Thủ tướng: Các cấp, các ngành phải “xắn tay áo” chống dịch tả lợn châu Phi

VietTimes -- Tại Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 4/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Thủ tướng: Các cấp, các ngành phải "xắn tay áo" chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: VGP)
Thủ tướng: Các cấp, các ngành phải "xắn tay áo" chống dịch tả lợn châu Phi. (Ảnh: VGP)

Báo cáo tại hội nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang diễn biến "rất phức tạp".

Theo đó, dịch đã xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương). Đến nay, tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.

Cục Thú y đã tổ chức lấy tổng cộng 388 mẫu của 98 hộ nuôi lợn xung quanh các hộ có lợn bệnh để xét nghiệm. Kết quả đã phát hiện đại đa số lợn của các hộ xung quanh âm tính, có một số hộ có lợn dương tính đã được chính quyền và các cơ quan chuyên môn thú y xử lý tiêu hủy ngay lập tức.

Còn trên thế giới, tính từ năm 2017 đến ngày 26/2/2019, đã có trên 20 quốc gia báo cáo bệnh DTLCP, tổng cộng đã có hơn 1 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy.

Hội nghị trực tuyến
Hội nghị trực tuyến triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi tổ chức sáng 4/3 tại Hà Nội

Trước thực trạng này, Thủ tướng nhấn mạnh phải chống dịch như chống giặc để huy động các cấp, các ngành xắn tay áo, ngăn chặn có hiệu quả DTLCP hiện đã xâm nhập vào 7 tỉnh của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người chăn nuôi phải triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng về kết quả phòng, chống bệnh DTLCP tại địa phương mình quản lý.

Đồng thời, Thủ tướng cũng nhắc nhở một số địa phương chỉ cử đại diện chi cục thú y dự Hội nghị. Thủ tướng nêu rõ, đây không phải đơn thuần là việc của chi cục thú y, Bộ NN&PTNT mà mỗi địa phương đều phải ra tay thì mới hiệu quả.

Do đó, các cấp, các ngành, theo chức năng được phân công, phải xắn tay áo vào cuộc, bao gồm cử cán bộ, cung cấp phương tiện, không chỉ ra văn bản chỉ đạo mà có những biện pháp, hướng dẫn hành động kịp thời.

Ví dụ, Bộ Tài chính phải có hướng dẫn thanh toán kịp thời cho các địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tuyên truyền về vấn đề này, để không gây hoang mang và quay lưng với thịt lợn sạch, không để do vấn đề này mà ngành chăn nuôi ở Việt Nam bị ứ đọng, đình trệ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đối với địa phương nào không làm, Thủ tướng yêu cầu cần tổ chức kiểm tra, xử lý nghiêm khắc.

Thủ tướng cũng nêu rõ, biện pháp tốt nhất là giao kinh phí hỗ trợ cho địa phương tổ chức thực hiện, tự chịu trách nhiệm, nêu cao tính công khai, minh bạch, chống tiêu cực, để tránh tình trạng “tiêu hủy 5 con lợn thì khai 8 con, không có dịch mà nói có dịch”. Bên cạnh đó, cần giám sát thực hiện để bảo đảm đúng đối tượng, chống thất thoát, lãng phí hoặc lợi dụng chính sách.

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành phải làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để không gây hoang mang, bán tháo lợn, cần vận động người chăn nuôi cam kết và thực hiện 5 không: không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.