Ai đã vô tình để lộ thông tin?
Chuyên gia an ninh mạng Ngô Minh Hiếu (Hiếu PC) cho biết, thông tin của người Việt Nam hiện đang lộ, lọt trên không gian mạng rất nhiều. Đầu tiên, kẻ xấu có thể tìm kiếm thông tin này trên tài khoản cá nhân. Người dùng thường xuyên chia sẻ thông tin, hình ảnh của bản thân, con cái dẫn đến lộ thông tin cá nhân một cách tình cờ mà không biết.
Bây giờ muốn tìm một gia đình nào có con học ở trường quốc tế rất dễ, cứ lên Facebook tìm kiếm là ra. Nhiều gia đình không ngần ngại chia sẻ công khai, quay hình ảnh con học ở trường, ở lớp.
Đôi khi chỉ cần để lộ số điện thoại thôi có thể tìm ra được đường link trang cá nhân của Facebook, danh tính của chủ nhân số điện thoại bao gồm căn cước công dân, địa chỉ, ngày tháng năm sinh...
Một nguy cơ làm lộ, lọt thông tin khác chính từ những dịch vụ bản thân hoặc công ty của mình đang sử dụng. Điển hình rất dễ thấy hiện nay như: hãng hàng không, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, vui chơi, nghỉ dưỡng,... khi phụ huynh, học sinh khai báo thông tin để làm thẻ khách hàng thì có thể bị bán dữ liệu ra ngoài.
Nạn mua bán thông tin cá nhân cũng đang diễn ra rất phức tạp, thông tin cá nhân được chào bán với giá rất rẻ. Kẻ lừa đảo còn có thể biết biết tên, địa chỉ, nghề nghiệp, thậm chí là mức thu nhập nữa.
Cũng cần nói thêm là với những kẻ chủ mưu lừa tiền, chắc chắn họ không từ một thủ đoạn nào để tranh thủ tận dụng các thành tựu khoa học công nghệ. Được biết, đã có những công nghệ giả mạo số điện thoại và nếu được sử dụng với mục đích xấu thì những người bị hại sẽ có thể cả tin vì cho rằng đích danh những người thân đã gọi cho họ. Và nếu không chủ động gọi lại để xác minh thì coi như đã mắc mưu.
Không chỉ có vậy, còn có cả một số phần mềm: “Photoshop giọng nói” với kỹ thuật ráp khớp hình và tiếng (video manipulation technology) giúp chỉnh sửa phát ngôn của con người, thậm chí làm giả hoàn toàn video để tạo ra những câu chuyện sai lệch hoặc không có thật khiến người dùng mạng xã hội không phân biệt được đâu là tin đúng sự thật, đâu là tin giả.
Người bị hại đã bị “thao túng tâm lý”
Nhận định các vụ việc dưới góc độ tâm lý học, theo PGS.TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học Lâm sàng, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết, tâm trạng lo lắng luôn hiện hữu trong đời sống của các bậc làm cha mẹ, nên khi nghe tin con mình gặp vấn đề hầu hết các phụ huynh sẽ phản ứng theo cách ngay lập tức phải làm sao để cho con mình được an toàn.
Do cha mẹ không thể đủ bình tĩnh để suy xét và thực hiện một hành động đơn giản là gọi điện cho nhà trường, bệnh viện để xác minh rõ sự việc, họ ngay lập tức sẽ chuyển tiền, sau đó mới đi đến bệnh viện để xem tình trạng hiện nay của con mình. Chuỗi các hành động trên thể hiện sự lo âu cực kỳ lớn, dựa trên những vấn đề về sang chấn và biến cố.
"Hầu hết các vụ việc trên xuất hiện ở TPHCM, trong khi tại Hà Nội chưa ghi nhận nhiều. Chúng ta nhận thấy rằng TPHCM vừa trải qua một giai đoạn rất đau thương, có nhiều sự mất mát do dịch COVID-19. Đây là một trong những nguyên nhân quan trọng tác động tâm lý khiến người dân trở nên căng thẳng nhiều hơn, lo lắng nhiều hơn. Mức độ lo lắng đấy vượt lên trên cái sự suy xét, khiến cho nhiều người không đủ năng lực để xem xét tất cả mọi thứ dẫn đến phản ứng theo cảm xúc nhiều hơn lý trí"- PGS.TS Trần Thu Hương nói.
Ngoài ra, phân tích các cuộc gọi với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản dễ thấy các đối tượng thường nói một cách gấp rút, đẩy tính nghiêm trọng, khẩn cấp của sự việc lên đỉnh điểm. Liệu có hay không dấu hiệu của "bẫy thao túng tâm lý"?
Về khía cạnh trên, PGS.TS Trần Thu Hương bày tỏ quan điểm: "Cường độ giọng nói trong của các cuộc gọi lừa đảo đẩy phụ huynh gần như ở trong một tình trạng có thể mô tả khá giống như là bị thôi miên, người nghe không còn có đủ khả năng để nhận thức một cách rõ ràng và chính xác vấn đề đang xảy ra. Vậy nên, theo tôi sẽ có một phần dấu hiệu của thao túng tâm lý ở sâu bên trong các sự việc trên, khiến cho người dân rơi vào tình trạng bị động, không thể xoay sở kịp".
Đối phó với những kẻ lừa đảo núp sau các cuộc gọi, chuyên gia tâm lý này có lời khuyên khuyên các bậc phụ huynh hãy cố gắng kiềm chế cảm xúc để nhận biết và bình tĩnh để có phương thức ứng phó ngược lại. Những sự việc trên liên quan trực tiếp đến an nguy của người thân, người dân cần xác minh một cách rõ ràng. Ngoài ra, các hoạt động tại bệnh viện hay trường học luôn diễn ra theo một quy trình cụ thể do đó người dân cũng cần chủ động tìm hiểu, kịp thời phát hiện dấu hiệu của hành vi lừa đảo.
Cần xử lý ra sao?
Sự việc vừa qua ở TPHCM đã rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về vấn nạn lừa đảo qua điện thoại với không ít bậc cha mẹ. Được biết cơ quan công an đã vào cuộc nhưng đến nay vẫn chưa tìm ra tung tích những kẻ đã chủ mưu việc này.
Thực tế đó cho thấy với sự phát triển của công nghệ thì mặt trái của nó là có thể nhanh chóng trở thành công cụ của tội phạm. Vì thế, bản thân ngành công an cũng cần phải cập nhật về công nghệ để đối phó và xử lý được với các loại tội phạm này.
Thêm nữa là luật pháp cũng phải theo kịp với tình hình thực tế của công nghệ. Vì thế, đã có những ý kiến cho rằng, cần xây dựng riêng một bộ luật về phòng chống tin giả. Khi đó, việc này sẽ đặt nền móng cho việc triển khai công tác nghiên cứu, dự báo, phát triển các giải pháp phòng, chống tin giả trong tương lai, giúp xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin về tình hình tin giả giữa các bộ, ngành, địa phương để chủ động trong công tác phòng, chống tin giả.