gây được sự chú ý, bởi chọn ngay cho mình một bút danh “lạ”, chỉ độc một từ không tên đệm, không họ; như thể phản ánh thân phận trơ trọi, cô độc của một di dân?

- Với tôi, bút danh không quan trọng lắm, càng đơn giản càng tốt. Độc giả có thể diễn giải theo cách của họ.

Tuy thế tôi không nghĩ rằng nguồn gốc của sự cô độc hay “trơ trọi” của tôi xuất phát từ việc tôi là di dân. Nếu tôi nhớ không nhầm, Camus tác giả của L’étranger đã viết: “Nhà văn là người xa lạ trên chính quê hương của mình”. Cô độc hay xa lạ, ở đây có lẽ nên được hiểu là tính khác biệt, sự không giống ai của những người làm nghề cầm bút. Và điều này thể hiện ở nhiều mặt: cảm xúc, quan sát, nhận định, bày tỏ, đặc biệt là ngôn ngữ: ví dụ, cũng là tiếng Việt, nhưng ngôn ngữ của nhà văn nhất định phải mang “chữ ký” riêng, chính nhờ nó mà độc giả nhận ra nhà văn giữa những người khác, chính nhờ nó chứ không phải cảm giác cô độc hay trơ trọi, mà ai đó có thể trở thành một nhà văn.   

- So sánh vui một chút thì “Chinatown” ấn hành năm 2004 có thể hình dung như một bản nhạc cổ điển tinh tế, nuột nà, dù có rất nhiều mới mẻ trong đó; “Paris 11 tháng 8” (2005), “T mất tích” (2007), “Vân Vy” (2009) có màu sắc của âm nhạc hiện đại, bung phá, khai mở; đến giai đoạn “Thang máy Sài Gòn” (2014), “Chỉ còn 4 ngày là hết tháng 4” (2015) và bây giờ là tiểu thuyết mới nhất “Thư gửi Mina”, văn chương của chị chẳng khác nào âm nhạc đương đại. Xuyên suốt cuốn sách là những phân tích nhằm làm cho mọi thứ sáng tỏ nhưng đến cuối cùng thì chẳng có bất cứ điều gì trở nên rõ ràng hơn. Sự thực là không phải ai cũng thưởng thức được nghệ thuật kiểu này? Chị nghĩ sao về nhận định trên với các cuốn tiểu thuyết của chị?

"Thư gửi Mina" là tiểu thuyết thứ 8 của Thuận, vừa được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam
"Thư gửi Mina" là tiểu thuyết thứ 8 của Thuận, vừa được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam

- Rất khó trả lời khi phải đặt văn chương bên cạnh âm nhạc hay hội họa. Đó là những lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, với hình thức thể hiện và tư duy riêng biệt. Có vẻ như văn chương ít trừu tượng nhất, vì ngôn ngữ của nó gần với ngôn ngữ hàng ngày của con người hơn cả.

Không phải ai cũng có thể vẽ hay chơi đàn, nhưng hầu như ai cũng có khả năng viết. Đơn giản là viết một câu chuyện, một tâm sự, một cảm xúc của bản thân. Cao hơn một chút là viết một câu chuyện, một tâm sự, một cảm xúc của một nhân vật tưởng tượng. Cao hơn nữa là đặt ra vấn đề: viết tất cả những điều đó như thế nào. Có lẽ đây chính là lúc mà người bình thường trở thành nhà văn.

Tôi luôn cố tìm những cách viết khác nhau cho từng tiểu thuyết của mình, nhưng có thể là đôi khi chúng cũng bị lặp lại. Tuy thế, “phân tích nhằm làm cho mọi thứ sáng tỏ” chỉ là hành động của nhân vật, chứ tác giả là tôi thì biết ngay từ đầu là càng về sau, mọi thứ càng trở nên phức tạp, càng có nhiều giả thuyết, càng buộc độc giả phải động não.

- Sau “Thư gửi Mina”, phong cách của chị dự kiến sẽ đi theo chiều hướng nào cho tác phẩm sắp tới?

- Tôi đang ấp ủ một tự truyện mà nhân vật chính lần này sẽ thuộc về bố tôi. Tôi cảm giác đã tìm thấy nhịp điệu và mạch truyện. Bố tôi là một người đặc biệt, cuộc đời ông có vẻ như không cần sự tác động của tôi thì bản thân nó đã là một tiểu thuyết. Thế nhưng, khi chưa viết ra thì mọi thứ vẫn chỉ là dự định. Tôi chưa ý thức hết được những khó khăn của một tự truyện.

Từ trước đến nay, dường như trí tưởng tượng bị tôi lạm dụng, tôi nhào nặn và lắp ghép không theo bất kỳ một qui luật nào những chi tiết, những câu chuyện mà tôi nghe được hay những con người mà tôi từng gặp. Nhưng viết về người thân đòi hỏi một sự thành thực rất cao. Tôi sẽ buộc phải tôn trọng những gì đã xảy ra, học đánh giá mọi việc một cách khách quan. Bố tôi sẽ thành nhân vật của tôi, bình đẳng với những nhân vật khác, sẽ trở thành đối tượng để tôi soi xét và mổ xẻ, thậm chí trêu chọc. Đó sẽ là một tác phẩm văn chương theo đúng nghĩa của nó và hẳn sẽ mang một số đặc tính từng tạo nên văn phong của cá nhân tôi.    

- Xin cảm ơn chị rất nhiều!

VỀ TÁC GIẢ

Thuận là nhà văn, dịch giả người Việt, tên đầy đủ là Đoàn Ánh Thuận. Tốt nghiệp khoa Anh ngữ Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Pyatigorsk (Liên bang Nga) năm 1991, học cao học văn học Anh cổ điển tại Đại học Paris 7 (1991-1992) và cao học văn học Nga đương đại tại Đại học Sorbonne (1992-1993), hiện định cư tại Paris.

Các tiểu thuyết đã xuất bản: Made in Vietnam (2002), Chinatown (2005), Paris 11 tháng 8 (2006), T mất tích (2007), Vân Vy (2008), Thang máy Sài Gòn (2013), Chỉ còn 4 ngày là hết tháng Tư (2015). Có5 tác phẩm trong số này đã được dịch và xuất bản ở Pháp, tiểu thuyết L’ascenseur de Saigon (Thang máy Sài Gòn) nhận giải thưởng Sáng tạo của Trung tâm sách quốc gia Pháp.