Chỉ đạo này được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa diễn ra hôm qua (15/1).
“Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu ở Hội nghị ASEM rằng, Trung Quốc 84% giao dịch là qua thanh toán điện tử, Việt Nam thì ngược lại. Ông chủ Alibaba một năm kiếm vài chục tỷ USD nhờ sớm làm thanh toán điện tử. Do đó, Việt Nam phải nhanh chóng làm, vừa chống tham nhũng, vừa tránh tiêu cực, nhất là triển khai về địa phương các vùng sâu vùng xa”, Thủ tướng chỉ đạo.
Theo đó, Thủ tướng gợi ý Bộ TT&TT trình Chính phủ cho phép dùng tài khoản viễn thông thanh toán dịch vụ nội dung số, nhà mạng và công ty nội dung số nạp tiền chung tài khoản viễn thông, đây là điểm quan trọng được đề cập Nghị quyết 02 đã đề cập mạnh mẽ.
Cũng chung hướng nhìn này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ sẽ thí điểm mobile money, cho phép khách hàng chuyển tiền, mua sắm thông qua tài khoản viễn thông. Bộ trưởng cho rằng, việc này sẽ giúp thanh toán điện tử đến được mọi người dân, dù ở bất kỳ đâu, sẽ kích thích kinh tế tăng trưởng.
Đồng thời, Bộ TT&TT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán các dịch vụ có giá trị nhỏ.
Hiện các tài khoản viễn thông chỉ được dùng để thanh toán các dịch vụ viễn thông và các dịch vụ giá trị gia tăng trên nền mạng viễn thông. Tài khoản viễn thông có vùng phủ xấp xỉ 100% dân số trong khi tài khoản ngân hàng chỉ có độ phủ 30-40%. Do đó, nếu có thể sử dụng tài khoản viễn thông để thanh toán hàng hóa có giá trị nhỏ thì chúng ta có thể triển khai ngay thanh toán điện tử trên phạm vi cả nước, tránh được nguy cơ các đối tác nước ngoài vào Việt Nam chiếm lĩnh thanh toán điện tử.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh đang thực hiện đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020, với mục tiêu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức thấp hơn 10%. Đề án nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử trong thương mại điện tử, thực hiện mục tiêu của Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016 – 2020.
Theo đó, 100% các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có thiết bị chấp nhận thẻ và cho phép người tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua hàng; 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán hóa đơn của các cá nhân, hộ gia đình qua các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; 50% cá nhân, hộ gia đình ở các thành phố lớn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm, tiêu dùng.
Được biết, trước đây, thẻ cào viễn thông vẫn được sử dụng rộng rãi trong đời sống nhằm đáp ứng cho các dịch vụ như điện thoại, game, truyền hình, giáo dục trực tuyến, mua bán trực tuyến và hàng loạt dịch vụ đời sống khác. Tuy nhiên, từ cuối tháng 4/2018, cùng với việc phanh phui vụ đường dây đánh bạc hàng nghìn tỷ, các nhà mạng VinaPhone, Viettel và MobiFone đều phải ngừng cung cấp dịch vụ thanh toán bằng thẻ cào vì lo ngại bị lợi dụng cho các hoạt động trái pháp luật. Ngay sau khi bị "khóa" kênh thanh toán này, hầu hết các nhà mạng lớn đều cho biết, việc dừng thanh toán thẻ cào trong thanh toán dịch vụ nội dung số đã ảnh hưởng đến doanh thu của các công ty này, ít nhất là giảm đến 20% so với trước đó. Đến đầu tháng 9/2018, các nhà mạng này đồng loạt đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép mở lại kênh thanh toán thẻ cào viễn thông để nạp tiền cho các dịch vụ nội dung số. |