|
Tiêm phòng vắc xin đầy đủ, đúng lịch sẽ giúp trẻ tránh được bệnh và góp phần giảm tải cho các bệnh viện |
3 ca tử vong do bạch hầu tại tỉnh Điện Biên và Hà Giang đều có điểm chung là chưa tiêm phòng vắc xin ngừa bệnh bạch hầu hoặc đã từng tiêm nhưng chưa đủ liều, dẫn đến khi mắc bệnh, bệnh nhân chuyển nặng nhanh và tử vong sau vài ngày phát bệnh. Dịch bạch hầu là một minh chứng thực tiễn cho thấy vấn đề vắc xin cấp thiết ra sao, khi nó liên quan đến tính mạng của người dân.
Hơn một năm trước, từ tháng 5/2022, các địa phương trong cả nước đã nhiều lần gửi văn bản “cầu cứu” Bộ Y tế đề nghị cung cấp hàng chục loại vắc xin cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vắc xin “5 trong 1” phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib và vắc xin “3 trong 1” DPT phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, bài toán thiếu vắc xin Tiêm chủng mở rộng vẫn tái diễn, đe dọa nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm ở trẻ chưa được tiêm đủ các mũi vắc xin phòng bệnh.
Đã hơn 1 năm nay, các trạm y tế xã, phường vốn là những điểm tiêm chủng miễn phí thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia trên cả nước, đã lần lượt rơi vào tình trạng “tê liệt” do hết vắc xin tiêm phòng.
Trước tình hình cấp bách này, vào trung tuần tháng 5/2023, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Y tế quay lại triển khai đấu thầu, gỡ vướng việc thiếu vắc xin thay cho quy định mới của Bộ Tài chính yêu cầu các địa phương là nơi đấu thầu mua vắc xin tiêm chủng mở rộng.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ trưởng Y tế thực hiện ngay các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu vắc xin Tiêm chủng mở rộng trước 24/6/2023.
Song, đến nay đã là những ngày cuối cùng của tháng 9, ngành y tế vẫn chưa thể đấu thầu, mua sắm được vắc xin phân bổ cho các địa phương. Và cũng trong chừng ấy thời gian, không thấy ai lên tiếng giải thích vì sao tình trạng thiếu vắc xin kéo dài như vậy? Đâu là phương án tháo gỡ, giải quyết của ngành? Những câu hỏi dành cho những người có trách nhiệm trong công tác mua sắm, đấu thầu vắc xin chỉ rơi vào im lặng!
Trong thời gian chờ đợi, nhân viên tại các trạm y tế đành động viên các ông bố, bà mẹ nếu có điều kiện kinh tế thì đưa con đi tiêm phòng dịch vụ để đảm bảo sức khỏe cho trẻ được tiêm theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới là "đúng lịch, không trì hoãn, không chậm trễ". Có điều, không phải gia đình nào cũng đủ điều kiện để cho con tiêm vắc xin dịch vụ.
Mỗi năm, cả nước có khoảng 1,5 triệu em bé chào đời, là chừng ấy em nhỏ có quyền được tiêm phòng hàng chục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Đành rằng có những thời điểm khan hiếm vắc xin, các gia đình có thể bỏ ra vài trăm nghìn đến 1 triệu đồng/mũi vắc xin cho con đi tiêm phòng dịch vụ, song đây chỉ là số ít trong hàng triệu gia đình có trẻ nhỏ có thể đảm đương được chi phí này. Còn lại, hầu hết vẫn trông chờ vào những mũi tiêm miễn phí đã được triển khai gần 40 năm nay của Chương trình Tiêm chủng mở rộng.
Hẳn có không ít bậc cha mẹ còn nhớ, dịch sởi năm 2014 ở Việt Nam đã khiến hàng vạn trẻ mắc bệnh cùng 150 trẻ tử vong, do chưa được tiêm phòng sởi. Bài học đau lòng từ vụ việc này cho thấy, chúng ta không thể lấy bất cứ lý do nào để giải thích cho những thiệt hại không thể đong đếm về sức khỏe và tính mạng, khi không đảm bảo cho trẻ được tiêm phòng đúng lịch và đủ liều.
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sự chủ quan, thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc việc mua sắm, đấu thầu, cung ứng, phân bổ vắc xin cũng như thuốc chữa bệnh cho người dân là không thể chấp nhận!
Để ngăn chặn dịch bạch hầu, tỉnh Hà Giang và Điện Biên đang nỗ lực khống chế, kiểm soát nguồn lây của bệnh dịch, đồng thời, xin hỗ trợ vắc xin từ các tổ chức, doanh nghiệp nhằm phòng ngừa bạch hầu cho người lớn và trẻ nhỏ trên địa bàn.
Nhưng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn trước mắt để ứng phó với dịch bệnh. Còn về lâu dài, việc nhanh chóng bắt tay tháo gỡ các vướng mắc trong các quy định liên quan về mua sắm, đấu thầu, việc thẩm định giá vắc xin của Bộ Y tế và Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch đầu tư mới có thể có được nguồn cung vắc xin ổn định, lâu dài.
Gần 40 năm qua, nhờ có vắc xin tiêm phòng nằm trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong việc thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván, khống chế bệnh sởi, viêm gan B, ho gà….
Nếu tình trạng thiếu vắc xin không trở thành bài toán trách nhiệm, bài toán của an ninh sức khỏe và tình trạng y tế khẩn cấp cần có lời giải ngay, thì những thành tựu mà ngành y tế từng gây dựng được trong công tác phòng chống dịch sẽ trở nên vô nghĩa./.