Ý thức người dùng mạng ở Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất thế giới

VietTimes -- Hiện về ứng dụng công nghệ thông tin,Việt Nam đứng thứ 80 thế giới, đạt mức trung bình, nhưng về độ an toàn thông tin thì đứng trên 100, thuộc nhóm trung bình yếu. Trong đó, chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới. 
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội không xấu, vấn đề là ý thức người dùng. Ảnh: Facebook.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, mạng xã hội không xấu, vấn đề là ý thức người dùng. Ảnh: Facebook.

Đó là một trong những nội dung trao đổi của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên trả lời chất vấn tại Hội trường vào chiều 17/11. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Chúng ta không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn an ninh thì nguy hại vô cùng". 

Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm, hiện về ứng dụng công nghệ thông tin thì Việt Nam đứng thứ 80 thế giới (mức trung bình), nhưng an toàn đứng trên 100 (trung bình yếu). Trong đó, chỉ số liên quan đến ý thức và hành vi của người dân thì Việt Nam thuộc nhóm yếu nhất trên thế giới. 

Ông Đam cho biết theo thống kê, hiện nay trên thế giới cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan đến mất an an ninh thông tin mạng, 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích và xuất hiện 4 mã độc. Việt Nam đang đứng ở vị trí khoảng 100 trên thế giới về việc đảm bảo an ninh thông tin mạng.

Việc mất an ninh mạng để lại hệ lụy rất lớn. Hiện nay vạn vật kết nối. Từ điện thoại đến máy tính, tivi, tủ lạnh… đều được kết nối. Chính vì vậy, việc lây lan mã độc tại chỗ vô cùng nhanh và nguy hiểm.

Năm 2016, Việt Nam có đến 71% các thiết bị lây nhiễm mã độc. Đây là con số khá cao so với các nước. Khi các tổ chức quốc tế khảo sát, trong khi người dân các nước 60% nhận thức được nguy cơ lây nhiễm mã độc thì chỉ 11% người dân nhận thức được sự nguy hiểm. Hiện nay chúng ta có 61% máy tính nhiễm mã độc. Đây là con số cao gấp nhiều lần so với trung bình của thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn tại hội trường chiều nay (17/11).Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại phiên chất vấn tại hội trường chiều nay (17/11).

Về việc quản lý báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung của Chính phủ là tạo điều kiện phát triển nhưng phải tăng cường quản lý với thái độ cương quyết. 

Phó thủ tướng dẫn ra con số rất cụ thể: Hiện trên thế giới có 7,5 tỷ người thì 52% dùng internet và 42% số đó dùng mạng xã hội; ở Việt Nam, con số lần lượt là gần 70% và 60%. 

Dù có số lượng người dùng lớn nhưng thị trường internet ở Việt Nam lại gần như "của các công ty nước ngoài", với tỷ lệ từ trên 80% sử dụng dịch vụ của Google, Facebook, Yahoo...; chỉ riêng lĩnh vực trò chơi điện tử là các nhà cung cấp trong nước chiếm 60%. 

Trao đổi về kinh nghiệm thế giới, Phó thủ tướng cho biết: Trung Quốc làm hoàn toàn mạng trong nước, một số nước quản lý tốt như Nga thì Facebook đứng thứ 5 danh sách các nhà mang xã hội có nhiều người dùng; tương tự ở Nhật Bản là thứ 6 và Hàn Quốc thứ 7.

"Các nước có công cụ pháp luật, họ cố gắng tạo ra các nhà cung cấp để chống độc quyền, hoặc dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn, lọc, làm chậm lại và tuyên truyền giáo dục", ông Đam nói thêm.

Trước đó, trong phần trả lời chất vấn, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, tình hình tấn công mạng diễn ra nhiều nước trên thế giới, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Hết tháng 10/2017, có hơn 11.000 cuộc tấn công mạng dưới nhiều hình thức khác nhau. Ngay trong hội nghị APEC có 27 cuộc tấn công mạng có chủ đích ở trung tâm hội nghị cấp cao và trung tâm báo chí, 17 lỗ hổng được phát hiện và hàng nghìn cuộc có nguy cơ tấn công. 

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông cũng chỉ ra hiện có 41% cơ quan, tổ chức không thực hiện đánh giá rủi ro, không phát hiện nguy cơ mã độc tiềm ẩn trong hệ thống; 51% cơ quan, tổ chức chưa có quy trình thao tác chuẩn để phản hồi, xử lý khi xảy ra sự cố; 73% cơ quan, tổ chức chưa triển khai các biệ pháp an toàn thông tin...

Thực tế cho thấy nhận thức về đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng chưa đầy đủ. Nguồn nhân lực an toàn thông tin mạng còn mỏng. Cùng với đó, chúng ta cũng chưa thu hút được các nhân tài do chế độ đãi ngộ hạn chế.