Thông tin vắc xin COVID-19 Pfizer gây ra gần 50 bệnh có đáng tin cậy?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau khi một tờ báo sức khoẻ đăng bài dịch về vắc xin COVID-19 Pfizer, nghi ngờ tính an toàn của vắc xin này, lập tức trên mạng lan truyền thông tin vắc xin Pfizer gây ra gần 50 tác dụng phụ và nhiều ý kiến đòi tẩy chay tiêm vắc xin.

VT_ Tiêm.jpg
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương tiêm vắc xin COVID-19

Nguồn tin không đáng tin cậy

Những ngày qua mạng xã hội lan truyền thông tin “Pfizer vừa công bố danh sách tác dụng phụ của vắc xin COVID-19 được tiêm cho toàn cầu”. Theo danh sách đó, có tới gần 50 bệnh như huyết khối, chấn thương thận cấp tính, viêm tủy mềm cấp tính, thuyên tắc thân não, huyết khối thân não, tim ngừng đập, suy tim, tử vong sơ sinh, sốc tim… Thông tin này khiến nhiều người hoang mang, lo lắng hơn khi kèm với link bài viết đăng trên một tờ báo.

Chị Phạm Trâm Anh (Thái Hà, Hà Nội) bày tỏ hoang mang khi cả 6 người trong gia đình đều tiêm vắc xin COVID-19 loại Pfizer, nhất là với bố mẹ chị có bệnh nền. Còn anh Võ Đăng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) lo âu: Thông tin của bài báo khiến tôi mất ăn mất ngủ vì các con tôi đều đã tiêm vắc xin Pfizer. Các cháu còn nhỏ, sợ ảnh hưởng lâu dài”.

Thông tin về vắc xin Pfizer cũng lập tức làm dấy lên những tiếng nói đòi tẩy chay tiêm vắc xin, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh có vắc xin tiêm phòng đang gia tăng trên nhiều tỉnh, thành trên cả nước, nên rất nguy hiểm.

Trước vấn đề này, VietTimes đã trao đổi với TS Vũ Quốc Đạt - giảng viên bộ môn Truyền nhiễm Trường Đại học Y Hà Nội, Phó trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới và Can thiệp giảm hại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thành viên Nhóm Cố vấn chiến lược và kỹ thuật cho các bệnh truyền nhiễm bị lãng quên của WHO.

TS Đạt khẳng định nếu có bất kỳ phát hiện gì mới, các nhà khoa học đều thông báo chính thức để cộng đồng khoa học cùng lưu ý và nghiên cứu. Các can thiệp y khoa cũng sẽ lập tức sẽ được khuyến cáo khi lợi ích vượt trội nguy cơ.

VT_ Dạt.JPG
TS Vũ Quốc Đạt.

“Không một can thiệp y khoa nào không có tác dụng phụ, tác dụng ngoại ý, hoặc không có các tác dụng phụ không lường trước được. Nói đơn giản, những người tử vong đều liên quan đến một bữa ăn gần nhất, nhưng chúng ta không thể nói người đó chết là do bữa ăn. Tương tự như vậy, y văn đã từng ghi nhận các trường hợp dị ứng lạc bị tử vong do ăn lạc. Nhưng chúng ta không tuyên truyền rằng lạc là thực phẩm gây tử vong” – chuyên gia dịch tễ giải thích.

Ông Đạt thông tin thêm: Link gốc mà báo dịch đăng trích dẫn một nghiên cứu rất nhỏ trên tạp chí dành cho học sinh các trường trung học phổ thông - một tạp chí còn chẳng có đến chỉ mục trong PubMed, Scopus, hay ISI.

Thông tin thiếu khoa học

Đồng quan điểm với TS Đạt, GS Nguyễn Thu Anh – Phó Tổng Giám đốc Viện Đại học Sydney Việt Nam - cũng cho biết bản gốc của bài dịch trên là một tạp chí khoa học của trường trung học phổ thông, hoàn toàn không đáng tin cậy. Đặc biệt, bài báo dẫn lời nhận định đều từ 2 đơn vị tư nhân, có mâu thuẫn lợi ích với Pfizer.

GS Thu Anh giải thích thêm: RNA trong vắc xin là RNA thông tin, tức là bản sao của mã di truyền trong nhân tế bào. Mã di truyền này không di chuyển được nên sao ra mRNA để mRNA di chuyển ra ngoài, để tế bào nhân lên. Trong vắc xin mRNA, mRNA này là nhân tạo để tạo ra protein, kích hoạt phản ứng miễn dịch ngay cả trước khi vi rút đi vào cơ thể. mRNA tự tiêu hủy sau 1 thời gian nhờ men trong tế bào thời gian chỉ tính theo đơn vị ngày.

Thu Anh.jpg
GS Nguyễn Thu Anh

Khi sản xuất vắc xin, người ta còn phải tính làm sao cho mRNA không bị phân hủy quá nhanh thì hỏng vắc xin.

GS Thu Anh lưu ý câu này trong bản dịch trên là không có căn cứ: "Rõ ràng FDA đã biết về dữ liệu này. Thế nhưng họ đã chọn cách im lặng, khiến công chúng không được tiếp cận với những thông tin quan trọng liên quan đến sức khỏe và an toàn của mình", ông Petrovsky nhấn mạnh”. Bởi thí nghiệm làm tại một cơ sở của FDA không có nghĩa là FDA biết và phê duyệt nghiên cứu này. Đây là 2 quy trình độc lập.