“Văn kiện bom tấn”
Ngày 11/6 vừa qua, các cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Quân ủy, Văn phòng Quốc Vụ viện cùng nhau ban hành “Ý kiến chỉ đạo về việc đi sâu thúc đẩy quân đội đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh làm dịch vụ thu tiền”; coi đây là cơ sở để thúc đẩy việc chấm dứt mọi hoạt động làm dịch vụ của quân đội.
Các hoạt động làm dịch vụ với bên ngoài của quân đội bao gồm các bệnh viện quân y mở cửa với dân chúng, cho phép tư nhân thuê kho tàng, mời các đoàn văn công quân đội biểu diễn, các công ty công trình quân đội nhận thầu công trình bên ngoài và các nhà trường quân đội nhận đào tạo hóc sinh dân sự.
Văn bản chung được coi là “văn kiện bom tấn” này nhấn mạnh: đến cuối năm 2018 phải đình chỉ toàn bộ mọi loại hoạt động dịch vụ thu tiền của các đơn vị toàn quân. Đáng chú ý, Tân Hoa xã hôm 31/5/2017 từng phát đi bản tin trong đó nói rõ: việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của quân đội được tiến hành theo hai bước và hoàn thành vào tháng 6/2018. Nay thời hạn hoàn thành bị lùi đến cuối năm cho thấy công tác đình chỉ hoạt động kinh doanh của quân đội đã gặp trở lực. Ngoài ra “Ý kiến chỉ đạo…” còn yêu cầu tất cả các diện tích nhà đất không sử dụng đến, đất đai dùng cho tăng gia sản xuất nghề phụ, các cơ sở nhà khách, chiêu đãi sở…đều do Quân ủy tập trung quản lý và điều hành thống nhất.
Thực hiện Giấc mộng Trung Hoa và Giấc mộng cường quân là mục tiêu ông Tập Cận Bình nhắm tới khi
cải cách quân đội
|
Lãnh đạo trung ương yêu cầu lãnh đạo đảng ủy các cấp phải đích thân nắm và xử lý các hạng mục phức tạp, nhạy cảm, đảm bảo hoàn thành đình chỉ mọi hoạt động kinh doanh, làm dịch vụ đúng kỳ hạn, coi đây là “nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ quốc gia, nhiệm vụ cường quân”.
Việc cải cách tất yếu đụng chạm đến quyền lợi của các nhóm lợi ích. Có học giả ở Bắc Kinh cho rằng, hoạt động kinh doanh dịch vụ của quân đội đã bám rễ rất chắc trong một số ngành nghề, lĩnh vực; một số đơn vị coi thu nhập từ việc làm dịch vụ là nguồn thu chủ yếu để tự bảo đảm đời sống, tư tưởng mưu lợi đã trở thành tư tưởng thâm căn cố đế.
Quân đội Trung Quốc do tính chất đặc thù, thường không bị báo chí nhòm ngó đến; nhưng trong môi trường hòa bình, những thông tin từ kinh doanh đến tham nhũng hủ bại của quân đội, nhất là giới tướng lĩnh cao cấp trở thành những tin nóng được lan truyền trong xã hội. Nhiều cứ liệu cho thấy tính chân thực của những tin đồn về các vụ bê bối đó. Hồi tháng 1/2013, Tổ chức “Minh bạch quốc tế” lần đầu tiên đưa ra bản đánh giá, xếp hạng về mức độ liêm chính và hủ bại của quân đội các nước đối với 82 quốc gia, Quân đội Trung Quốc với số quân đông nhất thế giới được xếp vào hàng “nguy cơ cao” đồng hạng với các quân đội Angola, Cameroon và Ai Cập. Tổ chức “Minh bạch quốc tế” chỉ rõ: vấn đề lớn nhất của quân đội Trung Quốc là “buôn bán vũ khí, nhiều quan chức, sĩ quan và các xí nghiệp quân đội tạo thành chuỗi lợi ích dính với nhau bởi những món lợi nhuận khổng lồ”.
Năm 1998, Chủ tịch Quân ủy khi đó, ông Giang Trạch Dân từng ra lệnh cấm quân đội kinh doanh, nhưng không thể chấm dứt được các hoạt động làm dịch vụ thu tiền của quân đội. Mãi đến nay, trước vấn đề do lịch sử để lại đó, cuộc cải cách quân đội mạnh mẽ do ông Tập Cận Bình phát động từ mấy năm nay, lại một lần nữa phải trì hoãn.
Quân đội kinh doanh: “băng dày một thước, không thể tan ngay”
Thập kỷ 90, hoạt động làm kinh tế của quân đội Trung Quốc diễn ra tràn lan khắp các quân binh chủng, địa phương. Đặc biệt các hoạt động buôn lậu qua biên giới diễn ra gay gắt; đã có những vụ tàu hải quân chở ô tô nhập lậu bị báo chí phanh phui; hoạt động cho thuê doanh trại, thậm chí nhượng bán nhà xưởng đất đai của quân đội diễn ra khắp nơi.
Các bệnh viện quân đội sẽ bị cấm làm dịch vụ chữa bệnh thu tiền từ dân chúng
|
Năm 1998, Giang Trạch Dân, Chủ tịch Quân ủy khi đó đã ra lệnh cho quân đội đóng cửa các hoạt động làm kinh tế; yêu cầu tập trung vào việc xây dựng quân đội thành đội quân tác chiến chuyên nghiệp. Thế nhưng ông Giang Trạch Dân lại không cấm quân đội mở hoạt động dịch vụ thu tiền. Trong quân đội Trung Quốc có một lực lượng chuyên làm kinh tế là Cảnh sát Vũ trang, trong đó có “Bộ đội Hoàng kim” chuyên khai thác vàng hay “Bộ đội Đường sắt” chuyên làm nhiệm vụ xây dựng đường sắt.
