Từ góc nhìn của nhà nghiên cứu độc lập
Cuộc tọa đàm với sự tham gia của hai diễn giả TS. Nguyễn Đức Hiệp và TS. Nguyễn Thị Hậu đã hé lộ nhiều góc nhìn thú vị về nguồn gốc của những ngành công nghiệp và doanh nghiệp tại Sài Gòn và miền Nam Việt Nam giai đoạn từ cuối thế kỷ thứ 19 đến trước năm 1945.
TS. Nguyễn Thị Hậu đánh giá: “Những sự kiện lịch sử qua con mắt của những nhà nghiên cứu độc lập như TS. Nguyễn Đức Hiệp được nhìn nhận ở nhiều góc độ khác nhau, phong phú và đa ngành, bao quát nhiều lĩnh vực xã hội, kinh tế chứ không chỉ là sự kiện lịch sử nên rất sống động, khiến các nhà nghiên cứu trong giới chuyên môn phải nể phục”.
“Giai đoạn cuối thế kỷ 19 cho đến trước 1945 là giai đoạn thay đổi tầm nhìn của người dân Việt Nam, rất lý thú” – TS. Nguyễn Đức Hiệp nói.
Dưới thời Pháp thuộc, Sài Gòn-Chợ Lớn là trung tâm kinh tế, kỹ nghệ và thương mại ở Nam kỳ. Trong thời gian đầu, vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nền kinh tế chủ yếu dựa vào lúa gạo, cao su, các nông phẩm; các dịch vụ xây dựng và giao thông dựa vào đường thủy, đường sắt nối thị trường Nam kỳ, Cam Bốt với các nước.
Những năm đầu khi Pháp đặt chân đến Sài Gòn và Sài Gòn trở thành cảng thương mại tự do, rất nhiều công ty thương mại Tây phương đã có mặt ở Viễn Đông từ trước như Hồng Kông, Manila, Singapore, Yokohama. Các công ty này nhanh chóng đến thiết lập cơ sở ở Sài Gòn với thị trường mới là Nam kỳ mà khách hàng đầu tiên là chính quyền Pháp và đoàn lính viễn chinh có nhu cầu tạo lập cơ sở vì thế cần nhiều dịch vụ cung cấp.
Ở Sài Gòn, các công ty tư nhân lúc ban đầu nhắm vào dịch vụ hàng hải và xây cất cơ sở cho chính quyền Pháp đang cần để thiết lập bộ máy cai trị. Chính sách phát triển kinh tế của Pháp ở Đông Dương chỉ được thể hiện rõ dưới thời Toàn quyền Paul Doumer vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Chính sách của ông Doumer là sáp nhập các xứ Đông Dương vào một khối kinh tế phát triển liên đới với nhau và không còn phụ thuộc trợ cấp từ chính quốc. Để thực hiện điều này, chính quyền thuộc địa Đông Dương cần phải có tư bản đầu tư vào phát triển trước nhất cơ sở hạ tầng giao thông như đường hỏa xa, đường thủy nối các xứ với nhau. Chính sách nhà nước độc quyền sản xuất và buôn bán rượu, thuốc phiện và muối để tăng nguồn thu cho ngân sách trung ương và qua đó thu hút được tư bản từ Pháp mua trái phiếu Đông Dương để phát triển.
TS. khảo cổ Nguyễn Thị Hậu (trái) và TS. Nguyễn Đức Hiệp (giữa) với những góc nhìn thú vị về lịch sử doanh nghiệp và công nghiệp Sài Gòn và Nam kỳ
|
Vận chuyển đường thủy thì có công ty Messageries Fluviales de Cochinchine, đường xe lửa có Công ty xe lửa hơi nước Nam kỳ (Socíeté Générale des Tramways à Vapeur de Cochinchine) phục vụ tuyến đường nối Sài Gòn và Chợ Lớn, Công ty xe lửa Pháp (Cie Française des Tramways), đường Sài Gòn-Mỹ Tho.
Nhà máy rượu Bình Tây ở Chợ Lớn của Công ty rượu Đông Dương (Socíeté Française des Distilleries de l’Indo-Chine) là một công ty được độc quyền làm rượu ở Đông Dương và có ba nhà máy ở Hà Nội, Nam Định và Bình Tây (Chợ Lớn). Nhà nước độc quyền sản xuất và buôn bán rượu (cũng như thuốc phiện và muối) không những không có hiệu quả kinh tế tốt cho ngân sách mà còn làm mọi tầng lớp người dân ta thán gây ra sự bất bình, bất công, hối lộ và phản kháng qua các sự kiểm tra của sở đoan cấm người dân và các công ty khác làm rượu.
