Theo ghi nhận của phóng viên VietTimes, thị trường ô tô đã trở nên nhộn nhịp hơn nhiều trong tuần đầu tiên của năm mới 2018. Lý do chính dẫn đến sự nhộn nhịp này là bởi sự kỳ vọng về giá xe sẽ giảm mạnh trong năm nay đã không diễn ra theo đúng mong đợi của nhiều người. Thế nên, không ít người tiêu dùng đã quyết định xuống tiền mua xe để kịp phục vụ nhu cầu đi lại trong dịp tết Nguyên Đán đang cận kề.
Khi phỏng vấn một số khách hàng đến showroom mua xe, họ cho biết không có nhiều sự lựa chọn, các nhân viên tư vấn chủ yếu vẫn hướng khách hàng tới những mẫu xe lắp ráp trong nước bởi một số mẫu xe nhập khẩu hiện đã được hãng tạm ngừng đặt hàng, nếu có cũng chỉ là hàng còn tồn trong kho với số lượng hạn chế cả về phiên bản lẫn lựa chọn màu sắc.
Rào cản nghị định 116
Theo biểu thuế nhập khẩu mới có hiệu lực từ 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước trong khối ASEAN vào Việt Nam có tỉ lệ nội địa hóa từ 40% trở lên sẽ áp dụng mức thuế suất giảm từ 30% xuống 0% nhưng có thể thấy trong những ngày đầu của năm 2018, giá xe nhập khẩu hầu như không có dấu hiệu giảm, thậm chí còn đội giá cả trăm triệu mỗi chiếc.
Lý giải cho việc đội giá bán tại nhiều đại lý ô tô là việc khan hiếm nguồn hàng từ các nhà phân phối xe. Song trên thực tế, nguyên nhân chủ yếu đến từ những vướng mắc trong các điều khoản của Nghị định 116 mà các hãng xe gặp phải, khiến cho kế hoạch kinh doanh các dòng xe nhập khẩu của nhiều hãng bị xáo trộn.
Thậm chí, có một số hãng dù có những dòng xe đủ điều kiện để hưởng mức thuế nhập khẩu 0% nhưng họ vẫn chấp nhận chịu mức thuế từ 5 đến 30% để thông quan trước 1/1/2018 nhằm đảm bảo uy tín với các khách hàng đã đặt xe trước đó. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá bán của những mẫu xe đó sẽ bị tăng thêm so với dự kiến ban đầu mà các hãng đã công bố.
Đơn cử là mẫu CR-V 7 chỗ của Honda Việt Nam khi ra mắt được công bố mức giá dự kiến sẽ dưới 1,1 tỷ đồng (khi hưởng mức thuế 0% từ 1/1/2018). Nhưng do làm thủ tục thông quan trước cột mốc kể trên nên lô xe hơn 700 chiếc CR-V thế hệ mới vẫn chịu mức thuế nhập 30%. Chính vì thế, mức giá bán của CR-V mới tại các đại lý Honda ô tô hiện đang được bán chênh so với giá công bố khoảng gần 200 triệu đồng cũng không phải là điều gì đó bất hợp lý.
Nếu đáp ứng mức chênh lệch kể trên, khách hàng sẽ có thể nhận được xe sau khi hoàn tất thủ tục thanh toán. Hoặc nếu không chấp nhận, những khách hàng đã đặt cọc sẽ phải chờ đến sau tết mới có thể lấy xe. Thậm chí, nguy cơ khách hàng bị “bể cọc” cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu Honda Việt Nam nói riêng và các hãng xe còn lại nói chung không đàm phán được với các bên liên quan về những vướng mắc của nghị định 116.
Giảm giá nhỏ giọt
Trong vài ngày qua, một số hãng xe như Honda, GM Việt Nam, Nissan đều đã chính thức công bố giá bán xe dành cho tháng 1/2018. Một số mẫu xe (chủ yếu tập trung ở dòng xe lắp ráp trong nước) đã được điều chỉnh giá bán niêm yết, giảm nhẹ từ 5 – 15 triệu đồng. Một vài dòng xe của GM Việt Nam có giảm nhiều, dao động từ 50 – 80 triệu đồng nhưng thực chất chỉ là chương trình ưu đãi trong ngắn hạn chứ không phải là thay đổi giá bán niêm yết.
Cá biệt, có một vài mẫu xe thuộc diện hàng tồn kho hoặc khó bán được giảm giá mạnh như Nissan Teana (giảm 191 triệu đồng), Mitsubishi Pajero (giảm 164 triệu đồng), Peugeot 3008 2016 (giảm 141 triệu đồng)… Những ông lớn như Toyota Việt Nam, Thaco Trường Hải, Hyundai Thành Công hiện tại vẫn tiếp tục áp dụng chương trình ưu đãi đã đưa ra từ giai đoạn 3 tháng cuối năm 2017 nên trong tháng đầu tiên năm mới tạm thời không có nhiều biến động.
Xe lắp ráp quay đầu tăng giá
Suốt năm 2017, Thaco là hãng xe chịu khó giảm giá cho các dòng xe nhất khiến nhiều hãng phải lao vào vòng xoay của cuộc đua này. Mở màn tháng đầu tiên của năm 2018, Thaco đã tiếp tục triển khai phương thức đã thành công trong năm ngoái khi công bố giá bán của tháng 1/2018 vẫn có xu hướng giảm so với tháng 12/2017 dành cho hai thương hiệu Kia và Mazda trong khi thương hiệu Pegueot được giữ nguyên giá bán.
Nhưng nếu để ý kỹ bảng giá áp dụng cho năm 2018 mà đơn vị này đưa ra hồi tháng 11/2017, có thể nhận ra giá bán của Mazda đang có những điều chỉnh không đồng đều, thậm chí còn tăng nhẹ so với dự kiến trước đó. Đáng chú ý là mẫu CX-5 mới bản 2.5L đã tăng từ 10 – 30 triệu đồng, bản 2.0L được công bố là giảm 10 triệu đồng nhưng kỳ thực vẫn cao hơn mức công bố 10 triệu đồng. Điều này cũng xuất hiện tương tự với mẫu Mazda3 ở cả 3 phiên bản và mẫu BT-50 2.2L.
Thị trường có thể bùng nổ sau quý II/2018
Hiện tại, mới chỉ bước sang những ngày đầu tiên của năm mới 2018 nên để có một sự biến động lớn ở thị trường xe ô tô là điều khó có thể xảy ra vào thời điểm này, nhất là khi tác động từ mức điều chỉnh giảm của thuế nhập khẩu và tiêu thụ đặc biệt chưa thật rõ rệt. Thậm chí, dự báo từ nay cho tới giữa năm 2018, thị trường xe cũng sẽ khó đạt được sự sôi động như các năm trước đó vì một số hãng xe liên doanh cho biết họ vẫn chưa có kế hoạch đưa về những dòng xe nhập khẩu.
Ngoài ra, với việc Chính phủ ban hành Nghị định 116 kèm theo đó là Nghị định 125 sửa đổi liên quan tới thuế nhập khẩu và thuế linh kiện ô tô, các hãng xe liên doanh nhiều khả năng sẽ phải thay đổi những tính toán trước đó của mình để tập trung nhiều hơn cho các dòng xe lắp ráp trong nước nếu không muốn mất thị phần vào tay những đơn vị trong nước đang ngày một đầu tư mạnh mẽ vào các dây chuyền sản xuất và lắp ráp.