|
Tiêm thử nghiệm văc xin do Việt Nam sản xuất tại Trường Đại học Y Hà Nội |
Hậu quả của thiếu vắc xin là rất lớn, với nguy cơ bùng phát nhiều dịch bệnh mà chúng ta đã khống chế được, khiến kết quả của Chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) mà ngành y tế cùng các địa phương đã nỗ lực giành được hơn 40 năm qua có thể “xuống sông xuống bể”.
Thiếu vắc xin khiến cho việc tiêm phòng "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ" theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Bộ Y tế sẽ không thể thực hiện được. Vì không có vắc xin tiêm, người dân buộc phải bỏ mũi tiêm hoặc phải tiêm vắc xin dịch vụ.
Chúng ta hẳn chưa quên dịch sởi năm 2014 đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 150 trẻ em, mà lý do rất quan trọng là nhiều trẻ đã không tiêm đúng, tiêm đủ theo lịch tiêm vắc xin sởi trong Chương trình TCMR.
Đáng ngạc nhiên khi 11/12 vắc xin trong Chương trình TCMR là Việt Nam sản xuất được, tức là chúng ta hoàn toàn chủ động được nguồn cung. Rõ ràng, thiếu vắc xin chỉ do vấn đề cơ chế chính sách chưa phù hợp.
Vì thế, tình trạng thiếu vắc xin đã được dư luận xã hội và cả các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm, khi không chỉ TP. Hồ Chí Minh thiếu hàng loạt vắc xin, mà nhiều tỉnh, thành cũng báo cáo đã hết một số vắc xin trong Chương trình TCMR. Còn theo Bộ Y tế, đến tháng 7/2023, tất cả các địa phương có thể sẽ không còn vắc xin TCMR.
Theo Sở Y tế TP.HCM, do tình trạng thiếu vắc-xin, sở này đã phải gửi văn bản "cầu cứu" Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để yêu cầu phân phối vắc-xin TCMR. Tuy nhiên, theo quy định ngân sách mới, Viện đã hết thẩm quyền cấp vắc-xin.
Các địa phương cũng phản ánh việc thiếu vắc xin gây nhiều hệ lụy, khi việc phối hợp giữa các loại vắc xin không rõ ràng và không nhất quán gây khó khăn cho công tác tổ chức thực hiện. Chỉ định mũi tiêm vắc xin phụ thuộc vào số lượng vắc xin có, chứ không theo minh chứng khoa học.
Một vấn đề nữa là thiếu vắc xin khiến nhiều người sau khi tiêm mũi 1 sẽ không có vắc xin để tiêm mũi 2, hoặc có sẽ không đúng lịch, làm giảm hiệu quả của vắc xin.
Lại vướng mắc trong mua sắm
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin TCMR vẫn là “điệp khúc” vướng mắc trong mua sắm: vướng một số thủ tục về quy định mua sắm hàng hóa diện Nhà nước đặt hàng.
Trước năm 2020, kinh phí mua vắc xin cho Chương trình TCMR do ngân sách trung ương cấp cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế. Đến năm 2020 là hết giai đoạn thực hiện, nên chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên. Bộ Y tế đã có công văn 1810 ngày 3/4/2023 với nội dung: từ năm 2023, Bộ Tài chính có công văn số 10095 ngày 4/10/2022 rà soát các nhiệp vụ thuộc chương trình mục tiêu y tế dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên, theo đó, Bộ Tài chính đề nghị thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách về phân cấp ngân sách.
Nhưng với các địa phương, việc tự lo vắc xin là khó, do chưa khi nào triển khai, chưa tìm được nguồn, nhất là lo giá mua chênh lệch giữa các địa phương, rồi có thể vô tình thành sai phạm.
Do vậy, các địa phương đã có ý kiến với Bộ Y tế, đồng thời, báo cáo Chính phủ những vướng mắc pháp lý: vắc xin thuộc danh mục đấu thầu cấp quốc gia và những khó khăn từ thực tiễn sẽ phát sinh; sẽ có nhiều loại vắc xin khác nhau giữa các địa phương, nên người dân khó tiếp cận kịp thời một loại vắc xin đối với những loại vắc xin phải tiêm mũi nhắc lại, khi họ thay đổi nơi cư trú.
