"Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 truy vết nhanh ca bệnh" - Thứ trưởng nói
"Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 truy vết nhanh ca bệnh" - Thứ trưởng nói

E-magazine Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Sẽ tích hợp kết quả đấu thầu trang thiết bị, thuốc, dịch vụ y tế

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chuyển đổi số, đặc biệt là chuyển đổi số y tế đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khoẻ cho người dân, nhất là khi dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp.

Bên lề lễ phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021 diễn ra vào sáng ngày 30/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã dành cho PV VietTimes một cuộc trao đổi về những bước tiến mạnh mẽ của ngành Y tế khi thực hiện chuyển đổi số:

PV: Thưa Thứ trưởng! Ngành Y tế được đánh giá là có sự chuyển đổi số khá mạnh mẽ. Thứ trưởng có thể cho biết ngành Y tế đã có những kết quả nổi bật gì trong quá trình chuyển đổi số để phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Thời gian qua, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành Y tế.

Cụ thể, Bộ Y tế triển khai hồ sơ sức khoẻ điện tử. Đến nay, các tỉnh, thành phố đ triển khai thực hiện hồ sơ sức khoẻ điện tử. Theo thống kê cho thấy, hơn 90% dân số đã được thiết lập hồ sơ sức khoẻ điện tử.

Để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, chỉ trong 1 tháng, Bộ Y tế đã tổ chức khám, chữa bệnh từ xa (Telehealh) với trên 1.000 điểm đầu kết nối các bệnh viện trung ương với các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện.

Với hồ sơ sức khoẻ điện tử và khám, chữa bệnh từ xa, các bệnh viện tuyến trên đã được giảm tải tối đa, người dân ở vùng sâu, vùng xa có điều kiện được khám, chữa bệnh với dịch vụ y tế hiện đại, tiết kiệm thời gian, chi phí.

Cùng với đó, ngành Y tế cũng đã công khai toàn bộ dịch vụ y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế gồm: hợp đồng mua sắm, đấu thầu trang thiết bị, thuốc,… Khi giá dịch vụ y tế được công khai, các địa phương sẽ nắm được thông tin về kết quả đấu thầu, mua sắm làm cơ sở để tham khảo, đưa ra kế hoạch mua sắm trang thiết bị y tế sát với thực tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại lễ phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại lễ phát động giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021

Đặc biệt, Bộ Y tế đã và đang triển khai áp dụng công nghệ thông tin đối với thống kê điện tử toàn bộ dữ liệu từ hệ đào tạo đến hệ dự phòng, điều trị để tích hợp thành một hệ thống có tên gọi là V20 - phần mềm quản lý trạm y tế xã nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế cơ sở.

Nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hồ sơ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tích hợp với hệ thống tiêm chủng mở rộng quốc gia. Đây là tiền đề để Bộ Y tế tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin trong y tế tiến tới xây dựng "hộ chiếu vaccine", đồng thời, tới đây, Bộ Y tế sẽ tiếp tục triển khai các nội dung khác để chuyển đối số theo kế hoạch đã ban hành.

Thông qua lễ phát động Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2021, tôi hy vọng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ thông tin sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế để triển khai tốt hoạt động chuyển đổi số.

PV: Từ góc nhìn của lãnh đạo Bộ tới các lĩnh vực của Bộ Y tế gồm khám, chữa bệnh, dược, y tế dự phòng, thực phẩm chức năng, đào tạo,… Xin ông cho biết ngành nào của Bộ Y tế cần phải tăng tốc và chuyển đổi số nhanh hơn nữa trong năm 2021?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Theo tôi, việc đầu tiên cần phải tăng tốc, làm sớm đó là đẩy mạnh việc hoàn thiện hồ sơ sức khoẻ điện tử. Bởi khi hồ sơ sức khoẻ được hoàn thiện sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho mỗi người dân, góp phần giảm tải thủ tục hành chính trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.

Đặc biệt, hồ sơ sức khoẻ điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể đến bất kỳ cơ sở khám, chữa bệnh nào theo quy định mà không cần phải cầm theo hồ sơ, giấy tờ truyền thống. Người dân chỉ cần khai báo họ tên, các bác sĩ ở bệnh viện sẽ tra cứu ngay được quá trình chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh của người đó.