Các công ty người Việt ban đầu từ cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là các doanh nghiệp in ấn, xuất bản sách báo. Người Việt thực sự bắt đầu thay đổi tư tưởng trước kia coi nhẹ công nghiệp và thương mại khi các trí thức như các ông Nguyễn Phú Khai, Lương Khắc Ninh, Trần Chánh Chiếu, Nguyễn Chánh Sắt viết trên các tờ báo Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn từ các năm 1901 đến năm 1908 cổ vũ người Việt chú trọng về kinh tế sản xuất trong các lãnh vực nông nghiệp, công nghiệp và thương mại. Có phú cường và sức mạnh kinh tế trong xã hội thì người Việt mới có ảnh hưởng chính trị ở Nam kỳ.
Từ những ý tưởng này, để thật sự thực hiện, phong trào Minh Tân năm 1908 được ông Trần Chánh Chiếu khởi xướng kêu gọi người Việt tham gia vào thương trường cạnh tranh với người Pháp, Hoa và Ấn, hùn vốn lập ra các công ty, cơ sở thương mại như Nam kỳ Minh Tân công nghệ. Phong trào Minh Tân chỉ hoạt động trong một năm (1907-1908) nhưng để lại dư âm về sự cần thiết là người Việt phải giành lấy cán cân kinh tế, cho đến năm 1919 thì có sự bùng nổ của phong trào tẩy chay thương mại người Hoa ở Sài Gòn và Chợ Lớn và lan ra đến tận Bắc kỳ. Đây được coi là sự thức tỉnh lớn nhất của người Việt trong lịch sử tư tưởng cận đại.
Tiếp nối phong trào Minh Tân, đã có nhiều thương nghiệp và doanh nghiệp thành công như Công ty nước mắm Liên Thành, Công ty xà bông Trương Văn Bền và Công ty tín dụng An Nam được coi là ngân hàng đầu tiên của người Việt. Các công ty này được thành lập bởi những nhà tư sản, điền chủ theo Tây học, hoạt động có mục đích tốt đẹp và thành công ở thương trường, xứng đáng là những công ty tiên phong của người Việt vào đầu thế kỷ XX.
Vi lịch sử - rời bỏ những "đại tự sự"
T.S Nguyễn Đức Hiệp sinh ra ở Sài Gòn nhưng đã đến Austraylia du học từ năm 1974, tốt nghiệp ĐH Tây Úc và hoạt động như một nhà nghiên cứu về khí quyển ở Bộ Môi trường và Di sản Australia.
Nhà nghiên cứu độc lập – TS. Nguyễn Đức Hiệp cho biết ông lựa chọn tập trung nghiên cứu vi lịch sử (micro history), đi sâu vào một không gian hẹp hoặc thời gian cụ thể, thường là rất ngắn bởi vì: “Lịch sử vĩ mô nói về những hoàn cảnh xã hội nên quá lớn lao còn lịch sử vi mô lại gắn chặt với đời sống con người, chẳng hạn như lịch sử của một ngôi nhà, một con phố, một cái tên địa danh... nên rất thú vị, có sức hấp dẫn lớn với bất cứ ai”.
Rất đông các bạn trẻ quan tâm đến góc nhìn vi lịch sử về doanh nghiệp và công nghiệp của TS. Nguyễn Đức Hiệp
|
“Rời bỏ những đại tự sự để đi vào từng góc nhỏ thuộc về đời sống con người đã là xu hướng của thế giới từ khoảng 50 năm trở lại đây. Nhưng ở Việt Nam thì vẫn rất thiếu điều kiện để xuất hiện những nhà nghiên cứu đi theo hướng vi lịch sử - TS. Nguyễn Thị Hậu đánh giá – Khi chúng tôi đi ra ngoài, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu nước ngoài, họ thường thắc mắc sao lịch sử Việt Nam chỉ có chiến tranh? Vậy đời sống con người Việt Nam trước chiến tranh như thế nào? Tính cách nào, tố chất nào đã giúp người Việt đi qua được các cuộc chiến tranh?... Khi sang Nhật chẳng hạn, nhìn vào danh mục nghiên cứu mới thấy giật mình vì các nhà nghiên cứu của bạn đã làm rất kỹ tới từng vấn đề rất nhỏ của đời sống và xã hội Nhật. Nghiên cứu vi lịch sử giúp hoàn thiện từng mảnh ghép để hình thành bức tranh tổng thể về lịch sử một cách chính xác nhất, không thiên lệch bởi bất cứ cái gì”.