|
Sản xuất trong nước đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng. Ảnh: Nguyễn Hà |
Sản xuất và nhập khẩu đều tăng
Năm 2019 ghi nhận kết quả tăng trưởng nhanh, phát triển mạnh của sản xuất ô tô trong nước. 3 “ông lớn” sản xuất trong nước là Huyndai Thành Công (TC) Motor, Trường Hải (Thaco), Vinfast đã và đang trên đà phát triển.
TC Motor sau khi chuyển hẳn sang lắp ráp sản xuất trong nước (thay vì nhập khẩu nguyên chiếc) đã mang hầu hết các mẫu xe chủ chốt của thương hiệu Hyundai về lắp ráp tại Việt Nam. Mở rộng sản xuất, có chiến lược sản phẩm đã cho kết quả 10 tháng đầu năm doanh nghiệp này tiêu thụ 63.210 xe ô tô các loại. Theo kế hoạch, năm 2019 doanh số xe TC Motor sẽ đạt trên 70.000 xe và chiếm 23% thị phần xe du lịch.
Thaco ngày một củng cố vị trí dẫn đầu với việc ra mắt hàng loạt sản phẩm mới lắp ráp trong nước với dải sản phẩm phong phú, mức giá ngày một cạnh tranh. Sau khi khánh thành nhà máy sản xuất ô tô Mazda hiện đại nhất khu vực châu Á với công suất 50.000 xe/năm, năm 2019 Thaco tiếp tục hoàn tất mở rộng, nâng công suất nhà máy KIA từ 20.000 xe lên 50.000 xe/năm.
Năm 2019, hai doanh nghiệp sản xuất dẫn đầu thị trường này đạt mức tăng trưởng 10,8%.
Đầu tư nhà máy quy mô (250.000 xe/năm) và hiện đại nhất Việt Nam với tốc độ nhanh thần kỳ, VinFast cũng kịp tung ra các mẫu xe chiến lược của mình để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Thương hiệu mới này không chỉ tung ra các mẫu xe mới mà còn còn liên tục áp dụng các chương trình ưu đãi giá, vốn, lợi ích gia tăng khiến lượng bán hàng đang được đánh giá là tốt đối với một thương hiệu mới.
Toyota Việt Nam (TMV) cũng đã chuyển hướng quay về lắp ráp một số sản phẩm bán chạy, Ford cũng ráo riết mang thêm các sản phẩm mới về lắp ráp…
Theo số liệu từ Bộ Công Thương, sản lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước 10 tháng qua đạt 284.200 chiếc, tăng 8,6% so với cùng kỳ 2018
Sản xuất đã vậy, nhập khẩu 10 tháng qua cũng đang gia tăng nhanh chóng. Số liệu cập nhật nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng 10 cả nước nhập khẩu 16.683 xe, trị giá gần 324 triệu USD, tăng 50,2% về lượng và 28,6% về trị giá so với tháng trước đó. Tính chung tháng 10, cả nước nhập khẩu 123.484 xe, tổng trị giá 2,715 tỷ USD, tăng 131,6% về lượng và 126,5% về trị giá so với 10 tháng đầu năm 2018.
Bộ Công Thương dự kiến nhập khẩu ô tô năm 2019 đạt mức kỷ lục hơn 3,4 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái (năm 2018 kim ngạch nhập khẩu xe ô tô là 1,8 tỷ USD).
Cạnh tranh khốc liệt
Liên tiếp trong 2 tháng qua, người tiêu dùng tiếp cận với các thông tin khuyến mại, giảm giá dồn dập đến từ các hãng (cả nhập khẩu và lắp ráp) dẫn tới giá xe đã dần giảm. Con số ước tính cho thấy, giá xe năm 2019 đã giảm khoảng từ 8-15%.
Động thái này cho thấy thị trường ô tô đang có dấu hiệu thừa, lượng tồn kho bắt đầu gia tăng áp lực lên các hãng và đại lý.
Theo dự báo của các DN, cả năm 2019, lượng ô tô nhập khẩu sẽ đạt gần 150.000 chiếc, xe sản xuất lắp ráp trong nước đạt 330.000 chiếc các loại, trong khi tiêu thụ khoảng 420.000 chiếc, dẫn đến dư thừa tổng cộng khoảng 50.000 chiếc. Do vậy với tốc độ này, thời gian tới thị trường ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục rơi vào cảnh thừa, cung nhiều hơn cầu.
Bước sang 2020, dự báo nguồn cung sẽ tiếp tục dồi dào, lượng nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao.
Trước tiên là nhờ Nghị định 116/NĐ-CP đang được sửa đổi theo hướng bỏ kiểm tra chất lượng ô tô theo lô, thay bằng kiểm tra theo mẫu, dự kiến áp dụng từ đầu năm 2020. Như vậy, việc nhập khẩu ô tô sẽ thông thoáng hơn, giảm thời gian và chi phí.
Với các Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) thế hệ mới như EVFTA (FTA Việt Nam - EU), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP... Việt Nam dần dần sẽ cắt giảm, loại bỏ thuế nhập khẩu đối với xe xuất xứ từ các nước như EU, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản từ 5 đến 10 năm tới, sẽ khiến lượng ô tô nhập khẩu tiếp tục gia tăng trong thời gian tới.
Sản xuất lắp ráp trong nước, công suất cũng sẽ tiếp tục tăng lên. VinFast sau một thời gian đi vào hoạt động đã tăng công suất, cho ra thị trường những sản phẩm mới vào đầu năm 2020. Thaco tiếp tục chiến lược đầu tư, mở rộng sản xuất. TC Motor đang đầu tư một nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô mới, công suất 100.000 xe/năm, hoàn thành vào 2020. Ford Việt Nam cũng sẽ mở rộng nhà máy tại Hải Dương vào đầu năm 2020, nâng công suất lên gấp đôi hiện nay.
Không chỉ vậy, sản xuất trong nước sẽ có sự “trợ lực” từ các chính sách ưu đãi lớn của Chính phủ dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới như miễn thuế Tiêu thụ đặc biệt cho phần linh kiện sản xuất trong nước, thuế Thu nhập DN...
Trong khi thực tế, hiện quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, lượng doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp lại nhiều; GDP bình quân đầu người giai đoạn vừa qua chưa đủ để đa số người dân có thể sở hữu ô tô… nên tốc độ tăng trưởng được dự báo cũng chỉ ở xung quanh khoảng 20%/năm.
Cung nhiều hơn cầu, cạnh tranh sẽ trở nên khốc liệt trong giai đoạn tới.
Theo Hải Quan
https://haiquanonline.com.vn/thi-truong-o-to-thua-cung-115672.html