Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Hồng Tịnh về GDP tăng trưởng quý I thấp, quý II, III cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chúng ta luôn triển khai QI đủng đỉnh, thủ tục thì rườm rà, rắc rối cho nên chưa triển khai được xây dựng đầu tư. Nhưng đến quý II, quý III thì thúc đẩy mạnh mẽ nên có kết quả như vậy.
Tuy nhiên, Thủ tướng thừa nhận kết quả của I năm nay là rất thấp. “Chúng tôi đã họp bàn giải pháp cho cả 55 mặt hàng, để xử lý những vấn đề cụ thể. Chính vì thế, quý II, quý II kinh tế đã sôi động hẳn lên. Riêng quý III, phát triển kinh tế bằng 2 quý trước đó cộng lại”- Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng nhận mạnh đây là tăng trưởng của nhiều lĩnh vực. Như nông nghiệp, dịch vụ đều tăng rất cao. Đến thời điểm hiện tại, VN đã đón 5 triệu khách nội địa đi du lịch trong nước, trên 10 triệu khách quốc tế và nông nghiệp sẽ phấn đấu lần đầu xuất khẩu 35 tỷ USD.
Thủ tướng đánh giá thực trạng tăng trưởng trong quý I thấp, quý II, quý III tăng nhanh cũng là bình thường trong nhiều năm. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định: “chúng ta phải khắc phục tình trạng đủng đỉnh đầu năm, cuối năm vất vả để triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2018 chủ động hơn”
Đại biểu Lê Thanh Vân - Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách, nêu câu hỏi "Thủ tướng có hài lòng về việc chỉ đạo, điều hành của mình hay không?".
"Đây là câu hỏi hóc búa", Thủ tướng nói.
Theo Thủ tướng, năm 2017 là năm đầu tiên hoàn thành 13/13 chỉ tiêu do BCH Trung ương và Quốc hội đề ra.
Thủ tướng nhấn mạnh đây là nhờ sự cố gắng của cả hệ thống chính trị và người dân. Tuy nhiên, Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây mới chỉ là kết quả bước đầu; trong khi nền kinh tế Việt Nam quy mô còn nhỏ, nguồn lực còn hạn chế, thiên tai lũ lụt xảy ra thường xuyên…
"Hỏi có hài lòng không thì tôi cho rằng chưa hài lòng. Nếu mọi cán bộ trên cả nước làm hết sức mình thì chắc chắn kết quả tốt hơn. Đại biểu hỏi lo lắng nhất là gì? Đảng đã nhận định từ lâu, đó là tụt hậu; diễn biến hòa bình; tham nhũng; tình trạng suy thoái khiến "trên nóng dưới lạnh", một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu, xa dân", Thủ tướng nói.
Vì vậy, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ tiếp tục hành động, kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân, để không còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh"; tháo gỡ các điểm nghẽn về hạ tầng, nguồn nhân lực...
Về vấn đề xử lý tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước không cho phép chìm xuồng các vụ án tham nhũng. “Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng. Hệ thống hành pháp phối hợp tư pháp cùng các cấp ngành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đúng pháp luật, kịp thời và công khai" – Người đứng đầu Chính phủ nói.
Quyết liệt chấn chính hạn chế của các dự án BOT
Trả lời chất vấn về BOT, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xã hội hóa, huy động nguồn lực để xây dựng hạ tầng cho đất nước; trong những năm qua, lĩnh vực giao thông đã huy động được 210.000 tỷ đồng thông qua các dự án BOT.
Bên cạnh đó, lãnh đạo Chính phủ cũng nêu rõ nhiều dự án BOT còn hạn chế, tồn tại; quy hoạch chưa làm tốt, triển khai ồ ạt, có những tuyến đường khiến dư luận bất bình về nơi đặt trạm, về giá phí...
