Doanh nghiệp ứng phó với tin giả chậm vì tâm lý chờ đợi có khủng hoảng truyền thông mới xử lý

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đa phần doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có tin giả, xuất hiện khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý, nên lúc nào cũng chậm - Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và TTĐT Lê Quang Tự Do nói.
Tin giả như 'bóng ma' tác động rất khủng khiếp, có thể làm doanh nghiệp sụp đổ. Ảnh minh họa.
Tin giả như 'bóng ma' tác động rất khủng khiếp, có thể làm doanh nghiệp sụp đổ. Ảnh minh họa.

Trao đổi về việc bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả, ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) thẳng thắn cho rằng doanh nghiệp không chủ động, chỉ khi nào có tin giả, có khủng hoảng truyền thông thì mới bắt đầu đi xử lý nên lúc nào cũng chậm. Do đó, phải có kế hoạch bài bản về truyền thông và luôn luôn phải đi trước một bước là dự báo, dự đoán vấn đề liên quan.

Cục trưởng dẫn chứng, khi xuất hiện tin đồn liên quan đến một loạt các công ty chứng khoán, bất động sản, trái phiếu thì chỉ tin nào liên quan đến công ty nào thì công ty đó mới làm. Còn các công ty khác, ngay cả khi cơ quan quản lý nhà nước đã dự báo, yêu cầu phải chuẩn bị thông tin kịp thời để trấn an dư luận thì cũng không có công ty nào làm và rồi lần lượt từng công ty đều gặp phải tin giả về hoạt động.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, ngoài đầu mối là Trung tâm xử lý tin giả của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn.
Ông Lê Quang Tự Do cho biết, ngoài đầu mối là Trung tâm xử lý tin giả của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, các doanh nghiệp khi gặp những tin giả, tin đồn cũng có những cách liên hệ trực tiếp luôn với cơ quan chức năng để được hướng dẫn.

Ông Lê Quang Tự Do dẫn chứng câu chuyện mới đây về một doanh nghiệp gặp phải tin giả rằng doanh nghiệp này có trái phiếu rất lớn và lãnh đạo đã bỏ trốn. Khi thông tin này lan đi khắp mạng xã hội, doanh nghiệp mới tá hỏa, vội vã cung cấp thông tin ra. Trong khi đó, thực tế doanh nghiệp có thể thực hiện trước để ngăn chặn.

"Tất nhiên khi khủng hoảng truyền thông ta phải có những cách ứng xử quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn. Nếu chúng ta chủ động thì giảm thiểu được những tin đồn rất nhiều" - ông nói.

Cục trưởng Cục PTTH và TTĐT cũng cho biết, hiện nay, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã truyền thông điệp đó đến Quốc hội và đang tham mưu cho Thủ tướng ban hành chỉ thị yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương phải cùng tham gia quản lý thông tin trên không gian mạng với phương châm mình đang quản lý lĩnh vực nào ở ngoài đời thực thì quản lý lĩnh vực đó trên không gian mạng. Thực tế cần toàn xã hội vào cuộc mới giải quyết được căn cơ vấn đề trên không gian mạng.

Cục trưởng Lê Quang Tự Do lý giải, hiện nay chỉ có Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Công an phụ trách chính việc giải quyết các vấn đề trên môi trường mạng và "thực sự chúng tôi không đủ sức, vì nó liên quan đến tất cả các lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, trái phiếu,..."

Dẫn chứng về thời kỳ rộ lên "thần y ba đời khám chữa bệnh" trên các kênh truyền thông xã hội, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, nếu Bộ Y tế không lên tiếng thì chắc chắn Bộ Thông tin truyền thông không thể có đủ cơ sở để xử lý. Do đó, việc cùng nhau quản lý trên không gian mạng hiện nay là nhu cầu cấp thiết, để xử căn cơ, rốt ráo các vấn đề tồn tại hiện nay.

Ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) - cho rằng điều rất đáng tiếc ở Việt Nam là một số cơ quan kể cả doanh nghiệp chưa thực sự có chiến lược truyền thông tốt, chưa thực sự cởi mở với báo chí, với truyền thông và chưa thực sự chủ động cung cấp thông tin về mình.

Đối với nhiều cơ quan quản lý nhà nước, tuy cũng có cơ chế về người phát ngôn chính thức, nhưng nhiều trường hợp phát ngôn chưa kịp thời, khi đó tin đồn đã đi rất xa rồi. Tin đồn chỉ qua một thời gian ngắn có thể gây thiệt hại rất lớn.

Do đó, theo ông Tuấn, các cơ quan cần phản ứng nhanh hơn. Có thể là do cơ chế hành chính khiến cũng cần phải thận trọng, cũng cần phải phối hợp, cũng phải xin phép. Nhiều khi qua thủ tục hành chính cũng tạo hệ quả rất lớn.

"Chúng ta cần phải chuyên nghiệp. Phải có người rất là chuyên trong lĩnh vực này, là đầu mối trong lĩnh vực này và đưa ra những phản ứng kịp thời. Khi mà thông tin tốt, thông tin đúng nguồn được đưa ra kịp thời nhanh nhất thì hậu quả của tin đồn sẽ giảm đi" - đại diện VCCI nói.

Về mặt dài hạn thì chúng ta cần có đầu mối về vấn đề này, cần có đầu mối hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cho người dân, thậm chí hỗ trợ cho chính các cơ quan nhà nước về cách thức chống tin giả, xử lý tin đồn, kỹ năng, kinh nghiệm xử lý tin đồn, và họ phải được đào tạo trong lĩnh vực nhà nước để có thể tư vấn trong lĩnh vực này. Cần phải có nhân sự tốt. Về cơ bản chúng ta phải có nhiều thông tin tốt là gốc rễ của hạn chế tin đồn.