Thành công của mô hình “Bệnh viện chị - em”: Công nghệ thông tin là yếu tố đặc biệt quan trọng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Với sự hỗ trợ mạnh mẽ của CNTT, chuyển đổi số, Hà Nội đã bước đầu triển khai thành công mô hình “Bệnh viện chị - em”. Nhờ đó, nhiều người bệnh ở cơ sở đã được cứu chữa kịp thời, không ít bệnh nhân vượt “cửa tử” trong gang tấc.

Ứng dụng CNTT là yếu tố đặc biệt quan trọng để mô hình “Bệnh viện chị - em” triển khai thành công.
Ứng dụng CNTT là yếu tố đặc biệt quan trọng để mô hình “Bệnh viện chị - em” triển khai thành công.

Đó là hiệu quả dễ dàng nhìn thấy chỉ sau gần 3 tháng Hà Nội thí điểm triển khai mô hình ‘Bệnh viện (BV) chị - em”, mà như TS. Trần Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết. Điều vô cùng quan trọng và quyết định sự thành công, tính bền vững của mô hình là ứng dụng tối đa công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số giữa các cơ sở.

Mô hình mới - hiệu quả mới

Thời gian qua, Bộ Y tế đã có nhiều mô hình nhằm nâng cao chất lượng y tế cơ sở, như đề án 1816, 1718, BV vệ tinh, nhưng hiệu quả vẫn chưa như mong đợi. Y tế tuyến dưới vẫn còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất lẫn trình độ chuyên môn chưa đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh (KCB) của người dân. Người dân chưa được khám, phát hiện, quản lý, theo dõi các bệnh mạn tính như huyết áp, tiểu đường, v.v… một cách bài bản, thường xuyên, liên tục.

Vì thế, ngành y tế Hà Nội đã sáng tạo mô hình “BV chị - em”, nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế tuyến dưới thông qua sự hỗ trợ của BV tuyến trên, để người dân được điều trị tốt ngay tại địa phương mà không phải đi xa, từ đó, giảm tỷ lệ chuyển tuyến, giảm quá tải cho tuyến trên.

TS. Trần Nhị Hà chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình này: “Rất nhiều câu hỏi đặt ra: Tại sao lại là “BV chị - em” mà không phải là anh - em, hay 1 cái tên nào khác, khi mà Ban Giám đốc các BV, trưởng các khoa, phòng chuyên môn chiếm số đông là nam giới? Những người thiết kế mô hình chúng tôi mong muốn gửi thông điệp bình dị và đơn giản, là mô hình có sự giúp đỡ, yêu thương, gắn bó như chị em trong nhà”.

VT_Tran Nhi Ha.JPG
TS. Trần Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội: Mô hình “BV chị - em” nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống y tế tuyến dưới và cái đích cuối cùng là người dân được chăm sóc sức khoẻ tốt

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết thêm: Để xây dựng mô hình này, chúng tôi đã phân tích dữ liệu từ bảo hiểm y tế xem có bao nhiêu bệnh nhân chuyển tuyến ở từng tuyến, từng BV, từng bác sĩ và nhận thấy, nhiều BV đang chuyển tuyến cả những bệnh thông thường nằm trong danh mục kỹ thuật. Vì thế, mô hình “BV chị - em” được triển khai nhằm khắc phục tình trạng này.

Với thế mạnh là BV có kinh nghiệm và nguồn lực trong đào tạo, chỉ đạo tuyến, nhiều kỹ thuật chuyên môn ngang tầm khu vực, đặc biệt là một trong các BV tiên phong về chuyển đổi số, BVĐK Xanh Pôn đã được Sở Y tế Hà Nội “chọn mặt gửi vàng” để hỗ trợ BVĐK Ba Vì và TTYT Ba Vì. Mục tiêu là giúp BVĐK Ba Vì nâng cao năng lực quản lý, chất lượng chuyên môn và phấn đấu thành BV hạng I vào cuối năm 2024, còn TTYT Ba Vì được nâng cao năng lực quản lý bệnh không lây nhiễm và cấp cứu ban đầu.

Bên cạnh việc phát huy kinh nghiệm từ các đề án của Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội cũng rút kinh nghiệm từ đề án 1816 chưa thật sự thành công chủ yếu do chưa ứng dụng CNTT, khi BV tuyến trên về tuyến dưới xa, trong khi BV tuyến dưới không có bệnh nhân, còn bác sĩ ở tuyến trên rất đông bệnh nhân, nên sẽ không “níu” bác sĩ tuyến trên ở tuyến dưới lâu được, để đưa ra giải pháp mang tính quyết định là ứng dụng tối đa CNTT, chuyển đổi số giữa các cơ sở y tế tuyến “chị” và “em”.

