“Làm vệ sinh” hay là “hô biến” bảo vật quốc gia?

VietTimes – Sau khi VietTimes đăng bài "Bảo vật quốc gia – tranh danh họa Nguyễn Gia Trí “kêu cứu”, nhiều bạn đọc đã phản hồi, bày tỏ lo lắng về sự biến dạng của bảo vật quốc gia sau khi "làm vệ sinh".  VietTimes đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Phạm Hà Hải, nguyên chuyên viên Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, để làm rõ hơn các vấn đề quanh sự việc này.

Đã rất nhiều bậc thầy trong làng mỹ thuật, đặc biệt là các họa sĩ chuyên về sơn mài, đều cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã “hô biến” bảo vật quốc gia thành thứ… vô giá trị.
Đã rất nhiều bậc thầy trong làng mỹ thuật, đặc biệt là các họa sĩ chuyên về sơn mài, đều cho rằng Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã “hô biến” bảo vật quốc gia thành thứ… vô giá trị.

Các họa sĩ cho rằng vụ “làm vệ sinh” bức tranh bảo vật là một nỗi đau của nền mỹ thuật Việt. Sự việc càng bẽ bàng hơn khi Việt Nam vốn tự hào là xứ góp phần làm nên nghệ thuật sơn mài, mà “làm vệ sinh” một bức tranh còn rất trẻ và rất tốt cũng không xong?

- Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nền tảng rất tốt về kỹ thuật bảo vệ tranh, chúng tôi phải học hỏi từ nhiều nước trên thế giới. Vậy mà năm 2004, khi tu sửa bức tranh “Em Thúy” – kiệt tác của họa sĩ Trần Văn Cẩn, cũng gây nhiều tranh luận về quan điểm sửa chữa.

Chuyên gia Caroline (tới từ Austraylia) chủ trương theo trường phái tu sửa phục dụng, đưa bức tranh về gần với thời điểm sáng tác, sử dụng acrylic để vẽ bổ sung. Chất liệu acrylic không bám quá chặt như sơn dầu nên có thể lấy ra nếu không đạt yêu cầu.

Còn tôi và nhiều họa sĩ khác lại đồng thuận với phương pháp bảo quản tu sửa - tức là chỉ cố gắng giữ được tác phẩm như chính nó ở thời điểm sưu tầm về bảo tàng là tốt nhất. Bởi vì phương pháp này khoa học và chính xác hơn.

Thêm nữa, chúng ta có thể học tập các nước phương tây từ khám nghiệm tới phân tích, các thao tác, đưa giải pháp… nhưng  riêng với tranh sơn mài thì họ không thể dạy ta được. Bởi chính Việt Nam là xứ góp phần làm nên nghệ thuật tranh sơn mài.

“Làm vệ sinh” hay là “hô biến” bảo vật quốc gia? ảnh 1

Họa sĩ Phạm Hà Hải 

*Một bức tranh sơn mài mới có 30 năm tuổi, theo nhiều họa sĩ chuyên ngành sơn mài khẳng định thì không cần phải “làm vệ sinh” . Vậy liệu còn nguyên nhân gì khác đằng sau việc tác động tới bề mặt bảo vật quốc gia này? Mà như ông Trịnh Xuân Yên – Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM “phản pháo” thì tranh không xuống cấp và việc “làm vệ sinh” là đúng quy trình?

- Tuy ông Trịnh Xuân Yên nói là đã làm đúng quy trình, nhưng đó mới chỉ là lời nói, cần xác định lại xem đã đúng và đủ quy trình thật chưa. Quy trình về mặt hành chính mới chỉ đáp ứng vấn đề tính pháp lý mà chưa đủ các nguyên tắc của công việc này. Một người lãnh đạo đứng đầu thiết chế văn hóa nhưng không có kiến thức về chuyên môn mà cũng không coi trọng ý kiến chuyên môn sẽ dẫn tới việc cứ nghĩ rằng đã làm “đúng quy trình”, kết cục sẽ thành ra những thảm họa như vậy.

Để đánh giá sự sai khác sau khi vệ sinh tranh cũng không thể nói một lời như ông Yên là xong. Phải dùng hai nguồn, một là các chứng lý – phương tiện khoa học, biên bản đánh giá, nhật ký ghi chép quá trình tu sửa, các ảnh chụp có căn tọa độ để xác định điều kiện vật chất trên bề mặt tranh đã thay đổi sau khi vệ sinh như thế nào? Sau đó cần góc nhìn đánh giá và quan điểm thẩm mỹ của các chuyên gia.

