Đây là nội dung được phản ánh trong báo cáo kết quả giám sát về việc “chấp hành các văn bản quy phạm pháp luật trong quản lý và thu thuế giai đoạn 2011 - 2014”, vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Nợ thuế vẫn cao
Kết quả giám sát cho thấy, sau khi thực hiện Luật Quản lý thuế cho phép người nộp thuế tự kê khai, tự tính, tự nộp, tự quyết toán thuế, tự in hóa đơn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình thì tình trạng trốn lậu thuế có xu hướng gia tăng.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng về thủ tục thành lập doanh nghiệp để trốn thuế, mua bán lại doanh nghiệp nhằm chiếm đoạt tiền thuế, sau đó giải thể, phá sản để thành lập doanh nghiệp mới mà chưa có biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, cơ quan giám sát nhận định.
Song thời gian gần đây, cơ quan quản lý thuế đã phân loại đối tượng được phép tự in hóa đơn đã khắc phục đáng kể tình trạng này, báo cáo đưa thêm thông tin.
Với nhận xét hàng năm cơ quan thuế đã triển khai quyết liệt nhiều biện pháp quản lý nợ, đôn đốc, xử lý thu nợ , cơ quan giám sát nêu con số cụ thể: từ năm 2011-2014 đã thu được 101.800 tỷ đồng số tiền thuế nợ của năm trước chuyển sang năm sau.
Tuy nhiên, số nợ đọng xử lý thu được chưa đảm bảo theo tốc độ tăng thu và quy mô thu ngân sách nhà nước ngày càng tăng, dẫn đến tỷ trọng nợ thuế do ngành thuế quản lý trên tổng thu ngân sách nhà nước vẫn ở mức cao, số tiền nợ tuyệt đối vẫn tăng nhanh qua các năm.
Hạn chế khác được cơ quan thẩm tra chỉ ra là nhiều khoản thuế nợ đọng không có khả năng thu hồi nhưng không đủ căn cứ pháp lý, hồ sơ để được xóa nợ thuế. Điều này khiến các cơ quan quản lý thuế vẫn phải thực hiện theo dõi, làm tăng số nợ đọng thuế lũy kế lên cao qua các năm.
Cụ thể, số nợ đọng do ngành thuế quản lý: năm 2011 là 35.117 tỷ đồng, chiếm 6,5%, năm 2012 là 55.056 tỷ đồng, chiếm 8,9% và năm 2013 là 69.342 tỷ đồng, chiếm 10,1%.
Đặc biệt số nợ đọng khó thu hồi (nhóm đối tượng đã giải thể, phá sản, chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, liên quan đến trách nhiệm hình sự...) liên tục tăng qua các năm: nợ khó thu năm 2012 so với năm 2011 tăng 41,4%; năm 2013 so với năm 2012 tăng 56,5%.
Trong khi tình trạng trốn thuế phức tạp, thì kết quả giám sát lại cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra các đối tượng nộp thuế chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Thanh tra chống chuyển giá, nhất là đối với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia chưa nhiều.
Ở tầm khái quát hơn, phân tích từ Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng cho thấy tỷ lệ động viên từ thuế và phí vào ngân sách có xu hướng giảm qua các năm. 2013 đạt 20,4% GDP, năm 2014 ước đạt 19,7% GDP, năm 2015 dự kiến chỉ còn khoảng 18,9% GDP.
Xu hướng này, đặt trong bối cảnh nguồn thu từ sản xuất kinh doanh còn khó khăn, nhu cầu chi ngân sách nhà nước ngày một tăng, dưới góc nhìn của cơ quan giám sát là đã gây khó khăn nhất định trong cân đối ngân sách, đẩy mức nợ công tăng cao qua các năm, dẫn đến không đảm bảo giảm mức bội chi xuống dưới 4,5% GDP vào năm 2015 theo nghị quyết số của Quốc hội.
Thêm quyền điều tra ban đầu?
Cơ quan giám sát đề nghị trong thời gian tới, khi ban hành chính sách thuế cần tính toán để giữ mức huy động từ thuế, phí một cách hợp lý, vừa tháo gỡ khó khăn cho danh nghiệp, người dân, góp phần kích thích sản xuất, kinh doanh phát triển. Song cần đảm bảo cân đối ngân sách nhà nước, giảm mức nợ công, bội chi, nhằm bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong trung và dài hạn.
Kiến nghị sửa đổi Luật Quản lý thuế, Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng cần bổ sung chức năng điều tra ban đầu cho cơ quan thuế nhằm tăng cường công tác chống các hành vi gian lận thuế, trốn thuế.
Đồng thời, cần bổ sung quy định về trách nhiệm của người nộp thuế phải cung cấp đầy đủ các thông tin về số hiệu tài khoản mà người nộp thuế đăng ký ở nhiều ngân hàng thương mại hoặc các tổ chức tín dụng khác nhau khi cơ quan quản lý thuế yêu cầu.
Với thuế giá trị gia tăng, để bảo đảm đơn giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, cơ quan giám sát đề nghị nghiên cứu sửa đổi thuế suất về một mức thay vì 3 mức như hiện nay (0%, 5% và 10%) cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo VnEconomy