PV: Thưa Thứ trưởng! Qua 2 năm đại dịch, ông nhận thấy ngành Y tế đã có những thành tựu nào trong chuyển đổi số, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch ở Việt Nam?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông và các Bộ, ngành, địa phương triển khai kịp thời, đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) trong phòng chống dịch COVID-19. Chỉ đạo, triển khai đồng bộ ứng dụng (Bluezone, NCOVI...) trong giám sát, truy vết ca bệnh, người tiếp xúc nhằm phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VHD; Sử dụng QR Code để rút ngắn thời gian trả kết quả xét nghiệm...
Bộ Y tế đã kích hoạt Trung tâm phòng chống dịch bệnh khẩn cấp ứng phó dịch bệnh; sớm đưa vào hoạt động Trung tâm quản lý, điều hành hỗ trợ chuyên môn chẩn đoán, điều trị người bệnh COVID-19 để kịp thời quản lý và điều hành các nguồn lực và hỗ trợ các cơ sở khám chữa bệnh trong thu dung, cách ly chẩn đoán và điều trị người bệnh COVID-19 trực tiếp hoặc trực tuyến từ xa. Huy động được hơn 20 doanh nghiệp công nghệ tham gia (VNPT, Viettel, SOVICO, FPT, DTT, ...) với hàng nghìn kỹ sư CNTT phát triển hơn 20 ứng dụng hỗ trợ phòng, chống dịch COVID-19. Xây dựng bản đồ an toàn COVID 19, bản đồ cấp độ dịch COVID-19 tại từng địa phương. Kết nối nền tảng khám, chữa bệnh từ xa (Telehealth) tới gần 2.000 điểm cầu, góp phần giảm gánh nặng cho bệnh viện tuyến trên. Kết nối gần 13.000 camera giám sát tại gần 1.100 cơ sở cách ly.
Triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin phục vụ phòng, chống dịch; quản lý việc đi lại của người dân, lưu thông hàng hóa và quản lý xuất, nhập cảnh phù hợp với quy định của quốc tế. Triển khai công nghệ bắt buộc dùng chung trên toàn quốc, từng bước liên thông dữ liệu và hợp nhất các ứng dụng thành ứng dụng phòng, chống COVID-19 duy nhất (PC-COVID) để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Tích cực triển khai các ứng dụng trực tuyến như Nền tảng khai báo y tế điện tử, Hệ thống ghi nhận việc đến/đi tại các địa điểm công cộng (Mã QR Code), Nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm, Nền tảng quản lý tiêm chủng vắc xin COVID-19, triển khai ký số chứng nhận tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tiến hành cấp “hộ chiếu vaccine" điện tử cho người dân.
Thực hiện truyền thông mạnh mẽ trên các nền tảng truyền thông, bao gồm Facebook, Zalo, Viber, Lotus, SMS... kịp thời cung cấp thông tin phòng chống dịch bệnh tới người dân. Triển khai các giải pháp hỗ trợ người nhiễm, người nghi nhiễm thông qua tư vấn từ xa (điện thoại đường dây nóng, phần mềm giải đáp thông tin, Tổng đài tiếp nhận phản ánh của người dân 1900 9095, Tổng đài hỗ trợ khai báo y tế 1800 1119...); hỗ trợ người dân tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, kịp thời phát hiện, chuyển điều trị những bệnh nhân có thể có diễn biến nặng và góp phần giảm các trường hợp tử vong.
Cùng với các giải pháp CNTT trực tiếp phục vụ trong phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đã được xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định về ứng dụng và phát triển CNTT Y tế; phê duyệt ứng dụng đề tài, phát triển CNTT y tế thông minh giai đoạn 2019-2025, ban hành chương trình chuyển đổi số y tế đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 5316/QĐ-BYT; triển khai hệ thống văn bản quản lý văn bản điều hành; hệ thống thư điện tử trong cơ quan nhà nước, với 100% hoạt động quản lý văn bản điều hành, thư điện tử đã thực hiện trên môi trường mạng và được ký số, liên thông với Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành và 63 UBND tỉnh, thành phố.
Xây dựng Cổng dịch vụ công trực tuyến kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia, thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và Một cửa ASEAN. Ngày 30/6/2020 đã hoàn thành 100% thủ tục hành chính của Bộ Y tế triển khai dịch vụ trực tuyến mức độ 4 về đích trước thời hạn 5 năm Chính phủ giao. Khai trương Cổng công khai Y tế là kênh chính thống của Bộ Y tế để người dân và doanh nghiệp tra cứu các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo...
Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai thành công kết nối liên thông giữa các cơ sở khám chữa bệnh cả nước với cơ quan Bảo hiểm xã hội. Ứng dụng CNTT trong bệnh viện có bước phát triển đột phá, 100% bệnh viện có phần mềm quản lý bệnh viện (HIS). Xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và kết nối vạn vật trong y tế. Phê duyệt Đề án Khám chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Ngày 25/9/2020 đã tổ chức Lễ Khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa.
Hình thành trục tích hợp cho các hệ thống thông tin y tế có quy mô quốc gia đã được triển khai như: Hệ thống thống kê y tế điện tử và hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; Hệ thống thông tin quản lý y tế dự phòng, triển khai phần mềm tiêm chủng mở rộng trên cả nước, phần mềm quản lý bệnh truyền nhiễm, phần mềm quản lý bệnh không lây nhiễm; Hệ thống quản lý chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh, ...
