Thế khó của BoE: Muốn thắt chặt tiền tệ nhưng vẫn sẵn sàng tung 65 tỉ USD cứu thị trường trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Thủ tướng Anh Liz Truss từng chỉ trích việc 'in tiền' của BoE, nhưng đến tháng 9/2022, chính phủ của bà lại cho phép BoE khởi động các cỗ máy in tiền một lần nữa.

Thế khó của BoE: Vừa muốn mua trái phiếu chính phủ, vừa muốn thắt chặt chính sách tiền tệ (Ảnh: FT)
Thế khó của BoE: Vừa muốn mua trái phiếu chính phủ, vừa muốn thắt chặt chính sách tiền tệ (Ảnh: FT)

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) bị đẩy vào chế độ khủng hoảng tài chính toàn diện hôm 28/9 với tuyên bố sẵn sàng tung ra tới 65 tỉ USD để mua lại tạm thời trái phiếu chính phủ. Cơ quan này cũng cho biết hoạt động mua lại trái phiếu sẽ được thực hiện "ở bất cứ quy mô nào cần thiết" để xoa dịu thị trường.

Một số quan chức chính phủ Anh nói rằng tình trạng bất ổn tài chính gần đây là vấn đề toàn cầu đều hứng chịu chứ không chỉ riêng quốc gia này. Song, phần đông thị trường ngầm hiểu rằng, những vấn đề mà nước này đang đối mặt là hậu quả của khoản cắt giảm thuế 45 tỉ USD trong gói ngân sách “mini” mà Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố hôm thứ Sáu tuần trước.

Sự trượt giá của đồng bảng Anh so với đồng USD và mức tăng lợi tức trái phiếu chính phủ kể từ khi ông Kwarteng công bố gói ngân sách đã đẩy chính sách kinh tế của Thủ tướng Liz Truss vào chỗ hiểm nghèo, và động thái - không khác gì việc nới lỏng tiền tệ - mới nhất của BoE càng làm dấy lên nhiều câu hỏi.

Trong suốt chiến dịch tranh cử cho vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ của mình, bà Truss đã đổ lỗi cho chương trình nới lỏng tiền tệ thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính của BoE – bao gồm in tiền để mua 875 tỉ bảng trái phiếu chính phủ nhằm thúc đẩy nền kinh tế - đã gây ra lạm phát.

“Một phần của lạm phát gây ra bởi việc tăng nguồn cung tiền,” bà Truss từng nói trong tháng 7, nhưng đến tháng 9, chính phủ của bà lại cho phép BoE khởi động các cỗ máy in tiền một lần nữa.

Thị trường kỳ vọng lãi suất ở Anh sẽ tăng cao (Ảnh: FT)

Thị trường kỳ vọng lãi suất ở Anh sẽ tăng cao (Ảnh: FT)

BoE nói rằng, mục đích của việc mua trái phiếu chính phủ là để vãn hồi và ổn định thị trường tài chính chứ không nhằm tăng lạm phát. Ngân hàng trung ương cũng tìm cách ngăn chặn tình trạng tăng lợi tức chứng khoán viền vàng (GILTS) có thời gian đáo hạn trên 20 năm, vốn đe dọa khả năng thanh toán của các quỹ hưu trí.

Nhưng các nhà phân tích thể hiện quan ngại rằng ông Kwarteng và BoE có thể bị cuốn theo hai hướng ngược nhau – chương trình giảm thuế của ông Kwarteng nhằm kích cầu, trong khi BoE tăng lãi suất (giảm cầu) để kiềm lạm phát.

Paul Hollingsworth, nhà kinh tế học đến từ BNP Paribas, nói rằng: “Khó có thể nói là có sự hợp tác, bởi chính sách tài khóa đang nhấn ga còn chính sách tiền tệ lại đạp phanh".

Động thái mới của BoE càng trở nên phức tạp hơn bởi kế hoạch mua trái phiếu của chính phủ đang diễn ra cùng thời điểm mà họ muốn thắt chặt chính sách tiền tệ, một phần thông qua việc bán chứng khoán viền vàng tích lũy được nhờ chương trình nới lỏng tiền tệ giai đoạn sau 2009. Chương trình mua trái phiếu chính phủ mới khiến ngân hàng trung ương nước này 'mang tiếng' là làm tăng lạm phát.

Chính sách tài khóa và động thái mới của BoE có nguy cơ khiến lạm phát tăng thêm (Ảnh: FT)

Chính sách tài khóa và động thái mới của BoE có nguy cơ khiến lạm phát tăng thêm (Ảnh: FT)

Bethany Payne, quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại Janus Henderson Investors, nói rằng: “Ngân hàng Anh đang đề xuất mua chứng khoán viền vàng một cách hào phóng bắt đầu từ ngày hôm nay. Điều này đi ngược lại tuyên bố mà họ đưa ra tuần trước rằng họ sẽ bán chứng khoán viền vàng, bắt đầu từ ngày thứ Hai, 3/10.”

Với sự xuất hiện của những điều hết sức mâu thuẫn, ảnh hưởng tới uy tín của chính sách kinh tế Anh, câu hỏi lớn là điều xuất hiện tiếp theo.

BoE trong hôm thứ Tư khẳng định chắc chắn rằng họ sẽ tuân thủ thời gian biểu đưa ra quyết định về lãi suất, trong đó cuộc họp tiếp theo của Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC) dự kiến diễn ra vào ngày 3/11.

Gerard Lyons, trưởng chiến lược gia kinh tế tại Netwealth, một cố vấn không chính thức của Thủ tướng Truss, nói rằng nếu có khả năng, BoE “nên tránh đưa ra các quyết định giữa các cuộc họp” về lãi suất. Điều này sẽ tránh gây ra cảm giác hoảng loạn, trong khi việc đưa ra mức nâng lãi suất trong một cuộc họp khẩn của MPC là điều rất khó khăn, ông nói thêm.

BoE cũng nhấn mạnh rằng, họ muốn thoát khỏi hoạt động in tiền nhanh nhất có thể: vào ngày 14/10. Họ nói rằng việc mua tài sản sẽ “chỉ trong khoảng thời gian hạn chế” mặc dù giới chức BoE nhấn mạnh rằng, việc can thiệp của chính phủ ngắn hay dài còn tùy thuộc vào hiệu quả đạt được.

Một khi các thị trường tài chính cảm nhận được quy mô của sự can thiệp của BoE, giới chức ngân hàng trung ương kỳ vọng rằng tình trạng bất ổn hiện nay sẽ giảm dần và những bên mua trái phiếu chính phủ sẽ trở lại ngay cả khi lợi suất vẫn ở mức cao hơn so với những năm gần đây.

Kallum Pickering, kinh tế gia đến từ Berenberg Bank, nói rằng thông điệp của BoE ở đây là “đừng chống lại một ngân hàng trung ương bằng chính đồng tiền của nó” nếu không bạn có thể mất rất nhiều tiền.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế, vấn đề trầm trọng hơn của BoE chính là, bằng việc cứu giúp các vị Bộ trưởng, họ dường như sẵn sàng in thêm tiền để rót ngân sách cho chính phủ, một động thái mà họ từng cam kết là sẽ không bao giờ làm bởi sẽ gây ra lạm phát.

Họ mô tả quy trình này là “áp chế tài chính” (Fiscal Dominance), và hậu quả là có thể khiến lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát.

Allan Monks, kinh tế gia đến từ JPMorgan, nói: “Bức tranh này không có lợi cho ngân hàng trung ương và chắc chắn sẽ gây ra nhiều cuộc thảo luận về áp chế tài chính và tài chính tiền tệ cho thâm hụt ngân sách.”

“Việc khởi động lại mua trái phiếu dựa trên danh nghĩa điều hành thị trường là có thể biện minh được, tuy nhiên, chính sách này cũng làm dấy lên nguy cơ về điều chuyển tiền cho chính phủ chi tiêu, có thể làm tăng tính nhạy cảm của thị trường và ép buộc chuyển hướng tiếp cận,” Robert Gilhooly, chuyên gia kinh tế đến từ Abrdn, nói.

Ông Kwarteng, dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị của đảng Bảo thủ trong hôm đầu tuần tới, tiếp tục hứng chịu sức ép phải giải thích rõ về việc liệu chương trình giảm thuế của ông có thể tồn tại cùng với tài chính công bền vững hay không. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong hôm thứ Ba đã công kích chương trình giảm thuế của ông Kwarteng , đồng thời hối thúc chính phủ Anh “xem xét lại” kế hoạch này, bởi các biện pháp “không rõ mục tiêu” này có thể khiến lạm phát tăng.

David Page, đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô tại Axa Investment Manages, nói: “Rõ ràng là các chính sách phớt lờ thực trạng kinh tế của chính phủ Anh có tiềm ẩn rủi ro gây ra nhiều tác hại.”

Thủ tướng Truss và Bộ trưởng Kwarteng đến nay vẫn từ chối thay đổi hướng đi của mình. Mặc dù việc rút khỏi chương trình giảm thuế của ông Kwarteng sẽ làm hài lòng các thị trường tài chính, IMF và cả các nghị sĩ đảng Bảo thủ, nhưng điều này rất khó xảy ra.

Theo Financial Times