Góc chụp cận cô gái tao nhã trong tranh danh họa
Góc chụp cận cô gái tao nhã trong tranh danh họa 
Nay bị biến thành đường nét thô kệch, vụng về
Nay bị biến thành đường nét thô kệch, vụng về 

* Nhiều bậc thầy về sơn mài những ngày qua đau đớn cho rằng Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã “hô biến” một tác phẩm lộng lẫy triệu người say đắm và ngưỡng mộ, thành một vật vô giá trị. Rằng bức tranh hiện tại bề mặt hỏng tới 70%, còn tinh thần thì hỏng cả 100% so với tác phẩm nguyên gốc? Trường hợp bảo vật quốc gia mà bị làm hư hại do sai sót như thế này, ai là người chịu trách nhiệm? Hay chỉ kiểm điểm, rút kinh nghiệm là xong?

- Nhiều khi chỉ là những người làm chuyên môn thôi, nhưng lại gánh trên vai trọng trách mang yếu tố lịch sử. Chẳng hạn như người thợ sơn mài làm công việc “vệ sinh” cho bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của danh họa Nguyễn Gia Trí. Vấn đề là nếu anh làm lãnh đạo của một bộ máy, đặc biệt là một thiết chế văn hóa, anh phải có tầm để đặt đúng người làm chuyên môn có tâm vào vị trí và coi trọng ý kiến chuyên môn.

Nếu người chưa từng yêu hoặc hiểu bức tranh, sẽ thấy chả có ý nghĩa gì cả. Nhưng người làm nghề, giới chuyên môn thì khóc đau khóc đớn. Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM phải chịu toàn bộ trách nhiệm về vụ việc này.

* Những ngày qua, nhiều họa sĩ chuyên ngành sơn mài cho biết, người làm công việc quan trọng này khá… hàng chợ? Không biết lý do gì để người đó được lựa chọn thực hiện một công việc quan trọng như thế, để rồi “hô biến” bảo vật thành một thứ vô giá trị như hiện tại? Tranh còn rất “trẻ”, rất tốt mà sơn mài là vật liệu có độ bền cực cao vì đã qua thời gian ủ rất kỹ. Mới có 30 tuổi mà đã phải chỉnh sửa, các nhà chuyên môn thắc mắc chả lẽ sơn mài lại yếu về độ bền vật liệu hơn cả tranh bột màu trên giấy trong điều kiện bảo quản giống nhau?

Tranh danh họa là bậc thầy về kỹ thuật sơn mài và còn chuyển tải tinh thần văn hóa sâu sắc, quý phái, tinh tế, lịch lãm, sang trọng
Tranh danh họa là bậc thầy về kỹ thuật sơn mài và còn chuyển tải tinh thần văn hóa sâu sắc, quý phái, tinh tế, lịch lãm, sang trọng
Bản chỉnh sửa chỉ là hàng "thứ cấp"
Bản chỉnh sửa chỉ là hàng "thứ cấp" 

- Nếu Ban lãnh đạo Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM hiểu được tầm quan trọng của bức tranh bảo vật quốc gia, sẽ hết sức cẩn thận, nhất cử nhất động phải có tham vấn của Cục Di sản Văn hóa, Cục Mỹ thuật Nhiếp ảnh Triển lãm (Bộ VHTT&DL) và Hội đồng nghệ thuật. Nếu các cơ quan liên quan ở tất cả các cấp đều không thỏa mãn được yêu cầu công việc, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM có thể kêu lên đến tận Thủ tướng Chính phủ, để tìm ra được cách làm đúng chứ không phải làm như thế này.

*Nguồn tin từ giới mỹ thuật cho biết ngày 25/4 có cuộc họp kín giữa UBND TP.HCM với các chuyên gia và Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM?

- Tôi cho rằng bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM nếu minh bạch và dũng cảm, đủ tư cách, trình độ thì đừng họp kín. Hãy họp công khai, trong đó có mặt cả Phó Chủ tịch phụ trách văn xã của UBND TP.HCM, lãnh đạo Sở VHTT, đại diện cán bộ tu sửa, người chịu trách nhiệm tu sửa trực tiếp, gặp gỡ đối chất với các nhà chuyên môn và báo chí. Phải làm rõ được lịch sử vấn đề, các căn cứ pháp lý và quy trình văn bản, bàn về nghệ thuật và khoa học trong nghệ thuật, rồi tìm ra giải pháp.