Tháng 2/2016, Chủ tịch Quân ủy Tập Cận Bình đã ban hành văn bản cấm toàn bộ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ của quân đội, trong đó có bộ đội Cảnh sát vũ trang. Văn bản này được coi là đưa ra để bịt chặt lỗ hổng trong quản lý quân đội để lại từ thời Giang Trạch Dân.
Hoạt động kinh doanh của quân đội được nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đề ra năm 1985 như một trong những biện pháp chú trọng phát triển kinh tế để giải quyết vấn đề tự cấp tự túc của quân đội, giảm bớt gánh nặng về chi phí quốc phòng cho quốc gia.
Thế nhưng, quân đội đã lợi dụng cơ hội này để tiến hành các hoạt động kinh tế quy mô lớn. Cho đến cuối thập niên 1990, lãnh đạo trung ương mới phát hiện ra vấn đề giới tướng lĩnh cấp cao của quân đội đã dựa vào đặc quyền đó để trục lợi.
Báo chí từng phanh phui có viên tướng hải quân đã đưa tàu chiến cập cảng nước ngoài để chở đồ điện tử và ô tô nhập lậu về nước. Tác giả cuốn “Hồ Cẩm Đào tân truyện” viết: quân đội Trung Quốc dưới thời Giang Trạch Dân đã tha hóa hủ bại hơn bất cứ thời kỳ nào. Tháng 9/1998, Thủ tướng Chu Dung Cơ đã phát biểu tại Hội nghị chống buôn lậu toàn quốc: mấy năm gần đây, kim ngạch buôn lậu mỗi năm tới 800 tỷ NDT (125 tỷ USD), trong đó ít nhất 500 tỷ NDT là của quân đội, nếu tính mức thuế suất là 1/3 giá trị hàng hóa thì số tiền trốn thuế lên tới trên 150 tỷ tệ.
Ngày 11/7/1998, phát biểu tại Hội nghị cán bộ cao cấp của Quân giải phóng (PLA) và Cảnh sát Vũ trang, Giang Trạch Dân tuyên bố: “QGP và CSVT phải tích cực thanh lý các công ty kinh doanh làm kinh tế trực thuộc; từ nay về sau nhất định không được tiếp tục hoạt động kinh doanh nữa”. Tuy nhiên mệnh lệnh đó đã bị vô hiệu hóa. Thực tế chứng minh, quân đội khi đó không hề ngừng việc kinh doanh, chỉ chuyển giao các hạng mục không sinh lợi cho địa phương. Sau khi có tuyên bố của ông Giang Trạch Dân thì quân đội bắt đầu che đậy hoặc chuyển sang các kiểu kinh doanh biến tướng.
Trong thời gian ông Hồ Cẩm Đào thay thế ông Giang Trạch Dân nắm quyền lãnh đạo Quân ủy cũng đã ra hàng loạt chỉ thị và chính sách; nhưng một số đơn vị và cơ quan quản lý giám sát vẫn không làm nghiêm, khiến hoạt động kinh doanh của quân đội tồn tại cả vấn đề mở rộng trong phạm vi ngành nghề và đơn vị, loạn thu loạn chi và sử dụng các các ngành nghề dịch vụ kiếm lợi.
Ngày 21/7/2010, Hội nghị lần 1 Tổ lãnh đạo công tác quản lý hoạt động dịch vụ đối ngoại toàn quân được tổ chức tại Bắc Kinh; Chủ nhiệm Tổng bộ Hậu cần khi đó là Liêu Tích Long và Phó chủ nhiệm Cốc Tuấn Sơn đều dự. Điều khôi hài là tháng 2/2012, Cốc Tuấn Sơn bị bắt vì phạm tội tham ô, nhận hối lộ, biển thủ tiền công và lạm dụng chức quyền, Liêu Tích Long cũng nhiều lần có tin đồn bị điều tra.
Lần này, việc cấm toàn hoàn hoạt động kinh doanh dịch vụ lẽ ra phải được thực hiện vào cuối tháng 6/2018, nay lại phải lùi tới cuối năm, rõ ràng đã gặp phải trở lực lớn. Có ý kiến phân tích cho rằng, vấn đề kinh doanh của quân đội Trung Quốc đã tồn tại suốt hơn 30 năm qua, “băng dày một thước, không thể tan ngay”, vấn đề này đã trở nên thâm căn đế cố, vì vậy giải quyết việc quân đội kinh doanh không hề dễ dàng.
Đến cuối năm nay quân đội có thực sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh, dịch vụ được hay không đang là một thách thức lớn đối với Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình
|
Tờ báo của quân đội Trung Quốc cũng viết bài cho rằng, “xu thế tổng thể của việc xây dựng tác phong là tốt đẹp, đồng thời vấn đề thói hư tật xấu cũng vẫn còn, gốc rễ của vấn đề chưa được giải quyết. Những thứ đang giải quyết phần lớn là vấn đề nhìn thấy, sờ được, còn những vấn đề phía sau thì chưa xử lý được”.
Các nhà quan sát cho rằng do quân đội kinh doanh dính quá nhiều đến các nhóm lợi ích nên thực tế rất khó tìm ra và xử lý được chuyện “trên có chính sách, dưới có đối sách”; vì vậy liệu đến cuối năm nay quân đội có thực sự chấm dứt hoàn toàn hoạt động kinh doanh, dịch vụ được hay không thì còn phải chờ xem.