Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 nói về tiêu chuẩn tuyển 200 bác sĩ chất lượng cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết bệnh viện đang cần thêm 200 bác sĩ và 400 điều dưỡng chất lượng cao. GS.TS Lê Hữu Song cũng tiết lộ tiêu chuẩn tuyển bác sĩ của bệnh viện.

Giảm tối đa chi phí cho bệnh nhân

Chia sẻ với báo chí ngày 14/1, Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội (BVTWQĐ) 108 “bật mí” về mô hình riêng của bệnh viện là quản lý hình chóp ngược với người bệnh là trung tâm, cán bộ nhân viên là chủ và “bệ đỡ” dưới cùng là lãnh đạo BV.

Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

Thiếu tướng, GS.TS Lê Hữu Song - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108

“BV coi trọng việc nâng cao chất lượng hoạt động, chứ không đặt nặng số lượng khám, chữa bệnh (KCB) với phương châm “Chất lượng cao nhất, chất lượng đồng nhất và ưu tiên nhất cho chất lượng” - GS Lê Hữu Song nhấn mạnh.

Với tinh thần đó, BV tập trung xây dựng BV thông minh với hệ thống hỗ trợ bệnh nhân từ xa, giảm thời gian chờ đợi và cung cấp chất lượng tốt nhất cho người bệnh; tối ưu hóa các phương pháp điều trị, kê đơn, chẩn đoán, hạn chế thấp nhất chi phí của người bệnh và thay đổi quy trình quản lý người bệnh ung thư.

“Chúng tôi giảm tối đa chi phí không cần thiết cho bệnh nhân, như không xét nghiệm, kê đơn thuốc không cần thiết, đặc biệt là với bệnh nhân ung thư, để không tạo gánh nặng cho họ” - GS.TS Lê Hữu Song chia sẻ.

Với hàng loạt đổi mới về cơ chế, chủ trương và quản lý, năm 2024, chất lượng khám chữa bệnh (KCB) và số lượng bệnh nhân đều tăng. BV đã KCB cho gần 1,2 triệu người, thu dung trên 107.000 bệnh nhân, phẫu thuật trên 43.000 ca.

Riêng trong lĩnh vực ghép tạng, BVTWQĐ đã triển khai nhiều kỹ thuật cao, giữ vững vị thế của một trong những trung tâm ghép tạng lớn nhất nước. Năm 2024, BV đã ghép thành công 219 ca (150 ca ghép thận; 43 ca ghép gan; 2 ca ghép tim; 1 ca ghép chi thể...)

BV còn đẩy mạnh việc hỗ trợ, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật, đặc biệt là kỹ thuật ghép tạng, cho các BV tuyến trung ương và tuyến dưới thông qua việc ký kết hợp tác với 32 bệnh viện và 4 trường, thuộc 16 tỉnh thành.

GS Song cũng chia sẻ mục tiêu mà BV hướng đến trong năm nay là tiếp đón gần 4.000 bệnh nhân/ngày, thu dung trên 105.000 bệnh nhân và 100% người bệnh chăm sóc cấp I được chăm sóc toàn diện.

BV cũng đẩy mạnh triển khai dự án chuyển đổi số, phát triển các kỹ thuật mới như phẫu thuật điều trị ung thư tụy; gan, tim ghép thường quy; LVAD (cấy ghép thiết bị hỗ trợ thất trái); liệu pháp tế bào gốc; liệu pháp tế bào, gene trị liệu, AI, in 3D, 4D.

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

Để thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng KCB, Giám đốc BVTWQĐ 108 cho biết BV đang cần thêm 200 bác sĩ và 400 điều dưỡng, dĩ nhiên, phải là nhân lực chất lượng cao: Bác sĩ phải tốt nghiệp loại khá trở lên, chứng chỉ IELTS ngoại ngữ từ 6.5.

BV sẽ làm việc với các trường đại học y trên cả nước, giới thiệu về nhu cầu nhân lực của BV và quy chế tuyển dụng. Những bác sĩ có nhu cầu làm việc tại BV sẽ nộp hồ sơ theo hình thức một cửa, đảm bảo minh bạch, khách quan, tránh tình trạng “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

Việc tuyển điều dưỡng cũng có tiêu chí rõ ràng theo nhu cầu của từng khoa, phòng.

444904476_955709659680908_6830906065303149597_n.jpg
Phẫu thuật ghép tạng tại BVTWQĐ 108

Điều đặc biệt ở BVTWQĐ 108 là các giáo sư, phó giáo sư dù đã được Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận, nhưng BV vẫn yêu cầu báo cáo kế hoạch nghiên cứu khoa học, đáp ứng yêu cầu thực tế, mới bổ nhiệm. Hơn nữa, ở BV, không phải đã là giáo sư, phó giáo sư là nghiễm nhiên mãi mãi như nhiều nơi khác, mà 5 năm BV lại “sát hạch”, để đảm bảo họ có quá trình nghiên cứu không ngừng nghỉ mới bổ nhiệm lại.

Theo GS.TS Lê Hữu Song, BV đã xây dựng các tiêu chuẩn mới cho nghiên cứu sinh. Từ năm 2025, các hội nghị khoa học tại Viện Nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng BVTWQĐ 108 sẽ hoàn toàn sử dụng bằng tiếng Anh. BV sẽ trích 1% doanh thu (khoảng 60 tỷ/năm) để đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học.