Ông cho biết, Chính phủ đang rà soát để quyết liệt chấn chỉnh các hạn chế của BOT; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về BOT để triển khai tốt hơn trong thời gian tới. Chính phủ cũng yêu cầu các cơ quan chức năng phải kiểm soát được tổng mức đầu tư, giá phí các dự án BOT; tổ chức đấu thầu công khai để nhiều nhà đầu tư tham gia.
Về phát triển kinh tế tư nhân, Thủ tướng cho rằng các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo vệ doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật là rất cần thiết; cùng với đó là hỗ trợ nhà đầu tư giảm chi phí, tránh kiểm tra chồng chéo...
"Tôi đề nghị các doanh nghiệp tư nhân nói không với việc đưa hối lộ cho các cấp, các ngành. Chính phủ và các cấp chính quyền cần tạo không gian cho kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể như cho tư nhân tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hợp tác liên kết...", Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong báo cáo, Thủ tướng cũng làm rõ thêm các kết quả đã đạt được về KT-XH, được quốc tế đánh giá cao; đồng thời, Thủ tướng báo cáo về công tác ứng phó, hỗ trợ, khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2017, chỉ ra những kết quả và những bất cập, nêu các giải pháp cần thực hiện về phòng chống thiên tai, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới;...
Về cải cách hành chính, báo cáo cho biết Chính phủ đã ban hành 14 nghị quyết về vấn đề này, đồng thời triển khai nhiều giải pháp như: Cấp số định danh cá nhân, tiến tới bỏ sổ hộ khẩu giấy, xây dựng cổng thông tin tiếp nhận phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp, người dân,... Thủ tướng cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác cải cách hành chính, nhấn mạnh giải pháp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới bộ máy hành chính nhà nước, đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử,... gắn với công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, tin giản biên chế, thay thế cán bộ kém năng lực, phẩm chất, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ... hướng tới xây dựng bộ máy hành chính hiện đại, công khai, minh bạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Báo cáo cũng nêu những nội dung liên quan đến công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; công tác hội nhập quốc tế;...
Tại phiên chất vấn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời chất vấn của các đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum); Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn); Vũ Tiến Lộc (Thái Bình); Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận); Lê Thanh Vân (Cà Mau); Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng);... chất vấn nội dung: Giải pháp ngăn chặn tình trạng chênh lệch giầu nghèo; giải pháp nâng cao chất lượng tăng trưởng; xử lý bất cập trong các dự án BOT giao thông; thực hiện thông điệp "Chính phủ kiến tạo" mở đường cho sự phát triển; chủ trương, giải pháp thúc đẩy quan hệ với Hoa Kỳ trong điều kiện nước này chưa trở lại với TPP; triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh; giải pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; tại sao Việt Nam chưa thể phát triển đột phá so với tiềm năng lợi thế của mình; xử lý các vụ đại án tham nhũng; xử lý các vụ phá rừng, giải pháp phát triển rừng bền vững...
Về vấn đề giảm chênh lệch giầu nghèo giữa các vùng miền, Thủ tướng nhấn mạnh đây là chủ trương của Đảng, trong những năm qua cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, và thực hiện chủ trương này là vấn đề cần làm vừa lâu dài, vừa cấp bách. Trước hết để phát triển kinh tế xã hội vùng khó khăn, cần tạo điều kiện để người dân vùng khó khăn tiếp cận tín dụng ưu đãi; đào tạo nghề nghiệp; nâng cao năng suất lao động; giải quyết việc làm; hỗ trợ người yếu thế tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục; hỗ trợ người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống; có hình thức phân phối thu nhập hiệu quả qua thuế; đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế; ưu tiên vốn đầu tư hạ tầng... tạo môi trường thuận lợi để người dân sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo...
Trong các phiên chất vấn trước đó, một số vấn đề đã được làm rõ như công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu thuế, chuyển giá); công tác quản lý trong lĩnh vực hải quan; đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.
Việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất kinh doanh và tăng trưởng tín dụng hợp lý. Hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được xử lý và giải pháp bảo đảm an toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình. Giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.
Trong quá trình Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã phát biểu giải trình thêm một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm.