Có hai đặc điểm đáng chú ý từ báo cáo tài chính nửa đầu năm 2017 của MWG. Thứ nhất, doanh thu bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp này đạt 2.556 tỷ đồng, tuy tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm 2016, nhưng vẫn chỉ chiếm gần 8,2 % tổng doanh thu trong cùng thời gian.
Kết quả này cho thấy MWG tăng trưởng doanh thu chủ yếu nhờ vào mở rộng địa bàn bán lẻ thông qua mở rộng số cửa hàng tại các địa phương.
Cụ thể, trong nửa đầu năm, MWG đã mở thêm 272 cửa hàng. Hiện, chuỗi cửa hàng của công ty đã được nâng lên thành 1.527 của hàng tại tất cả tỉnh thành trên cả nước.
Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đã có dấu hiệu dừng lại, khi chỉ tăng sát với mức kỳ vọng là 12% so với cùng kỳ năm trước.
Dù tổng doanh thu và tổng lợi nhuận của MWG vẫn tăng mạnh, nhưng đây là những dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp này cần chuẩn bị đa dạng hóa hơn nữa các hình thức bán hàng khác để duy trì đà tăng trưởng doanh thu.
Thứ hai, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của MWG lần lượt đạt 31.243 tỷ đồng và 1.070 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 59% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đã chậm lại, bằng chưa đến một nửa so với mức tăng trưởng doanh thu trong cùng thời gian. Đồng thời, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng doanh thu đạt khoảng hơn 3,4%, vẫn khá thấp so với mức kỳ vọng.
Theo báo cáo tài chính của MWG, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh chương trình mở rộng số cửa hàng, đồng thời chủ yếu vay ngắn hạn để kinh doanh. Đặc điểm này khiến chi phí của doanh nghiệp tăng và từ đó ảnh hưởng tới lợi nhuận kỳ vọng.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã trả hơn 15.015 tỷ đồng vay ngắn hạn, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân mỗi ngày MWG dành tới hơn 80 tỷ đồng để xử lý các khoản vay.
Như vậy, việc thâu tóm thành công chuỗi siêu thị điện máy Trần Anh có thể tác động tới kế hoạch lợi nhuận cả năm của MWG, do phải tìm hướng vay vốn trung hạn, hoặc phát hành thêm trái phiếu, cổ phần mới phục vụ hoạt động mua bán sáp nhập.