Một loạt lĩnh vực tăng trưởng 2 con số, ngành khoa học và công nghệ đạt doanh thu 2,4 triệu tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

6 tháng đầu 2025, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu gần 2,3 triệu tỷ đồng, đóng góp lớn vào doanh thu 2,4 triệu tỷ đồng của toàn ngành khoa học công nghệ, đây là con số được ước tính từ doanh thu bưu chính, viễn thông, công nghiệp ICT.

Thứ trưởng Phạm Đức Long trình bày báo cáo về hoạt động 6 tháng của toàn ngành. Ảnh: T.H.
Thứ trưởng Phạm Đức Long trình bày báo cáo về hoạt động 6 tháng của toàn ngành. Ảnh: T.H.

Thông tin được nêu tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), diễn ra ngày 14/7.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, doanh thu toàn ngành KH&CN ước đạt hơn 2,4 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024 và ước đạt 53% kế hoạch năm 2025. Đây là con số ước tính của các lĩnh vực Bưu chính, Viễn thông, Công nghiệp ICT. Ngành nộp ngân sách nhà nước ước đạt 54,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 53% kế hoạch năm 2025.

Đóng góp vào GDP của ngành KH&CN ước đạt gần 538 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và ước đạt 52% kế hoạch năm 2025. Tổng số lao động toàn ngành tính đến tháng 6/2025 ước khoảng 1.673.916 lao động, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

doanh thu khcn.jpg
Nửa đầu năm, nhóm lĩnh vực bưu chính, viễn thông và công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu ước tính 2.400.035 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt khoảng 53% kế hoạch năm.

Trong đó, ngành KH&CN ghi nhận mức tăng trưởng đột phá của lĩnh vực công nghệ số: Lũy kế doanh thu 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng, tăng gần 21% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 54% kế hoạch năm 2025.

Lợi nhuận đạt 158 nghìn tỷ đồng, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 57% kế hoạch năm 2025. Ngành nộp ngân sách nhà nước đạt 30,8 nghìn tỷ đồng, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 57% kế hoạch năm 2025; đóng góp vào GDP đạt 479,8 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2024 và đạt gần 53% kế hoạch năm 2025.

Về lĩnh vực bưu chính, doanh thu dịch vụ ước đạt 38.300 tỷ đồng, tăng 12,8%, đạt 46,9% kế hoạch. Lợi nhuận dịch vụ bưu chính ước đạt 950 tỷ đồng, tăng 20%; nộp ngân sách lĩnh vực bưu chính ước đạt 2.950 tỷ đồng, tăng 14,3%. Hiện cả nước có 745 tổ chức, doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực bưu chính, tăng 1%.

Tổng sản lượng bưu gửi ước đạt 1.800 triệu, tăng 16%; trong đó, tổng sản lượng bưu gửi phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước ước đạt 2 triệu.

so ket bo KHCN.jpg
Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Bộ KH&CN diễn ra ngày 14/7. Ảnh: T.H

Theo ghi nhận của Bộ Khoa học và Công nghệ, đến hết tháng 6/2025, cổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) ghi nhận 630 triệu giao dịch và đạt 73% kế hoạch năm 2025. Trung bình mỗi ngày có khoảng 3,6 triệu giao dịch thông qua tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia.

Tính đến hiện tại, tổng cộng có 25 doanh nghiệp đang được Bộ KH&CN cấp giấy phép cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng, trong đó 10 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số theo mô hình ký số từ xa

Tổng số chứng thư chữ ký số đã cấp tính đến hết tháng 6/2025 đạt khoảng 20 triệu chứng thư chữ ký số; Tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân đạt 35,48%.

Ngoài những lĩnh vực đã triển khai tốt, hiện vẫn còn một số tồn tại như việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, tỷ lệ ̣hồ sơ trực tuyến toàn trình trên tổng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đến tháng 6/2025: 39,51%, trong đó khối bộ đạt tỷ lệ 51,1%, khối tỉnh đạt tỷ lê ̣15,2%.

Theo kết quả công bố năm 2024, trong 63 tỉnh thành, không địa phương nào có hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đạt mức A và B (2 mức cao nhất). Có 39 địa phương có Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính đạt mức C; 24 địa phương đạt mức D; 9 tỉnh bị đánh giá mức E, như VietTimes đã thông tin.

Đáng quan tâm là 2 thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM lại nằm sâu trong bảng xếp hạng, lần lượt xếp thứ 34 và 48 trong tổng số 63 tỉnh thành.

Nêu mục tiêu về tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm 2025 của cả nước là 80%, Bộ Khoa học và Công nghệ nhắc lại kết quả đáng báo động về lĩnh vực này đã được công bố một năm trước (tháng 7/2024) nhưng đến nay chưa có cải thiện.

Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình trung bình cả nước đạt gần 40%; các tỉnh, thành phố trung bình chỉ đạt 14,6%, còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu 80% vào cuối năm 2025.

Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn tốc độ điều chỉnh của chính sách, thể chế, chính sách chưa đáp ứng kịp yêu cầu thực tiễn.

Gần 1 triệu hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận dịch vụ viễn thông phổ cập

Trong 6 tháng đầu năm 2025, có tới 986.078 hộ nghèo, hộ cận nghèo (tăng 9% so với cùng kỳ năm 2024) sử dụng dịch vụ dịch vụ di động, dịch vụ truy nhập internet băng rộng cố định - vốn được coi là các dịch vụ viễn thông phổ cập. Cùng với đó, 6.144 điểm trường học, trạm y tế xã, các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng khác được sử dụng dịch vụ viễn thông công ích.

Trong đó, so với 6 tháng đầu năm 2024, số hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận dịch vụ viễn thông di động tăng 30%, tiếp cận dịch vụ truy nhập Internet cố định tăng 59%; 10% cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trạm y tế được cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng cố định.