Lithuania bị Trung Quốc "bắt nạt" ghê gớm, EU tăng tốc phát triển “vũ khí” chống đe dọa thương mại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Hoạt động xuất khẩu của Lithuania sang Trung Quốc gần như “sụp đổ” trong tháng 12/2021, giữa bất đồng về việc đất nước Baltic này ủng hộ Đài Loan.
Tàu chở hàng của Lithuania phải cập cảng của Đài Loan thay vì Trung Quốc, do lo ngại bị hải quan Trung Quốc chặn (Ảnh: Handout)
Tàu chở hàng của Lithuania phải cập cảng của Đài Loan thay vì Trung Quốc, do lo ngại bị hải quan Trung Quốc chặn (Ảnh: Handout)

Hoạt động xuất khẩu của Lithuania tới Trung Quốc gần như “sụp đổ” trong tháng 12/2021, giữa bất đồng về việc đất nước Baltic này ủng hộ Đài Loan.

Dữ liệu hải quan của chính phủ Trung Quốc công bố ngày 20/1 cho thấy lượng hàng hóa nhập khẩu từ Lithuania tới Trung Quốc đã giảm tới 91,4% trong tháng 12/2021, so với cùng kỳ năm 2020. So sánh với tháng 11/2021, mức giảm là 91,1%, điều này cho thấy việc các hãng xuất khẩu của Lithuania phàn nàn về việc họ bị “đá khỏi” thị trường Trung Quốc trong những tuần gần đây là điều xác đáng.

Tranh chấp giữa Lithuania và Trung Quốc bắt nguồn từ việc Lithuania cho phép Đài Loan mở văn phòng đại diện đặt theo tên hòn đảo này trên lãnh thổ của họ. Trong khi Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần lãnh thổ không thể tách rời.

Chính quyền Bắc Kinh phản ứng hết sức phẫn nộ khi Văn phòng Đại diện Đài Loan mở cửa ở Vilnius vào tháng 11/2021 và ngay sau đó nhiều doanh nghiệp nói rằng Lithuania đã bị “xóa sổ” khỏi hệ thống hải quan Trung Quốc, có nghĩa rằng họ không thể hoàn thành các chuyến hàng xuất khẩu tới Trung Quốc.

Trong tháng 12/2021, chỉ có lượng hàng trị giá 3,8 triệu USD của Lithuania được nhập các cảng của Trung Quốc, so với con số 43,1 triệu USD cùng kỳ năm 2020, hay 42,8 triệu USD trước đó chỉ một tháng.

Nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế Lithuania giờ phải đối mặt với nguy cơ bị đá khỏi thị trường Trung Quốc, trong đó bao gồm hợp kim đồng-kẽm, món hàng xuất khẩu hàng đầu của nước này trong năm 2020, và các sản phẩm gỗ.

Doanh số bán laser công nghệ cao, mặt hàng xuất khẩu số 2 của Lithuania trong tháng 12/2020, đã giảm 95% xuống còn chỉ 308.418 USD, trong khi than bùn – rất quan trọng với ngành nông nghiệp Lithuania – giảm 92%.

Cùng lúc, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Lithuania lại tăng mạnh, tới 27,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo các nguồn tin EU, Bắc Kinh tiếp tục bác bỏ một chiến dịch hợp tác, thay vào đó nói rằng có nhiều doanh nghiệp đã quyết định không mua hàng hóa từ những nước đã “công kích chủ quyền của Trung Quốc”. Chính phủ Trung Quốc nói rằng Lithuania đã phá vỡ chính sách “Một Trung Quốc” của EU, trong khi Vilnius và Brussels bác bỏ cáo buộc này.

Tranh chấp bắt nguồn từ việc Lithuania cho phép đặt "Văn phòng Đại diện Đài Loan" ở nước này (Ảnh: Reuters)

Tranh chấp bắt nguồn từ việc Lithuania cho phép đặt "Văn phòng Đại diện Đài Loan" ở nước này (Ảnh: Reuters)

Tình hình tiếp tục căng thẳng kể từ trước lễ Giáng sinh năm 2021, khi mà cơ quan hải quan ở Bắc Kinh từ chối gặp gỡ giới chức EU ở thủ đô với lý do họ “quá bận” xử lý đại dịch COVID-19. Thay vào đó, họ bảo các nhà ngoại giao EU tới gặp gỡ các cơ quan quản lý cảng địa phương của Trung Quốc.

Trong khi đó, Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda từng nói việc đặt tên văn phòng đại diện Đài Loan là một “sai lầm”, và các cuộc thăm dò dư luận cho thấy chính sách về Trung Quốc của Lithuania không được ủng hộ.

Lithuania là một trong số các nước EU ít chịu phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc, một thực tế thường được lấy ra để giải thích về quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của chính quyền Vilnius.

Tuy nhiên, chuỗi cung ứng đầy phức tạp của châu Âu hiện nay đã khiến một số quốc gia khác bị kéo vào vòng tranh chấp này, khiến EU đang phải thu thập bằng chứng để kiện Trung Quốc ra Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Nhiều công ty đến từ Đức, Pháp và Thụy Điển đã báo cáo về việc hàng hóa của họ bị chặn tại các cảng của Trung Quốc chỉ vì chúng có chứa linh kiện sản xuất tại Lithuania. Điều này khiến cho giới chức ở Brussels cũng như nhiều thủ phủ của châu Âu phải đau đầu.

Mặc dù EU ủng hộ quan điểm cứng rắn với Trung Quốc của Lithuania, nhưng họ lại có ít lựa chọn để chống lại hành động “đe dọa” thương mại của Bắc Kinh. Nhiều doanh nghiệp tỏ ra do dự không muốn cung cấp bằng chứng để lập đơn kiện lên WTO vì sợ bị đá khỏi thị trường Trung Quốc, nhiều nguồn tin cho hay.

Bởi vậy, Brussels đang phát triển một công cụ chống đe dọa, một vũ khí thương mại mạnh mẽ có thể khiến các nước có hành động đe dọa kinh tế bị đá ra khỏi thị trường tiềm năng của châu Âu. Nhưng để hoàn thiện công cụ này, họ sẽ mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm.

Chính phủ Pháp, hiện đã giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Liên minh châu Âu, đã tuyên bố sẽ tăng tốc phát triển công cụ này.

“Chúng tôi chỉ trích hành động đe dọa của Trung Quốc. Như các bạn đã biết, có một hệ thống chống đe dọa đang được hình thành, và dưới nhiệm kỳ Chủ tịch của Pháp, chúng tôi sẽ tăng tốc phát triển công cụ này, để ngăn chặn những biện pháp đe dọa mà Trung Quốc áp dụng với Lithuania” – Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói hồi tuần trước.

Trong hôm thứ Ba tuần này, các nhà lập pháp châu Âu đã hối thúc khối này đưa ra hành động kiên quyết nhằm vào Trung Quốc, bằng không sẽ hứng chịu thêm sự đe dọa từ Bắc Kinh.

Trong bức thư gửi tới các lãnh đạo EU, một nhóm gồm 41 nhà lập pháp nói rằng nếu không hành động như hiện nay, “Trung Quốc sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của EU và tăng cường các hoạt động “chia để trị” đối với các nước thành viên EU, cùng lúc làm thu nhỏ vai trò của EU trên toàn cầu”.