PV: Chắc chắn thời gian qua trong phòng chống dịch COVID-19 đã có những công việc mà ngành Y tế đã làm được. Nhưng hẳn cũng còn những việc ngành chưa làm được, thưa ông?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Từ đầu năm 2020 đến nay, Việt Nam trải qua 4 đợt bùng phát, quy mô, địa bàn và mức độ lây lan qua mỗi đợt đều có xu hướng phức tạp hơn. Công tác chuyển đổi số y tế là ứng dụng CNTT một cách tổng thể và toàn diện, trong đó đặc biệt chú trọng tới các công nghệ số hiện đại dẫn đến sự thay đổi tích cực toàn bộ hoạt động y tế trong chăm sóc sức khỏe, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch ở Việt Nam.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn như: Kết nối, chia sẻ dữ liệu y tế trong ngành; Kinh phí dành cho ứng dụng CNTT y tế còn hạn chế nên ảnh hưởng trực tiếp triển khai ứng dụng CNTT của các đơn vị; Chưa ban hành được quy định giá thành CNTT được tính vào giá thành dịch vụ khám chữa bệnh nên thiếu kinh phí hoặc không bảo đảm kinh phí đầu tư, duy trì hoạt động ứng dụng CNTT. Chưa có chính sách đãi ngộ tốt cho cán bộ làm công tác công nghệ thông tin trong ngành y tế nên tại nhiều đơn vị, địa phương chưa thu hút được cán bộ có chuyên môn giỏi làm CNTT y tế.
Bộ Y tế tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế - kỹ thuật về CNTT y tế. Phát triển hạ tầng CNTT y tế, xây dựng trung tâm dữ liệu y tế quốc gia bảo đảm có thể lưu trữ, quản lý đủ các số liệu tập trung của ngành y tế. Tăng cường ứng dụng CNTT trong hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh; triển khai quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử toàn dân; phấn đấu đến năm 2025 quản lý sức khỏe toàn dân bằng hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 95% dân số. Từng bước triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy. Thanh toán viện phí điện tử không dùng tiền mặt.
Phát triển ứng dụng giám sát, dự báo dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ nhiều nguồn, áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI); Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa. Hoàn thành cơ sở dữ liệu y tế quốc gia, ứng dụng các công nghệ thông minh để phân tích số liệu về hoạt động y tế kịp thời, chính xác, giúp dự báo về diễn biến tình trạng sức khỏe, bệnh tật trong cộng đồng, từ đó có các chính sách y tế phù hợp.
PV: Trong thời kỳ bình thường mới, khi mà dịch COVID-19 không còn quá căng thẳng, ngành Y tế có đặt ra mục tiêu nào về Chuyển đổi số không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 đã có chiều hướng số ca nhiễm mới ngày càng giảm, không còn quá căng thẳng nhưng không vì thế mà chúng ta lơ là, chủ quan trọng công tác phòng chống dịch. Trong thời điểm này, công tác Chuyển đổi số trong phòng chống dịch càng phải tranh thủ đẩy nhanh để chủ động giám sát, kiểm soát và dự báo tình hình dịch, không những đối với dịch COVID-19 mà còn đối với các nguy cơ dịch bệnh trong tương lai. Một số định hướng, mục tiêu chuyển đổi số trong công tác phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân sẽ được ưu tiên đẩy mạnh thời gian tới như:
(1) Phát triển ứng dụng giám sát các dịch bệnh thông qua việc thu thập các dữ liệu từ tất cả các nguồn bao gồm người dân, doanh nghiệp, cơ sở y tế, mạng xã hội, các chương trình điều tra và dự báo ổ dịch thông qua các công nghệ phân tích dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo; Áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ chỉ đạo, điều hành công tác phòng chống dịch.
(2) Phát triển các ứng dụng cung cấp tri thức phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân bao gồm cung cấp tri thức về phòng chống COVID-19, các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, thông tin dinh dưỡng và khai báo sức khỏe cá nhân; các thông tin về cơ sở y tế, bác sĩ, dịch vụ y tế trên môi trường di động, giúp người dân có thể tra cứu thông tin y tế dễ dàng, hiệu quả, kịp thời, mọi lúc, mọi nơi.
(3) Phát triển các hệ chuyên gia trong lĩnh vực y tế và phòng chống dịch, cho phép người dân có thể tự kiểm tra chẩn đoán bệnh ban đầu của mình thông qua việc nhập các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân vào hệ chuyên gia, hình thành các trợ lý ảo chăm sóc cho người dân.
(4) Phát triển các ứng dụng thông minh cho phép cung cấp các dịch vụ theo dõi, trợ giúp, chăm sóc sức khỏe người dân từ xa, kết nối trực tuyến giữa người bệnh, các thiết bị theo dõi sức khỏe và cán bộ y tế.
PV: Đã từng tham gia lễ phát động và lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2021, xin ông nhận xét đôi điều về giải thưởng này?
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên: Giải thưởng chuyển đổi số Việt Nam là giải thưởng thường niên của Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm tôn vinh các tổ chức, tập thể, cá nhân có đóng góp xuất sắc trong việc phát triển hoặc ứng dụng công nghệ số. Chúng tôi rất vui mừng và vinh dự vì sự cố gắng, nỗ lực của tập thể các đơn vị thuộc Bộ Y tế trong thời gian qua đã được Hội Truyền thông số Việt Nam, các chuyên gia CNTT, các nhà khoa học về chuyển đổi số ghi nhận, đánh giá và trao giải thưởng “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” trong 2 năm liên tiếp (2020-2021).
Hiện nay, Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thế giới đang gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 thì Giải thưởng Chuyển đổi số là nguồn động viên rất lớn để các tổ chức, cá nhân tạo ra nhiều sản phẩm có công nghệ mới, đột phá và có ý nghĩa lớn đối với cộng đồng, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, hướng tới chính phủ số.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!