Thiếu tướng Tào Đức Thắng: Viettel dự kiến thu hút 50 nhân tài về làm việc tại tập đoàn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế; được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu để thu hút nhân tài.

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết Viettel sẽ thu hút 50 nhân tài về làm việc. Ảnh: D.M
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel Tào Đức Thắng cho biết Viettel sẽ thu hút 50 nhân tài về làm việc. Ảnh: D.M

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức ngày 14/7, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) đề xuất bổ sung, cụ thể hóa một số cơ chế, chính sách để triển khai hiệu quả Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng nhắc tới chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc xây dựng cơ chế đãi ngộ “vượt khung” để đưa ít nhất 100 chuyên gia hàng đầu về nước công tác. Ông Thắng cho rằng đây là một chương trình có ý nghĩa rất lớn, tạo nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ một cách đột phá, bền vững, là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế; được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu,…

“Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á. Đây là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc tại tập đoàn”, ông Tào Đức Thắng nêu.

Về việc đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm, Viettel đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.

Về cơ chế kết hợp 3 nhà (nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp), doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng.

Chủ tịch Viettel cho biết thêm, trong 5 năm qua, Tập đoàn đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.

Để gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp như một tín chỉ trong chương trình đào tạo.