Thanh tra Sở cảnh cáo về cách bảo quản bảo vật quốc gia tùy tiện

VietTimes – Thanh tra Sở Văn hóa thể thao (VHTT) TP.HCM yêu cầu lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cần kiểm điểm nghiêm khắc về vụ việc sai phạm.
Bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí lúc còn nguyên vẹn là kiệt tác hội họa
Bức tranh bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí lúc còn nguyên vẹn là kiệt tác hội họa
Những điểm sai khác, chênh lệch quá nhiều trên bức tranh hiện tại như mất rất nhiều vàng, lộ trứng bị trơ, màu biến đổi, hình họa trở nên thô kệch… khiến giới chuyên môn mỹ thuật cảm thấy đau đớn

Những điểm sai khác, chênh lệch quá nhiều trên bức tranh hiện tại như mất rất nhiều vàng, lộ trứng bị trơ, màu biến đổi, hình họa trở nên thô kệch… khiến giới chuyên môn mỹ thuật cảm thấy đau đớn

Chánh Thanh tra Sở VHTT TP.HCM, ông Châu Quốc Dũng, thừa lệnh của ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở, trả lời VietTimes trong văn bản số 122/TTS về xử lý sai phạm với việc làm hỏng bảo vật quốc gia “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí.

Văn bản cho biết:  “Tác phẩm tranh sơn mài “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí – Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, là bảo vật quốc gia, được bảo quản tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Ngày 28/8/2018, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có tờ trình số 139/TTr-BTMT về việc bảo quản, phòng ngừa tác phẩm. Ngày 28/8/2018, Sở VHTT TP.HCM có công văn số 4171/SVHTT-QLDSVH chấp thuận chủ trương đồng ý cho Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM thực hiện bảo quản, phòng ngừa tác phẩm”.

Về quy trình thực hiện việc bảo quản tác phẩm tưởng như đã làm đúng. Tuy nhiên, văn bản kết luận: “Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã giao việc bảo quản, phòng ngừa, vệ sinh tác phẩm cho ông Lưu Minh Phụng – thợ sơn mài ở TP.HCM. Do không hiểu biết về nghệ thuật hội họa sơn mài của họa sĩ Nguyễn Gia Trí nên ông Phụng sử dụng nước rửa chén và bột chu, giấy ráp 2000 can thiệp quá mức khi làm vệ sinh bề mặt bức tranh”.

Nguyên nhân gây hỏng bức tranh bảo vật quốc gia liên quan đến nước rửa chén, bột chu và giấy ráp 2000 đã gây bức xúc trong công chúng và giới hội họa suốt nhiều ngày liền.

Bức tranh gốc của danh họa là tuyệt tác mỹ thuật
Bức tranh gốc của danh họa là tuyệt tác mỹ thuật 
Cận cảnh những chi tiết bị mất vàng và biến đổi màu sắc rất nhiều
Cận cảnh những chi tiết bị mất vàng và biến đổi màu sắc rất nhiều 

Qua buổi làm việc với Đoàn công tác gồm đại diện Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch), Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Sở VHTT TP.HCM và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác. Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.

Còn về phía Sở VHTT TP.HCM, văn bản khẳng định Sở đã chỉ đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM lập dự án tu sửa tác phẩm “Vườn xuân Trung Nam Bắc” một cách khoa học, khắc phục sự hư hại hiện tại ở mức độ tốt nhất.

“Trên cở sở nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng mức độ hư hại, theo đánh giá của các họa sĩ sơn mài uy tín và của Hội đồng khoa học, Bảo tàng cần xây dựng phương án, giải pháp tu sửa, làm thử nghiệm một số vị trí trên tranh; giao việc tu sửa phục hồi tác phẩm cho họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người đã trực tiếp làm việc với họa sĩ Nguyễn Gia Trí hoặc họa sĩ có chuyên môn, uy tín cao trong nghề làm tranh sơn mài. Có sự phối hợp giám sát của Trung tâm bảo quản tu sửa tác phẩm mỹ thuật – Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam” – Ông Châu Quốc Dũng, Chánh Thanh tra Sở VHTT trong văn bản số 122 viết.

Văn bản nhấn mạnh: “Lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, các cán bộ bảo tàng cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc về sự đơn giản, tùy tiện trong công việc bảo quản, bảo dưỡng tác phẩm, thái độ ứng xử với hiện vật bảo tàng, đặc biệt với hiện vật là bảo vật quốc gia”.

Toàn bộ văn bản số 122 của Thanh tra Sở VHTT TP.HCM gửi VietTimes
Toàn bộ văn bản số 122 của Thanh tra Sở VHTT TP.HCM gửi VietTimes 
 

Tuy nhiên, bảo vật bị làm hỏng là mất mát quá to lớn đối với mỹ thuật Việt. Bức tranh bảo vật “Vườn xuân Trung Nam Bắc” thể hiện nhiều tìm tòi sáng tạo đỉnh cao trong cả nghệ thuật và kỹ thuật vẽ sơn mài; đặc biệt quý giá bởi tính độc bản và là tác phẩm có kích cỡ cực lớn, lên tới 5,4m x 2m.

Thời gian qua, rất nhiều họa sĩ đã lên tiếng về việc cho dù họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, người học trò thân cận của danh họa Nguyễn Gia Trí có tham gia phục hồi lại bức tranh cũng là điều … không tưởng. Bởi mỗi lần sáng tạo là độc nhất vô nhị, nên chính ngay họa sĩ Nguyễn Gia Trí nếu có sống lại cũng sẽ không quyết định được từng chi tiết của tác phẩm đúng như lần sáng tác đầu tiên, từ những năm 1969 cho đến khi hoàn thành năm 1989 tức quá trình sáng tạo kéo dài suốt 20 năm liền.