Quyết định này hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế và xu thế chung, đã giải quyết được các vướng mắc khiến việc hỗ trợ của tuyến trên không lâu dài. Nhờ CNTT, BV tuyến trên có thể tổ chức khám bệnh từ xa, hội chẩn từ xa, đi buồng ảo, chuyển tuyến điện tử thường xuyên, liên tục, từ đó, hỗ trợ chuyên môn toàn diện hàng ngày và cùng lúc cho nhiều đơn vị tuyến dưới. Đồng thời, BV tuyến trên tổ chức được đào tạo từ xa với các phương pháp đa dạng, hiệu quả, phù hợp thực tiễn, thời gian đào tạo linh hoạt, quản lý khoa học và toàn diện toàn bộ quy trình đào tạo.

CNTT giữ vai trò tối quan trọng trong kết nối các cơ sở

TS. Nguyễn Đức Long - Giám đốc BVĐK Xanh Pôn - cho biết, nhận nhiệm vụ từ Sở Y tế giao, lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn và các khoa, phòng chủ lực đã trực tiếp làm việc với BVĐK huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế Ba Vì, khảo sát thực trạng nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hệ thống CNTT, quy trình khám bệnh, quản lý bệnh mạn tính, để thống nhất kế hoạch hỗ trợ.

VT_LOng.JPG
TS. Nguyễn Đức Long - Giám đốc BVĐK Xanh Pôn chia sẻ về mô hình “Bệnh viện chị - em”

Trên cơ sở đó, BVĐK Xanh Pôn xây dựng kế hoạch toàn diện, chi tiết, sát thực tế với mục tiêu BVĐK Ba Vì phải cải tiến mạnh mẽ về chuyên môn, làm cơ sở cho sự chuyển đổi. Đó là cải tiến quy trình KCB một chiều, còn ở các lĩnh vực ngoại, nội, hồi sức - chống độc, gây mê hồi sức vv… đều được hội chẩn hàng ngày từ xa, đào tạo từ xa, đi buồng từ xa, đặc biệt là hỗ trợ cấp cứu, chẩn đoán, xử trí đột quỵ ngay tại Ba Vì thông qua việc chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết.

Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, BVĐK Xanh Pôn hỗ trợ BVĐK Ba Vì đọc kết quả CT, MRI qua hệ thống TeamViewer và chuyển giao kỹ thuật can thiệp, đào tạo quy trình kỹ thuật...

Với Trung tâm Y tế Ba Vì, BVĐK Xanh Pôn hỗ trợ nâng cao năng lực cấp cứu ban đầu, năng lực xét nghiệm, tư vấn hỗ trợ đấu thầu, mua sắm vật tư trang thiết bị...

Chỉ trong thời gian ngắn, BVĐK Xanh Pôn đã tổ chức đào tạo cho 2 đơn vị “em” nhiều lớp học về ngoại khoa, cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong lĩnh vực Cấp cứu, Nội khoa, Nhi khoa, Kiểm soát nhiễm khuẩn, đào tạo nhân lực Xét nghiệm, chuyển giao kỹ thuật …

Với các giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ BV “chị”, hoạt động chuyên môn ở 2 đơn vị được cải thiện rõ rệt chỉ sau gần 3 tháng thí điểm: BVĐK huyện Ba Vì đã triển khai quy trình khám bệnh 1 chiều không giữ thẻ BHYT, khai trương Đơn nguyên Cấp cứu và Đơn nguyên Sơ sinh, chuyển giao kỹ thuật tiêu sợi huyết và đã cấp cứu thành công một số ca “thập tử nhất sinh”; xây dựng các gói dịch vụ KCB theo yêu cầu v.v… Còn Trung tâm Y tế Ba Vì đã xây dựng được mô hình quản lý sức khỏe hiệu quả cho người dân ngay tại cộng đồng.

Hoi chan tư xa.png
Bác sĩ BVĐK Xanh Pôn hội chẩn từ xa để hỗ trợ BVĐK Ba Vì

Chia sẻ kinh nghiệm từ những kết quả đã làm được của mô hình “BV chị - em”, TS. Nguyễn Đức Long nhấn mạnh việc ứng dụng CNTT là yếu tố đặc biệt quan trọng để mô hình này triển khai thành công.

Theo TS. Long, thuận lợi lớn nhất của mô hình chính là Đề án 06 của Chính phủ về chuyển đổi số đang được triển khai tích cực. Trên cơ sở đó, mô hình “BV chị - em” đã ứng dụng tối đa CNTT trong mọi hoạt động, từ hội chẩn hỗ trợ cấp cứu từ xa, khám bệnh, điều trị và đi buồng từ xa; giao ban trực tuyến và đào tạo, chuyển giao công nghệ từ xa vv… Từ đó, giúp các BV “em” nhanh chóng phát huy hiệu quả trong công tác chăm sóc sức khoẻ, từ quản trị BV, hướng dẫn thực hành, phát triển chuyên môn kỹ thuật, đến ứng dụng CNTT trong khám và điều trị…