"Căn bệnh" sử dụng sai chân côn ở xe số sàn xảy ra phổ biến đối với hầu hết các lái mới.
Anh Trần Văn Tùng, ở Cầu giấy, Hà Nội kể: “Tôi đang sử dụng xe Mitsubishi Attrage bản MT. Tự dưng một hôm khi đang di chuyển bình thường trong đường phố bỗng nhiên xe ì dần và rồi không còn chạy được nữa. Lúc đó gài số, đạp ga thả hẳn chân côn, vòng tua máy vẫn lên cao nhưng xe không di chuyển được. Sau đó tôi mang xe vào hãng để kiểm tra thì thợ bảo xe bộ ly hợp (côn) của xe đã bị mòn và phải thay mới hết 3 triệu đồng”.
Giữ chân trên bàn côn là thói quen gây mòn côn nhanh ở xe số sàn.
|
Tuy nhiên, anh Tùng cho biết anh khá bất ngờ khi nguyên nhân xảy ra do thói quen thường xuyên rà chân côn của anh. “Khi hạ hộp số để thay bộ ly hợp mới thì các anh kỹ thuật viên trong hãng đã chỉ cho mình thấy thói quen tưởng chừng vô hại của mình đã khiến bộ côn mòn đi rất nhanh và thậm chí là các đĩa mâm ép, bánh đà mòn không đều. Sau khi tốn tiền thay bộ côn mới thì mình đã bỏ đi thói quen giữ chân trên bàn đạp côn và chạy đến lúc bán xe là hơn 60.000 km nữa mà vẫn chưa phải thay bộ côn mới. (Tuổi thọ của 1 bộ côn có thể dao động từ 100.000-120.000 km theo khuyến cáo của các hãng xe)”, anh Tùng chia sẻ.
Cũng chỉ mới biết lái xe cách đây 6 tháng, chị Nguyễn Trần Trang ở Hưng Yên cho biết chị từng bị chồng mắng vì tội thường xuyên nghỉ chân trên bàn đạp côn xe số sàn khi lái xe. “Mình cứ nghĩ nghỉ chân trái trên bàn đạp côn sẽ giúp sang số nhanh hơn khi cần. Tuy nhiên, anh chồng lại bảo bàn đạp côn rất nhạy, chỉ cần một lực nhẹ cũng đủ kích hoạt chúng khiến chân côn nhanh mòn hơn ”, chị Trang chia sẻ.
Cùng với những thói quen trên gây hại cho côn xe, hộp số, anh Anh Quốc, một thầy giáo dạy lái xe ở Vĩnh Long còn cảnh báo về nguy cơ mất an toàn: “Trong quá trình dạy học viên lái xe số sàn, ở một vài tình huống cần dừng xe nhanh tôi thấy phản xạ của các tài xế mới đều có một điểm chung đó là đạp đồng thời lút cán cả phanh và chân côn. Tuy nhiên, cách phản ứng này làm giảm tác dụng phanh đáng kể và rất nguy hiểm trong tình huống cần phanh xe khẩn cấp”.
Không nên lạm dụng việc đạp côn cùng lúc với phanh xe
|
Giải thích vấn đề trên, anh Quốc đưa ví dụ xe đang chạy ở 80 km/h, muốn dừng xe, muốn xử lý đúng, đầu tiên là đạp phanh, không quan tâm tới chân côn. Sau khi xe đã giảm tốc, đạp côn về số thấp, rồi lại rà phanh, đạp côn về số thấp hơn, cho đến khi xe chậm đến mức an toàn.
Theo anh Quốc, tuyệt đối không được cắt côn trước khi phanh, bởi khi cắt côn ở tốc độ cao, xe không còn được hãm bởi động cơ, do đó chỉ lăn theo quán tính khiến xe chạy nhanh hơn, giảm độ bám đường của lốp đồng thời khiến thời gian và quãng đường phanh đều tăng lên, gây nguy hiểm cho những trường hợp cần dừng nhanh.
"Hạn chế rà côn quá lâu hay rà côn ở vòng tua cao vì dễ gây cháy bộ côn. Và... không nên lạm dụng việc đạp côn cùng lúc với phanh xe", anh Quốc chia sẻ.
Giải thích thêm về nguyên nhân hình thành thói quen vẫn đạp côn sau khi chuyển số hoặc lúc phanh, một chuyên gia đào tạo lái xe cho rằng, trên thực tế, vì lo sợ chết máy, nhiều người mới sử dụng ô tô vẫn có xu hướng đạp chân côn. Thói quen này cần được nhắc nhở để bỏ dần, tránh gây hư hại không đáng có gây tốn kém về sau.
Thao tác dùng xe số sàn đúng cách:
Khi bắt đầu lái xe số sàn, cần chuẩn bị sẵn sàng các bước như: xe đã nổ máy, hạ hết phanh tay, thắt dây an toàn, và ghế đã được điều chỉnh phù hợp để có thể đạp hết côn mà không bị với…
Để vào số 1, đạp hết côn sau đó tay phải kéo cần số ở vị trí số 1. Nhấn nhẹ ga để máy khỏe hơn, sao cho vòng tua lên khoảng 1500 vòng/phút. Sau đó nhả nhẹ và từ từ chân côn theo nguyên tắc “côn ra, ga vào”. Khi côn bắt đầu bám (lá côn tiếp xúc với tang trống), bạn sẽ thấy xe hơi rung rung nhẹ và bắt đầu từ từ chuyển động. Mỗi xe có điểm bám côn nhất định, thường là vị trí khi bạn nhả được khoảng ⅓ hành trình.
Khi xe khởi hành ở số 1, bạn nên nhả côn từ từ để tránh xe bị giật hay chết máy, nhưng từ số 2 trở lên thì có thể nhả côn nhanh hơn vì xe đã có quán tính. Việc giảm số cũng thao tác tương tự cách lên số. Nếu xe chạy trên đường trong điều kiện bình thường mà không sử dụng côn, nên bỏ hẳn chân khỏi bàn đạp côn.
Người lái có thể rà côn trong những tình huống lui xe hoặc chạy chậm trong lúc kẹt xe, leo dốc cao. Tuy nhiên cần hạn chế rà côn quá lâu, rà côn ở vòng tua cao vì dễ gây cháy bộ côn. Tuyệt đối không đạp côn cùng phanh xe cùng lúc khi vòng tua máy cao hơn 800 v/ph.
Bạn cũng không nên lạm dụng việc đạp côn cùng với thắng xe và chỉ đạp côn cùng với thắng khi vòng tua nhỏ hơn mức 800 vòng/phút là hợp lý.
Theo Vietnamnet