Trong khi Bộ Y tế khó đảm bảo cân đối về điều phối nguồn cung ứng vắc xin khi dịch xảy ra, các địa phương sẽ phải tự lo nên sẽ phải tự đi vay vắc xin của nhau.
Vấn đề tiếp tục đặt ra là các địa phương không có kho lạnh đúng quy chuẩn để bảo quản vắc xin, vì chưa được đầu tư, mà chỉ có dây chuyền bảo quản lạnh tạm thời khi mang vắc xin từ kho của trung ương về để tiêm chủng. Nếu xảy ra sự cố mất điện, không khắc phục được nhanh thì chất lượng vắc xin sẽ bị ảnh hưởng, gây tác động đến việc bùng phát dịch bệnh.
Để đảm bảo, các địa phương phải đầu tư vào hệ thống kho lạnh, một công việc đòi hỏi chi phí khá lớn. Trong khi, hệ thống kho lạnh bảo quản vắc-xin đúng quy chuẩn đã được xây dựng ở cấp trung ương nhưng không được sử dụng. Đây là sự lãng phí rất lớn.
Thực tế cho thấy, dù giai đoạn trước hay giai đoạn này, thì việc mua vắc xin TCMR vẫn phải sử dụng tiền ngân sách. Nhưng hiện nay, vấn đề thiếu vắc xin chỉ là do vướng mắc về cơ chế.
Có vẻ như câu chuyện thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế ở các bệnh viện do cơ chế chứ không phải do thiếu nguồn cung đang lặp lại ở lĩnh vực y tế dự phòng?
Lời giải của Bộ Y tế
Đang có một khả năng là Bộ Y tế trình Chính phủ về việc sẽ tổ chức đặt hàng vắc xin sản xuất trong nước, trong trường hợp này, khi Bộ Y tế thống nhất giá thì các địa phương sẽ ký hợp đồng và thanh toán trực tiếp cho nhà cung cấp.
Còn với vắc xin nhập khẩu, Bộ Y tế sẽ đấu thầu tập trung, ký hợp đồng khung với nhà cung ứng, trên cơ sở đó, các địa phương sẽ ký hợp đồng cung ứng và trực tiếp thanh toán với nhà cung cấp.
Song đây cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải quyết vấn đề thiếu vắc xin trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Trước sự quan tâm của dư luận về vấn đề thiếu vaccine TCMR, tại kỳ họp Quốc hội, chiều 31/5, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: với các vaccine sản xuất trong nước, Chương trình TCMR đã cung ứng đủ vaccine của năm 2022 và gối đầu đến tháng 7/2023. Riêng vaccine phòng viêm gan B, vaccine phòng lao, đủ cung cấp đến tháng 8/2023; các vaccine viêm não Nhật Bản, sởi, Rubela, uốn ván, bại liệt đủ đáp ứng đến hết năm 2023.
Bộ Y tế đề nghị Bộ Tài chính bố trí kinh phí thực hiện các nhiệm vụ chuyển từ Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số về nhiệm vụ thường xuyên để mua vắc xin cho Chương trình TCMR, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV, vitamin A, để Bộ Y tế có thể tiếp tục mua vắc xin cho Chương trình TCMR, thuốc chống lao, thuốc kháng HIV, vitamin A phục vụ các địa phương như trước.
Tuy nhiên, các nhiệm vụ thuộc Chương trình Mục tiêu Y tế - Dân số chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên của các bộ, ngành, địa phương nên theo Luật Đầu tư công, Bộ Y tế không được phân kinh phí để triển khai.
Riêng với vắc xin “5 trong 1”, là vắc xin nhập khẩu, năm 2022 đấu thầu nhưng không có nhà thầu tham gia, nên Bộ Y tế đã trình Chính phủ và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính bố trí ngân sách Trung ương năm 2023 để Bộ Y tế mua sắm như trước đây.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, sau khi khảo sát nhu cầu vắc xin TCMR của các địa phương trên cả nước, Bộ Y tế đề nghị Quốc hội cho bổ sung nội dung bố trí nguồn ngân sách Trung ương để tiếp tục thực hiện Chương trình TCMR.
Một số ĐBQH cũng đề nghị Chính phủ phân bổ kinh phí cho Bộ Y tế mua vắc xin, cung ứng đủ vắc xin TCMR cho các địa phương như trước đây, để ổn định tình hình cung cấp vắc xin TCMR./.