Một việc nữa tôi cho rằng ngành Y tế phải làm ngay đó là tích hợp thường xuyên công khai toàn bộ kết quả đấu thầu trang thiết bị, thuốc, dịch vụ y tế,… để mỗi người dân, doanh nghiệp tiếp cận với giá của dịch vụ y tế một cách công khai, minh bạch như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo: “Chúng ta quyết không để người dân mù mờ về dịch vụ y tế”.

Vì thế, trong năm 2021, cùng với việc triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực thì toàn ngành Y tế sẽ tập trung vào 2 nội dung trên để chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với lãnh đạo và PV VietTimes về chuyển đổi số trong ngành Y tế

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên trao đổi với lãnh đạo và PV VietTimes về chuyển đổi số trong ngành Y tế

PV: Xin ông cho biết những cơ sở y tế công lập nào được Bộ Y tế đánh giá cao về chuyển đổi số trong thời gian qua?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Qua tổng hợp thì cùng với việc triển khai ở tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh, cả nước đã có một số cơ sở y tế công lập chuyển đổi số được Bộ Y tế đánh giá trong thời gian qua gồm: Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, Bệnh viện Bãi Cháy,…

Ngoài các cơ sở y tế công lập, nhiều đơn vị quản lý nhà nước của Bộ Y tế cũng được đánh giá cao trong quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách thủ tục hành chính gồm: Cục Công nghệ thông tin, Cục An toàn thực phẩm, Cục Quản lý Dược, Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Cục quản lý Môi trường Y tế.

PV: Hiện nay, một số bệnh viện lớn ở trung ương đang xuất hiện tình trạng dùng nhiều phần mềm khác nhau, chưa tích hợp, đồng bộ và hệ thống hoá. Vậy Bộ Y tế đã có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Bộ Y tế đã nhận được thông tin phản ánh về vấn đề này. Việc sử dụng phần mềm trong bệnh viện là phù hợp với xu thế phát triển và chuyển đổi số ở từng giai đoạn. Khi công nghệ thông mới hình thành thì hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông ban đầu còn ít, chưa đồng bộ nên trong quá trình triển khai, thực hiện chưa đồng đều. Chính vì thế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đã đang phải cập nhật các phần mềm hiện đại. Bộ Y tế xây dựng và đang triển khai tích hợp phần mềm. Hiện, Bộ Y tế đang triển khai phần mềm V20 để quản lý các trạm y tế xã đồng bộ, thống nhất.

PV: Tiến độ hướng tới việc liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, soi, chụp, xét nghiệm có đang diễn ra đúng như mong đợi của Bộ Y tế không, thưa ông?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Hiện nay, việc liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh, soi, chụp, xét nghiệm đang từng bước diễn ra đúng như mong đợi của Bộ Y tế.

Điển hình như việc chụp, chiếu cho người bệnh trước kia phải in ra phim, ra giấy nhưng đến nay chỉ cần một cú click chuột, các bác sĩ đã có thể tìm kiếm và xem được phim chụp của bệnh nhân.

Thực tế, một số bệnh viện đã triển khai rất tốt. Bộ Y tế đang chỉ đạo các đơn vị rút kinh nghiệm, không sử dụng giấy để in phim chụp cho bệnh nhân, đồng thời, kết nối liên thông giữa các cơ sở y tế với nhau thành 1 hệ thống, liên thông kết quả khám, chữa bệnh để giảm tải thủ tục hành chính, đỡ tốn kém cho người bệnh và đảm bảo người dân ở khắp mọi miền trên tổ quốc đều được chăm sóc sức khoẻ thuận lợi nhất.

PV: Xin ông cho biết việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế đã đạt được những kết quả gì trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 bùng phát?

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên: Khi Việt Nam xuất hiện bệnh nhân COVID-19, Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động phòng, chống dịch quyết liệt, trong đó có ứng dụng công nghệ thông tin để truy vết ca bệnh, khai báo y tế điện tử, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, đây là một bước tiến để hình thành "hộ chiếu vaccine".

Trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đã giúp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Quốc gia và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố truy vết nhanh ca bệnh, các trường hợp tiếp xúc gần, đồng thời cung cấp, chia sẻ thông tin về tình hình dịch, hội chẩn từ xa đối với các ca bệnh nặng, nguy kịch.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng về cuộc trò chuyện!