Theo chân Lithuania, thêm Estonia và Latvia rút khỏi cơ chế hợp tác Trung Quốc - Trung Đông Âu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Cơ chế “Hợp tác Trung Quốc-Trung Đông Âu” một lần nữa trắc trở. Sau khi Lithuania tuyên bố rút khỏi tổ chức do Trung Quốc lãnh đạo này năm ngoái, nay đến lượt hai nước Baltic khác là Latvia và Estonia.
Cơ chế hợp tác Trung Quốc - Trung Đông Âu đang bị lung lay dữ dội do các nước đối tác rút ra (Ảnh: QQ).
Cơ chế hợp tác Trung Quốc - Trung Đông Âu đang bị lung lay dữ dội do các nước đối tác rút ra (Ảnh: QQ).

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 12/8, hai quốc gia vùng Baltic Latvia và Estonia ngày 10 và 11/8 đã lần lượt thông báo rằng họ đã theo bước chân của nước láng giềng Lithuania (Litva) rút khỏi nhóm hợp tác giữa Trung Quốc và hơn một chục quốc gia Trung và Đông Âu (CEEC). Trong khi đó, Reuters đưa tin các nước phương Tây đã tăng cường chỉ trích Trung Quốc về việc tiến hành các cuộc tập trận quân sự quy mô lớn gần đây xung quanh Đài Loan. Ngoài ra, việc Trung Quốc trước đó đã chọn tăng cường quan hệ với Nga trong thời gian diễn ra cuộc xung đột Nga-Ukraine cũng gây nên sự bất bình của các nước phương Tây.

Chính phủ Estonia nói trong một tuyên bố rằng Estonia đã không tham gia vào bất kỳ cuộc họp nào kể từ hội nghị thượng đỉnh Cơ chế hợp tác “Hợp tác Trung Quốc-Trung Đông Âu (CEEC)” – còn gọi là “Cơ chế hợp tác 17+1” vào tháng 2 năm ngoái. Tuyên bố cho biết: "Estonia đã quyết định không tham gia vào nền tảng hợp tác giữa các nước CEE với Trung Quốc. Estonia sẽ tiếp tục hướng tới một mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc, bao gồm việc thúc đẩy mối quan hệ EU-Trung Quốc phù hợp với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và các giá trị như nhân quyền."

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc -CEEC năm 2021 (Ảnh: Xinhua).

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến Trung Quốc -CEEC năm 2021 (Ảnh: Xinhua).

Bộ Ngoại giao Latvia nêu rõ trong tuyên bố ngày 10/8: "Qua xem xét các ưu tiên hiện tại trong chính sách đối ngoại và thương mại của mình, Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác giữa các nước Trung và Đông Âu với Trung Quốc. Latvia sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và thực dụng với Trung Quốc. Các mối quan hệ, dù là song phương hay thông qua hợp tác giữa EU và Trung Quốc đều phải dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế."

Trang truyền thông châu Âu Politico đã chỉ ra trong một bài viết rằng các quan chức Estonia và Latvia trong vài tháng qua đã cảnh báo riêng nhiều lần việc xem xét rút khỏi cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu. Mặc dù họ đã cố gắng đưa ra một đường lối ít đối đầu hơn Lithuania, nhưng quyết định này được đưa ra chưa đầy một tháng sau khi Ngoại trưởng Estonia Urmas Reinsalu trở lại nắm quyền.

Vào đầu năm nay, Bắc Kinh đã cảm nhận được rằng phản ứng từ các quốc gia này với Trung Quốc ngày càng trở nên hờ hững hơn. Vào tháng 4, Trung Quốc đã cử một đặc phái viên về hợp tác giữa Trung Quốc với các nước Trung và Đông Âu đến thăm khu vực này nhằm hàn gắn quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng nước. Cho đến nay, Trung Quốc vẫn chưa công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh hàng năm khác do Chủ tịch Tập Cận Bình hay Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì với các nhà lãnh đạo trong khu vực.

Năm ngoái, Estonia đã từ chối lời mời Thủ tướng Kaja Kallas tham dự một hội nghị thượng đỉnh ảo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Bộ trưởng ngoại giao Estonia đã tham dự cuộc họp thượng đỉnh này thay cho bà Kaja Kallas.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Riga (Latvia) và Tallinn (Estonia) đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về việc hai quốc gia này tuyên bố rút khỏi Cơ chế 17+1. Ngoại trừ ba quốc gia vùng Baltic xin rút, các quốc gia khác như Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia và Slovenia vẫn nằm trong khuôn khổ hợp tác này. Tuy nhiên, Cộng hòa Séc gần đây cho biết họ cũng đang xem xét rút ra. Bộ Ngoại giao Séc hồi tháng 5 cho biết những lời hứa về việc đầu tư lớn và cam kết gia tăng thương mại đôi bên cùng có lợi của Trung Quốc đã không được Bắc Kinh thực hiện.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas năm ngoái đã từ chối lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của ông Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas năm ngoái đã từ chối lời mời tham dự Hội nghị thượng đỉnh của ông Tập Cận Bình (Ảnh: Reuters).

Cơ chế hợp tác giữa Trung Quốc với các quốc gia Trung Đông Âu (Cooperation between China and Central and Eastern European Countries) là chỉ sự hợp tác kinh tế và thương mại giữa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước Ba Lan, Cộng hòa Séc, Slovakia, Hungary, Slovenia, Croatia, Bosnia và Herzegovina, Serbia, Montenegro, Romania, Bulgaria, Albania, Bắc Macedonia, Estonia, Lithuania, Latvia và Hy Lạp ở Trung và Đông Âu, còn được gọi là “Cơ chế hợp tác 17+1”. Cơ chế này ban đầu được gọi là "Hợp tác 16+1", nhưng với sự bổ sung của Hy Lạp năm 2019, Cơ chế hợp tác đã được nâng cấp thành "17+1". Sau đó, vì Lithuania tuyên bố rút khỏi Cơ chế vào tháng 3/2021, nên chỉ còn lại “16+1”. Đến nay, chính phủ hai nước Estonia và Latvia tiếp tục tuyên bố rút khỏi Cơ chế hợp tác, nay chỉ còn lại “14+1”.